Về quê làm lễ Thanh Minh

06/04/2009 19:26 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Cả gia đình bận rộn chuẩn bị về quê làm Lễ Thanh minh. Sáng sớm, bà sửa soạn lễ cúng Tổ Hùng Vương. Thắp hương xong, bà dặn “Các con phải khắc ghi câu ca này Dù ai đi ngược về xuôi-Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba. Hôm nay là ngày Quốc Giỗ, cả nước nhớ về nguồn cội, nhà mình về quê làm lễ Thanh minh cũng là nghĩa cử cao đẹp nhớ về tổ tông”.

 
Cổng làng
 
Quê tôi bên sông Cầu có nghề thả chim bồ câu

Ngày Quốc Giỗ, các dòng xe hối hả, người về Đất Tổ, người đi Lễ Thanh minh. Hơn 50 phút, chúng tôi mới qua được cầu Thăng Long.
 
Dòng sông quê

Bắc Ninh - Quê tôi hiện lên trước mắt như một bức tranh sơn thủy. Tiết trời tháng 3 quang đãng, trong sáng, mưa lây phây rắc bụi, se lạnh. Dòng sông Cầu trôi êm êm. Từng ô ruộng như bàn cờ vuông vức trải tấm thảm xanh non mỡ màng. Từng giọt sương long lanh đậu trên lá lúa mơn mởn rung rinh trước gió xuân. Ruộng mầu xen giữa ruộng lúa. Trên đường vào Nghĩa trang làng, bà kể chuyện thời ấu thơ gắn bó với vùng Kinh Bắc. Bà bảo giống bầu Bốt chỉ ở đất làng mới ngon. Quả giống cái nậm rượu, bé nhưng ngọt, không bỏ ruột.

Ngày bé, bà theo cụ ngoại quẩy bầu ra chợ huyện. Một loáng gánh bầu đã bán hết. Bà phụ cụ ông làm thuốc lào. Tay bà dẻo thái thuốc nhỏ như sợi chỉ, hồ thuốc thơm, làm đến đâu người ta mua cất đến đó. Nhưng đất “bờ xôi ruộng mật” đang thu hẹp dần quy hoạch khu công nghiệp. Không biết vài năm nữa…Con đường này, ông ngoại đã đưa bà về…Bà dừng lại, mắt nhìn xa xăm, giọt nước mắt chầm chậm lăn trào nơi khóe mắt…Trái tim tôi bỗng the thắt, ký ức với hoài niệm về người thân hiện về làm bà xúc động.
 
Ruộng lúa xuân
 
Bờ xôi ruộng mật quê tôi thu hẹp dần làm khu công nghiệp (ảnh minh họa)

Chợ làng
 
Sông Cầu-Xanh xanh bãi mía ruộng ngô

Nghĩa trang làng đông đúc, nhộn nhịp. Con cháu công tác ở thành phố, người quanh năm đi làm ăn xa và cả người đang sống xa xứ đã trở về vào dịp này đi tảo mộ và xum họp gia đình. Thanh niên phát cỏ, đắp đất. Các cụ già khấn vái thổ địa, kính mời hương hồn tổ tiên về. Trẻ em được ông bà, cha mẹ cho đi tảo mộ là để biết dần mộ của gia tiên và tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
 
Mâm lễ cúng trong Lễ Tảo mộ

Gia đình tôi mỗi người một việc phát cỏ, đắp đất, dọn dẹp, lau bia mộ đá. Mẹ chia từng phần lễ; mợ tôi bày biện mâm lễ. Nải chuối vàng xuộm đặt giữa, bên cạnh là trầu cau, đĩa táo, khoanh giò lụa, chả quế, bánh chưng, cút rượu, đồ mã. Tôi đặt lọ hoa và thắp đèn. Cậu đốt hương. Bà dặn mợ lễ Thần linh thổ địa. Vây quanh bà, con cháu khăn áo chỉnh tề thắp hương, khấn vái lễ âm phần Long Mạch, Sơn thần thổ phủ nơi mộ, sau là 2 cụ, rồi đến ông ngoại. Bà khấn: Kính lạy Hương linh…Nhân tiết Thanh minh… thành tâm thắp nén tâm hương kính dâng trước mộ, kính mời chân linh...lai lâm hiến hưởng. Chúng con xin phép được sửa sang phần mộ, bồi thổ cho dầy bền, vững chắc. Phát nguyện tích đức tu nhân, làm phúc cúng dâng…hiếu thuận tông nhân để lấy phúc này hồi hướng về Tiên Tổ...Cúi xin chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì con cháu che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều dữ xua đi, độ cho gia đạo hưng long, cháu con vinh hưởng lộc trời...
 
Lễ Tảo mộ ở đồng bằng Bắc bộ (ảnh minh họa)

Trước mộ ông ngoại, bà bảo cậu “Bố con mất trẻ, lại nghiện thuốc, con châm điếu thuốc cho bố”. Cậu tôi châm điếu thuốc cắm lên chân nhang. Khói thuốc quyện cùng khói hương nghi ngút. Điếu thuốc cuộn tàn trắng. Bà bảo chúng tôi thắp hương, đốt tiền vàng kim ngân cho cả mấy nấm mồ vô chủ bên cạnh.
Làm lễ xong, cả nhà đứng trước mộ ông nghe bà kể “Thanh là khí trong, minh là sáng sủa. Lễ thanh minh thường vào ngày 4-5/4 Dương lịch, kết thúc vào khoảng 20-21/4 khi tiết cốc vũ bắt đầu. Các con học Truyện Kiều có nhớ câu thơ của Nguyễn Du:

Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Trước đây, thanh niên cũng nhân dịp này du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh (giẫm lên cỏ). Tảo mộ thường vào tiết Thanh minh, nhưng nhiều nơi ở vùng đất thấp, nghĩa trang ngập nước nên người ta lội ruộng, hoặc tảo mộ vào đầu tháng 9. Người miền Trung thường cúng Thanh minh trong miếu, đình nhớ ơn người khai hoang lập làng. Người miền biển tế ông Nam Hải, cúng Thanh minh vào 3 hoặc 4 giờ sáng. Dù tảo mộ vào thời điểm nào thì việc thăm nom mồ mả tổ tiên cũng là việc chính. Nét đẹp nhân nghĩa của người Việt là không thờ ơ với nấm mồ vô chủ. Lúc nãy bà bảo con thắp hương, đốt vàng mã cho những ngôi mộ đó là thế. Cúng lễ trong ngày Tết Thanh minh cũng là dịp để con cháu sửa lễ mời gia tiên về hiến hưởng”.
 
Lễ tảo mộ ở nghĩa trang ngập nước (ảnh minh họa)

Tuần hương tàn, chuyện về lễ Thanh minh cũng vừa khép lại, bà đi lễ tạ, hóa vàng, xin lộc và trở về nhà làm lễ gia tiên.

Với tôi, kỷ niệm về người đã khuất không nhiều, nhưng tình cảm của bà khiến tôi có cảm giác những người đã khuất trong gia đình như có mối gắn kết, luôn bên cạnh che chở. Khi “tiền vàng vó rắc tro tiền giấy bay” bà vẫn bịn rịn. Dời khỏi mộ ông, bà khấn “Ông ơi! Mẹ con, bà cháu tôi về đây. Ông sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì các con, các cháu khỏe mạnh, công tác và học tập tốt! Ông nghỉ ngơi đi, thỉnh thoảng tôi cùng con cháu về thăm ông…”.

Nhìn dáng điệu bà chậm chạp, tôi thương bà vô hạn. Bà coi trọng tâm đức, luôn hướng con cháu về nguồn cội. Điều bà mong mỏi ở con cháu là ý thức chăm sóc mộ phần, tấm lòng tôn kính tưởng nhớ đến công ơn người đã khuất.

Cho đến thời điểm này, đời tôi đã nhiều chuyến “xê dịch”, nhưng chuyến về quê lần này giúp tôi “lớn nổi thành người” hiểu sâu sắc đạo lý sống-giản dị mà thấm thía. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn. Vạn vật sẽ thay đổi, con người không thể cưỡng được sức mạnh của thời gian, của tạo hóa, nhưng chỉ có tình người hiếu thảo, sự tri ân của con cháu đối với tổ tiên sẽ là tài sản vô giá, cội rễ bền vững cho bây giờ và muôn đời con cháu mai sau.

Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm