Kỷ niệm về một bài báo

15/07/2012 13:17 GMT+7 | Bạn đọc với 30 năm TT&VH

(TT&VH) - Năm 1982 với riêng cá nhân tôi chỉ lưu lại mấy kỷ niệm nho nhỏ. Thứ nhất là World Cup 1982 tại Tây Ban Nha, tiếp đến tôi bắt đầu vào học cấp 3, bố tôi thì bắt đầu nghỉ hưu sau nhiều năm công tác và... bắt đầu thấy có tờ Tin nhanh về bóng đá thế giới của TTXVN phát hành.

Lúc bấy giờ, do điều kiện kinh tế nói chung còn nhiều khó khăn, cuộc sống gia đình tôi cũng rất chật vật. Thế rồi vì mưu sinh, Bố và các bác nghỉ hưu mày mò làm than tổ ong. Và tôi vì là con trai lớn, có sức khỏe nên phải phụ giúp bố tôi và các bác trộn than, đóng thành viên, đem đi chào hàng bán tại các khu tập thể bên Gia lâm.

Khi có tờ Tin nhanh World Cup '82, người đầu tiên chỗ tôi ở có báo là một nhà thơ Quân đội, nhưng ông chỉ cho chúng tôi đọc "ké" vào tầm chiều tối khoảng tầm 7h kém 15, còn lại không ai được mượn về nhà đọc. Chúng tôi "thèm lắm" nhưng chịu chết, làm gì có tiền mà mua mặc dù tờ báo giấy đen chữ in có chỗ còn nhòe thế mà sao sức hút của nó ghê thế không biết.

Bài "Văn hóa bếp lò" của tác giả bài viết đăng trên TT&VH 9/6/2009 mang theo rất nhiều kỷ niệm của tác giả

Tôi kể cho bố nghe về tờ báo và hai bố con lên kế hoạch mua cho được một tờ về đọc. Hai bố con tôi không biết phải qua bao nhiêu trận vòng bảng ngày đi bán than, chiều về nghe anh Hoài Sơn bình luận trên loa công cộng đầu nhà, tối mong có điện để xem Tivi phát lại trận đấu hôm trước, ấy vậy mà vẫn không có tiền để mua báo vì bán được than phải đưa tiền cho mẹ tôi đi chợ. Mãi đến lượt vòng bảng thứ hai khi mà Italia gặp Brazil, tôi được bố cho mấy đồng bạc lẻ và bảo tôi sáng mai nhớ dậy sớm đạp xe qua cầu Long Biên mua lấy một tờ Tin nhanh, nếu không có mới thì mua tờ cũ cũng được.

Tâm trạng tôi lúc đó thật khó tả, và tôi nhớ khi mang báo về bố tôi vội vàng đi tìm kính, vác ghế ra ngoài sân ngồi nâng niu vuốt tờ báo cho thẳng thớm rồi say sưa đọc. Bố đọc xong thì tôi đọc, tôi thậm chí còn đọc lại đến ba bốn lần mà vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn.

Thế rồi suốt từ đó, tôi luôn luôn theo dõi báo TT&VH (tất nhiên là có tiền thì mua, nếu không lại... đọc nhờ), cho đến cuối năm 2007 tôi mới có điều kiện để gửi bài cộng tác với TT&VH. Trong quá trình gửi bài cộng tác với báo, tôi chợt nảy ra ý định sẽ viết một bài về viên than tổ ong, viết để nhớ về những ngày bố con tôi vất vả kiếm sống, để nhớ về thời kỳ mà mua được một tờ báo cũng không đơn giản, dễ dàng chút nào. Và bài viết về than tổ ong được hình thành sau khoảng hai năm từ khi tôi có ý định. Qua biên tập, tên bài được đổi thành "Văn hóa bếp lò" và được đăng trên TT&VH số 160 ra ngày thứ Ba 9/6/2009. Tôi đem bài báo về cho bố như một món quà tinh thần để ông ôn lại quá khứ bởi vì Bố tôi và các bác đã thôi làm than khá lâu rồi. Tôi vô cùng xúc động và thầm cảm ơn BBT báo TT&VH đã cho in bài viết này.

Cách đây mấy hôm, chúng tôi ngồi uống bia và một anh bạn hơn tuổi tôi khi nói về báo chí thì có kể cho chúng tôi nghe một bài báo viết về cột cây số cách nay hơn 40 năm, thời kỳ anh và gia đình đi sơ tán. Anh tra Google trên điện thoại rồi đọc lại bài báo đó cho chúng tôi nghe, vừa đọc vừa...rơm rớm nước mắt vì bài báo ngẫu nhiên đó viết đúng những cảm xúc của anh lúc bấy giờ.

Và hôm nay đây, tôi cũng vậy. Viết đến đây, khi ngồi bần thần giở lại trang báo có in bài Văn hóa bếp lò và xem bản thảo gốc trên máy tính, tự nhiên trong đầu tôi như có những thước phim quay chậm xuất hiện. Hình ảnh bố tôi cúi gập lưng vét bùn dưới ao về trộn than dưới cái nắng hè năm 1982 ấy, cảnh hai bố con đạp chiếc xe cũ rong ruổi trên quốc lộ 5 xuống công ty May 10 chào hàng. Rồi hình ảnh tôi và mấy thằng bạn thậm thụt ngó vào tờ Tin nhanh Espana ‘82 đọc "ké" dưới ánh đèn dầu tù mù, tay đập muỗi đen đét thế nhưng vẫn cố căng mắt ra đọc trong tâm trạng chỉ sợ "bị đòi lại" tờ báo. Và trên hết tôi nhớ tâm trạng đạp xe hớt hơ hớt hải hơn 10km từ sáng sớm qua phố Phan Đình Phùng, vừa đạp vừa sợ hết báo để rồi khi đã mua được rồi quay về nhà mặc dù vừa vui sướng thong thả đi nhưng thỉnh thoảng vẫn giật mình thon thót nhìn xuống chỗ khe kẹp tờ báo chỉ sợ bị rơi mất. Tự nhiên nước mắt tôi cũng rơm rớm.

Đào Quốc Thắng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm