Lý Toét- Xã Xệ: Nạn nhân hay chứng nhân?

08/07/2008 17:44 GMT+7 | Biếm Họa

Lý Toét và Bang Bạnh - hai nhân vật này
có trong Viện Dân biểu (thời Pháp thuộc)

Khi mới ra đời trên tuần báo Phong Hoá tiếp theo trên cả tuần báo Ngày Nay rồi được nhiều báo khác "nhân bản", biếm hoạ Lý Toét - Xã Xệ gây ngỡ ngàng cho người xem, được đón nhận, hoan nghênh.
 
Sau đó có một số báo phê phán rằng: Tự lực Văn đoàn thông qua hình ảnh Lý Toét - Xã Xệ bêu riếu, đả kích người dân quê vô tội...
 
Phản ứng này cũng khá tự nhiên, vì dân quê ta vốn hay cười, thích cười người khác nhưng rất "dị ứng" khi bị người ta cười, giễu cợt cái yếu, cái dốt... của mình.
 
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, trước hết, Lý Toét - Xã Xệ, Bang Bạnh là quan lại "ăn trên ngối trốc" ở làng chứ không phải là người dân đen kiểu chị Dậu, anh Pha... Và quan trọng hơn, cần khách quan nhìn nhận bối cảnh lịch sử ra đời của Tự lực Văn đoàn đầu những năm 30 của thế kỷ trước và con đẻ tinh thần của họ là Lý Toét - Xã Xệ để đánh giá đúng giá trị, vai trò của biếm hoạ Tự lực Văn đoàn trong lịch sử biếm hoạ Việt Nam.

Ðó là một giai đoạn lịch sử cực kỳ đặc biệt của Việt Nam với những chuyển biến sâu sắc tới tận gốc rễ. Hoài Thanh và Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam" nhận định: "Năm sáu mươi năm mà như năm sáu mươi thế kỷ " và "giờ đây chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây ,đi giày Tây, mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp... "
 
Năm1886, lần đầu tiên xuất hiện 2 chiếc ô tô của người Pháp ở Hà Nội. Năm 1902 cầu Long Biên được khánh thành, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn đi vào hoạt động, nhà máy điện ở Bờ Hồ (Hà Nội) được khởi công với công suất thắp được 523 ngọn đèn điện phục vụ khu phố Tây ...
 
Đối với tuyệt đại dân chúng Việt Nam thì sự biến đổi quá nhanh này chính là cú "sốc văn minh" dữ dội nhất mà họ từng biết đến. Một cú va đập thật sự làm người ta phải bàng hoàng, nghi ngờ, sợ hãi, bài bác, phỉ nhổ, lợi dụng nó, giễu cợt rồi chấp nhận...
Lần đầu tiên người ta cắm cột mốc cây số ở đương quốc lộ.
 Lý toét ta tưới nước cho nó...và ai ngờ nó ra hoa!
 Thế mới biết, Lý toét cũng đầy lãng mạn.

Lý Toét - Xã Xệ bước ra từ chốn tối tăm "bùn lầy, nước đọng", vốn chìmtrong giấc ngủ miên man đời đời, kiếp kiếp của cái tự ti, cái tự mãn đôi khi đắc chí của quá khứ nghìn năm, giật thót người khi nghe tíếng ầm ầm và tiếng còi tàu hoả xé nát cõi yên bình chốn thôn quê...
 
Ngơ ngác nhìn cái đèn không dầu, không bấc mà sáng quắc cả một vùng, ấn vào một cái nút con con bỗng nhiên có tiếng chuông kêu váng óc hoảng đến đứng tim.
 
Rồi chính ở chốn thị thành này mà bao nhiêu thói hư tật xấu của họ được phơi bày ra gần hết. Cái ngớ ngẩn đáng yêu và cái chất ngang bướng, cái chất biếm của họ lộ dần ra: giễu cợt, chống hủ lậu quan tham, chống thực dân cai trị...

 
Thấy Tây ăn "xúc xích" lại tưởng là họ
 ăn "xích sắt"
Ban đầu, người ta thấy một Lý Toét keo kiệt, đang bị treo cổ vẫn cố cúi đầu xuống xem đôi giày của mình vẫn còn hay đã mất ... Nghe bảo Tây ăn xúc xích cứ phục lăn không thể hiểu làm sao người ta lại ăn được cái thứ xích bằng sắt kinh khủng như thế...
 
 Nhưng dần dần hoà vào đời sống xã hội, chính trị, "tham gia" cả vào nghị viện dân biểu. Rồi xỏ xiên Tây, xỏ xiên cả bộ máy thực dân cai trị.
 
Ngoài Lý Toét - Xã Xệ, nhân vật biếm hoạ Bang Bạnh, một thằng cha đáng ghét chẳng có chút tài cán gì được phong quan nhờ cái tật ngủ đứng đúng như cái tranh sự ra đời của Bang Bạnh do HS Tô Tử (Tô Ngọc Vân) vẽ, lúc nào cũng ra oai, lên mặt đáng ghét, chuyên nịnh Tây bắt nạt dân đen, chính là biểu hiện rõ rệt tư tưởng chống đối chế độ quan lại phong kiến thối nát của Tự lực Văn đoàn.
 
Ban đầu chỉ là cái cười hài hước, giễu cái hủ lậu, cái dốt vì thất học, cái khôn vặt, cái ngớ ngẩn, pha chút ngây thơ của Lý Toét; càng ngày tiếng cười càng trở nên thâm thuý hơn, đầy chất phê phán.

Xem biếm hoạ Lý Toét - Xã Xệ, khi tiếng cười qua đi, ngẫm nghĩ kỹ, đọng lại ở bạn đọc là cái tủi nhục của lạc hậu, tăm tối, đói nghèo, bất công trong xã hội hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 dưới chế độ thuộc địa, buộc người ta phải suy nghĩ vì sao? Tôi cho rằng chính nổi tủi nhục đó cũng chính là nỗi đau và là thông điệp của Tự lực Văn đoàn: Phải tự trào, tự vấn cái dốt nát, hủ lậu của chính mình để vươn lên, để tiến bộ, đến với văn minh mà theo đúng "tôn chỉ" hành động có tính tiên phong thủa ban đầu của họ.
 

Giờ đây, xem biếm hoạ Lỷ Toét- Xã Xệ ta dễ dàng hình dung ra con người và xã hội Việt Nam với những biến động cực kỳ sâu sắc ở thập kỷ 30 của thế kỷ 20, và chính họ là chứng nhân lịch sử sống động nhất.
 
Nhìn lại cái thời Lý Toét - Xã Xệ ngơ ngơ, ngác ngác... khi va chạm với văn minh Tây Âu, chúng ta thấy tự hào khi người Việt Nam ngày nay tuy có chậm, nhưng đĩnh đạc bước vào "Thế giới phẳng" thời WTO.
 
Lý Trực Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm