Viết về bệnh viện Quân y 109 Vĩnh Yên

19/03/2009 13:50 GMT+7 | Một chuyến đi

Trong hành trang của những con người đang sống xa Tổ Quốc. Hình ảnh một mái đình làng, một dòng sông quê, tím ngát hoàng hôn. Đã trở thành một nỗi nhớ mong khát vọng, khi nhìn ra khoảng rừng ngoài kia trắng xóa tuyết đang rơi.
 
Cứ mỗi lần về thăm quê, giống những dải phù sa được bồi đắp. Túi hành trang lại đầy thêm, bởi sự thay đổi của đất nước, bởi tấm lòng nhân hậu của những con Người. Biết bao lần, định cầm bút viết về họ, về tập thể bác sỹ, y tá Quân y viện 109 Vĩnh Yên. Nơi mà cách đây 6 năm, những người chiến sĩ áo trắng, đã dệt nên trong tôi, một "Huyền thoại" giữa đời thường. Nhưng cứ lần khất mãi, cho đến hôm nay.

Chiếc xe lăn bánh, rời quê hương Rừng cọ đồi chè", vào một sáng tháng 2.
 
Thị xã Vĩnh Yên cái đích mà hôm nay gia đình tôi sẽ đến, nơi em trai út tôi đang công tác thuộc biên chế của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi mà hôm nay em tôi làm lễ ăn hỏi. Vui thật vui sau bao lần mẹ cha thúc giục cùng trăm ngàn lý do khác em đưa ra chống chế, hoãn binh. Để đến lúc này 37 tuổi đời em tôi mới nói lời chính thức chia tay với chủ nghĩa "Độc thân".

Mọi thủ tục, mọi nghi lễ cho một đám hỏi đã diễn ra hoàn tất, thật vui và thắm tình "Cá nước quân dân". Chia tay ông bà thông gia, chúng tôi sang nơi em mình công tác để bố nói lời cám ơn tới các anh em bè bạn trong đơn vị, các anh thủ trưởng của em, đã nhiệt tình giúp đỡ em trong những ngày qua và cả trong việc "Tư" hôm nay.
 
Tôi nhìn thấy niềm vui dâng đầy trong mắt cha, ông vui vì trách nhiệm và nghĩa vụ của mẹ cha đã trọn vẹn khi lo được cho con cái yên bề gia thất.

Chuyến đi của gia đình tôi hôm nay sẽ là hoàn hảo sẽ là trọn vẹn, nếu không có một sự cố về sức khỏe của bố, để rồi lại tiếp thêm một chuyến đi, và chuyến đi này là đưa bố vào Quân y viện 109 Vĩnh Yên.
 

(Ảnh Internet)
 
Tôi chợt nhớ có lần bố tôi đã nói:"Cơ thể của người già giống như một cỗ máy, vận hành suốt 7, 8 mươi năm, cũng đến lúc nó phải hỏng phải rệu rã, không bộ phận này thì bộ phận khác. "Đâu đã hết ly rượu mừng, đâu đã kịp nói lời chia tay. Bố tôi đã đổ xuống trong tay đồng đội của em trong một cơn đau đột ngột. Anh em kịp thời đưa bố sang viện Quân y trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Đón ông từ trên xe đơn vị em đưa sang. Ông được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Trong không khí hối hả khẩn trương của bệnh viện. Chị em tôi chỉ có thể chờ đợi bên ngoài mà chẳng thể giúp được gì. Khi bên trong ô cửa kính kia là mạng sống mong manh của người cha già. Cứ nhìn thấy mồ hôi rịn ra trên trán các thầy thuốc và nét mặt căng thẳng của họ,mà lòng tôi như muối xát. Từng giờ từng giờ chậm chạp qua đi cho tới chiều, bố tôi đã qua cơn hiểm nghèo không khí căng thẳng trong phòng cấp cứu mới chùng xuống. Nếu không cấp cứu kịp thời tính mạng bố tôi sẽ ra sao? Bác sĩ nói bố tôi bị viêm tụy cấp.

Mặc dù phút nguy kich đã qua đi song bố tôi vẫn nằm lại phòng chăm sóc đặc biệt. Không chỉ trong ngày hôm đó mà còn suốt trong tuần sau. Nhìn những người thầy thuốc hiền từ mà tôi thấy ấm lòng. Các anh chị thường trực hàng giờ bắt mạch thăm khám theo dõi biến chuyển bệnh tình của bố và ân cần thăm hỏi động viên gia đình. Các anh chị đã truyền sang cho tôi một nghị lực một niềm tin và hy vọng.

Tôi đã từng đọc rất nhiều báo chí. Tôi cũng từng được nghe biết bao điều tiêu cực xảy ra trong các bệnh viện dân y, phải có "lót tay" và có cả các loại "cò". Tôi không khỏi xót xa.

Nhưng có ai đã từng trải qua cái cảnh như tôi lúc bấy giờ. Khi tính mạng của người cha già đang "ngàn cân treo sợi tóc". Khi cuộc đời của một con người, hy vọng của một đại gia đình, đang nằm trong tay những người thầy thuốc . Mà họ không đòi hỏi một đồng quà, họ không màng một xu "lót tay". Nhưng vẫn tận tâm hết lòng vì người bệnh. Được chứng kiến lòng nhiệt tình của cái tập thể y bác sĩ đang bận rộn kia tôi tin tưởng và cảm phục các anh chị biết nhường nào.

Bao nhiêu năm xa mới được mấy tháng gần. Niềm vui đoàn tụ lại diễn ra trong cảnh người thân của mình đang "Thập tử nhất sinh". Khi các thày thuốc đang chiến đấu với tử thần từng phút, từng giây để giành giật sự sống cho cha mình, tôi cảm nhận thật sâu sắc ý nghĩa của câu:"Thầy thuốc như mẹ hiền".

Phải chia tay Bố để ra đi trong một buổi chiều vàng sắc nắng trung du. Trong khuôn viên của viện Quân y 109 đầy ắp tình người. Tôi đã đem theo hình ảnh tuyệt đẹp của những người chiến sĩ áo trắng lên chuyến bay xa.

Không phải chỉ trong thời chiến để trực tiếp cầm súng đánh giặc, giành lại bầu trời và cuộc sống bình yên cho Tổ quốc cho chúng tôi, mà trên mặt trận thầm lặng không có tiếng súng này đâu kém phần cam go gian khổ. Các anh chị đã tận tâm chăm sóc cho cả cha mẹ người thân của các chiến sĩ đang phục vụ cống hiến cho nước nhà. Cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào thì công lao và biểu tượng của người lính vẫn thật cao đẹp, thật sáng trong. Luôn xứng với phẩm chất cao quí của "anh bộ đội Cụ Hồ".

Từ buổi đó đến nay 6 năm đã trôi qua. Tôi vẫn cất giữ trong lòng mình kỷ niệm về một chuyến đi.

Tôi vẫn “nợ” các anh chị nơi đó. Nợ cả tập thể y bác sĩ Quân y viện 109 Vĩnh Yên, một lời cám ơn, một lời tri ân. Mà 6 năm qua, bởi khoảng cách địa lý, bởi muôn vàn khó khăn trong cuộc mưu sinh nơi xứ người mà vẫn chưa cho phép tôi được một lần gặp lại.

Qua trang báo này cho tôi được gửi lời lời chúc sức khỏe tới những người chiến sĩ áo trắng, đang miệt mài trên mặt trận thầm lặng. Nhiệm vụ của người thầy thuốc và chiến sĩ các anh chị đang gánh nặng hai vai. Niềm tin và hy vọng của chúng tôi vào các anh chị lại tỏa sáng hơn bao giờ. Trong màu trắng tinh khôi của người thấy thuốc, đang hòa cùng mầu xanh áo lính thật gần gũi thật thân quen thật bình dị đến vô cùng. Bởi họ luôn là những người tiên phong, sẵn sàng"vì nước quên thân, vì dân phục vụ"

Đào Thị Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm