Tản mạn trái cây Việt

11/01/2010 16:02 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - Mỗi lần vào chợ, ngang qua những sạp hàng bán trái cây, cứ nhìn những đống trái cây xếp ngồn ngộn với nhiều màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng…Lòng bỗng rưng rưng nhớ những miệt vườn cây trái sum suê, ngào ngạt hương thơm và đong đầy kỷ niệm.

Thuở là những chú bé, tóc vàng hoe khét nắng, buổi trưa trốn ngủ, len lén dắt cái ná giàn thun vào lưng quần, rủ rê chúng bạn vào vườn săn bắt những con chim chào mào, những con chim sâu bé bỏng, rồi sau đó, mắt hau háu tìm kiếm những trái chín đầu mùa vàng hươm và thơm ngát. Đó là những trái ổi sẻ, tròn nhỏ, là những trái xoài…đèo, trái vú sữa sượng. Còn những trái to, đẹp, thì chỉ biết thèm thuồng nuốt nước miếng mà chẳng đứa nào dám hái, vì cha mẹ, ông bà đã dặn rất kỹ : “ Để dành đem ra chợ bán, lấy tiền đong gạo!..”

Cũng thật ngộ thay, những người nông dân Việt. Trồng được thứ gì…quí, ngon, đáng giá thì cũng rất ít khi được thưởng thức, chỉ biết nâng niu, dành dụm để bán, nghe kể, ngày xửa ngày xưa thì còn để dành để …tiến cho chủ đất và tiến vua. Và cũng trong suy nghĩ và con mắt của mọi người. Những trái ngon, lạ, quí hiếm thường được gắn cho cái tên đi kèm với hai chữ “ ngự” và “ Tây”. Ví như “ chuối ngự”, “chuối Tây”, “Mảng cầu Tây”, “dưa Tây” v.v…

Trái cây của vườn quê Việt, suốt từ Nam tới Bắc, không thiếu những trái ngon nỗi tiếng đi kèm với cái tên địa phương, hoặc một cái tên riêng nào đó, như “Nhãn lồng Hưng Yên”, “Cam Bố Hạ”, “Bưởi Thanh Trà”, “Bưởi Năm roi”, “Vú sữa Lò Rèn”…Song dường như giữa chợ, giữa những ngồn ngộn trái cây được trưng bày, trái cây Việt có khi phải nhường tên cho trái cây…Tây, Tàu hay một đất nước nào đó. Trái cây Việt, vóc dáng khiêm nhường, nhỏ bé, dù là trái ngon, trái quí…vẫn lép vế một bề?

Mùa nào, thức ấy, cái vòng xoay của cây trái vẫn nương dựa vào mùa, song với kỹ thuật tiến tiến, hiện đại ngày nay, việc ghép giống, lai tạo cây. Kích thích ra trái mùa nghịch, đã không còn cái qui luật “Đáy dĩa mùa đi nhịp hải hà” nữa rồi. Ra chợ, mùa nào, lúc nào cũng thấy bày bán đủ loại trái cây táo, lê, nhãn, xoài, mít, ổi, cam, quít…Trái cây Việt cũng tràn đầy ăm ắp trên thúng, mũng, mẹt của các chị, các mẹ đem ra chợ bán. Nhưng những người mua “quí tộc” xem ra vẫn còn hờ hững?

Cuộc sống ngày càng nâng cao, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các bà nội trợ am tường và hiểu biết. Trái cây ngoại bị phát hiện là có…hóa chất bảo quản cho “tươi, bóng, đẹp…”, làm người ta lo sợ, liên tưởng đến những căn bệnh quái ác của thời đại, khôn hơn, người ta bắt đầu tìm đến trái cây Việt, nhưng vẫn còn gờn gợn các nhà vườn sử dụng phân bón thuốc trừ sâu…quá đà!

Trong cuộc chiến trên thương trường. Sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt, đã đứng vững trên thị trường nhiều trái cây Việt. Nhiều thương hiệu trái cây nổi tiếng đã ra đời: Nho Phan Rang, Thanh Long Bình Thuận, Bưởi Năm Roi, Vú sữa Lò Rèn, Xoài cát Hòa Lộc…Song, người mua ở dạng trung lưu, bình dân, muốn tìm mua ăn thử, cũng phải…đỏ mắt tìm kiếm. Vì tâm lý trái ngon, quí đều được…xuất khẩu cả rồi, hay có bán trong nước, thì cũng ở những siêu thị “hoành tráng” chỉ có ở các thành phố lớn. Ra chợ, quê, chợ huyện, chợ tỉnh, chỉ còn lại những “trái dạt”, loại 3, loại 4. Có ăn, cũng không thể thưởng thức hết cái hương vị “đặc trưng” của nó. Cũng giống như trái “sượng”, trái “đèo”, mà ngày xưa khi xã hội còn nghèo, bọn trẻ chúng tôi được phép thưởng thức.

Trái cây Việt, được thiên nhiên ưu đãi, vì trồng trên xứ sở nhiệt đới, phong phú về chủng loại. Mùa nào thức ấy, không kể cây trái trái mùa, được nhiều người sành ăn trên thế giới ưa chuộng và ca tụng. Việc gắn thương hiệu là việc cần làm và là trách nhiệm của những nhà quản lý, nhà vườn thời kinh tế thị trường, tuy nhiên nếu chỉ dành cho việc xuất khẩu, không hoặc chưa quan tâm đến “thị trường trong nước” quả là rất thiếu sót và đáng tiếc.

Bỗng băn khoăn câu nói : “ Người Việt dùng hàng Việt”. Sống trên đất Việt, muốn tìm ăn những cây trái ngon nỗi tiếng của xứ Việt, ra chợ tìm cũng rất khó khăn, trong khi trái cây mang nhãn mác Mỹ, Trung Quốc, Thái…thì bày bán ê hề.                                                                          

                                                                                                   Trần Vĩnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm