Mai Văn Hiến - Họa sĩ biếm chiến khu

11/07/2008 16:08 GMT+7 | Biếm Họa

Chân dung họa sỹ Mai Văn Hiến.
do Phan Kế An vẽ năm 1946
(TT&VH Online) - Trong bài viết về Mai Văn Hiến, Laurent Colin đã có một cái tít rất hay - Mai Văn Hiến, họa sĩ chiến khu (Phạm Toàn dịch). Tôi xin được sử dụng cái tít này và chỉ thêm vào chữ biếm khi viết về mảng biếm họa đặc sắc của người họa sĩ tài ba này.

Giờ đây, lật những trang báo được in bằng giấy sản xuất từ giang, nứa ngả màu vàng thời gian để xem tranh biếm họa của Mai Văn Hiến trên báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân) năm 1947, 1948... tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh rất ấn tượng của ông những lần gặp gỡ, được trò chuyện với ông gần 20 năm trước về biếm họa thuở kháng chiến chống Pháp, rồi biếm họa ngày nay (thời kỳ mỹ thuật đổi mới 1986-1987...).
 
 Ông có vóc người to cao rất Tây, nhưng giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn. Không nghe ai kể Mai Văn Hiến cáu bao giờ, kể cả hai cô con gái của ông.
 
Ông rành rọt kể về những họa sĩ vẽ tranh biếm họa thời kháng chiến như Phan Kế An (Phan Kích), Nguyễn Bích, Nguyễn Địch Dũng, Giang Tô v.v... Còn về phần mình, ông chỉ lướt qua... “Tôi cũng có vẽ biếm họa cho báo Vệ quốc quân”.

Mai Văn Hiến là một họa sĩ hết sức khiêm tốn. Khi vài năm gần đây được mọi người tán tụng về việc ông vẽ tiền, tờ 5 đồng, cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, ông gạt đi: “Có gì đâu, tôi không vẽ thì đã có người khác vẽ!”. Những tranh áp phích khổ lớn vẽ trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Mai Văn Hiến dưới làn mưa đạn đã có những tác dụng thiết thực đến cuộc chiến, nhưng ông vẫn khiêm tốn “chắc chắn nó chẳng làm nên chuyện gì quan trọng cả”.

Lính Tây vã mồ hôi như tắm 
Phần lớn biếm họa chiến khu (từ năm 1947 đến năm1952) của Mai Văn Hiến đi vào cái rất đời thường, lột tả được những khía cạnh khá hài hước của người chiến sĩ vệ quốc, những người trước đó không lâu còn là người nông dân quê mùa chân chất, đến với kháng chiến bằng một vũ khí duy nhất là lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp. Về cách ăn, cách ở, tác phong sinh hoạt, luyện quân, học tập chính trị, chiến đấu... lính ta luôn ngụy biện khi bị chất vấn.
- Sao đồng chí lại gác ngồi?
- Dạ thưa, em gác ngồi cho đỡ... lộ mục tiêu ạ!
Tội ngủ gật trong lớp học, khi ngụy trang không đúng cách, nào gác thì sai quy định, thay vì đứng thì lại ngồi cho đỡ mỏi! Những người lính vệ quốc trong biếm họa Mai Văn Hiến có cái gì đó thực đáng yêu: Mũ ca lô, áo trấn thủ, quần đen rộng thùng thình thậm chí có khi còn ống thấp, ống cao, mặt mày hiền khô. Xem những bức tranh này, thực khó hình dung những chiến sĩ vệ quốc đó lại vô cùng quả cảm, đang và sẽ đánh cho quan quân Pháp tơi bời, thất điên bát đảo trên chiến trường.
 
Giặc Pháp trong tranh biếm họa của Mai Văn Hiến cũng khá đặc sắc. Ông nhìn nhận họ cũng là con người, người lính đánh thuê chứ không phải là ác quỷ. Họ có nỗi thống khổ, có số phận riêng của họ. Phải đi đánh thuê ở tận miền nhiệt đới xa xôi xứ người. Phải chịu cái nóng ghê gớm, cái ẩm ướt, cái hoang dã rờn rợn của vùng nhiệt đới và hơn cả là sự căm ghét của người dân bản địa.
 
 Ở một bức tranh, ta thấy có hai lính Pháp đang hỏi nhau:
- Sao thằng cha ấy thăng quan tư chóng thế?
- Lạ quái gì, vô địch đốt nhà và giết trẻ con, vô địch chạy việt dã khi quân VN tiến đánh.

Còn ở một bức tranh khác, mấy lính Pháp đang tập mặc váy, mặc yếm, chít khăn mỏ quạ, đội nón mê... để khi thua trận thì dễ bề trà trộn chạy trốn trong dân chúng. Còn đối với bọn chóp bu thực dân Pháp, ông đả kích, giiễu cợt thẳng thừng như tranh Thua đau cắn càn...

Lính Tây giả làm đàn bà để dễ bề trốn

 Tranh biếm họa của Mai Văn Hiến hầu như bao giờ cũng có lời kèm theo. Hình bị bóp méo, cường điệu vừa phải rất có nghề, cộng với phần lời khá ngây ngô của các nhân vật tạo nên cái chất biếm, chất hài rất... Mai Văn Hiến, rất riêng ở tranh biếm họa vì nó xuyên suốt cả 50 năm vẽ biếm họa của ông.

Tôi cho rằng, chính chất nhân văn sâu đậm trong ông đã tạo nên một Mai Văn Hiến tài danh mà Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước vinh danh cho ông là một sự công nhận xứng đáng.

Ngày 8/5/2006, người họa sĩ tài ba Mai Văn Hiến đã vĩnh viễn từ giã cõi trần của chúng ta tại căn phòng nhỏ số 65 Nguyễn Thái Học, HN mà ông đã ở khi từ Việt Bắc trở về Hà Nội... Bây giờ đến thăm căn phòng trống không ấy, tôi vẫn nhớ giọng nói rất hóm của ông và cái cách ông xưng mình với rất nhiều người khi trò chuyện, trong đó có tôi, một người kém ông hơn 20 tuổi. Nhớ Mai Văn Hiến, một họa sĩ, một người được rất nhiều người yêu quý.

Lý Trực Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm