Hàng Việt, muốn Yêu trước hết phải Thương

07/10/2009 16:32 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - 1. Hai năm trước, một tờ báo uy tín thống kê: Con người hiện đại tiêu dùng hàng hóa với 80% tuân theo cảm xúc, chỉ còn 20% lắng nghe lý trí. Thương hiệu phải biết tập trung vào cảm xúc”. Và khi Tuần san PRweek của Mỹ và Anh cùng với Công ty Media Asia (BrandRepublic) đưa ra bảng xếp hạng 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á mới thấy thương hiệu Việt thật lạc lõng: Trong 1.000 cái tên được nêu ra, chỉ có một đại diện duy nhất của Việt Nam ở vị trí thứ 714. Tuy nhiên, doanh nghiệp này ngoài việc có cái tên không Việt Nam tý nào, còn sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đó chính là Vedan, doanh nghiệp vừa “giết chết” sông Thị Vải.

Cũng cách đây hai năm, tờ báo này cũng đã sử dụng cùng một câu hỏi: “Bạn có biết một thương hiệu nào của Việt Nam không?” cho 23 người là các chuyên gia tiếp thị và doanh nhân đến từ 20 quốc gia trên thế giới thì nhận được cùng một câu trả lời: Xin lỗi, tôi không biết! Ông Mohan Menon, Giám đốc Học viện Đào tạo Kinh doanh CBS thì nói rằng:  Tôi chỉ nhớ… Củ Chi thôi”. – “Địa đạo Củ Chi?”. – “Đó là một nơi tuyệt vời mà tôi sẽ không bao giờ quên. Dù đó không phải là một thương hiệu theo đúng nghĩa của nó, nhưng đó là một dấu khắc trong lòng (lovemark) mà tôi không thể quên được”.

Tờ báo phân tích: “Thương hiệu không phải là tài sản của một công ty, một cá nhân, mà là tài sản của khách hàng. Hôm nay, họ “thương” thì hàng hóa giá bạc tỉ, ngày mai họ “hết thương”, thì hết giá trị”. Tờ báo dẫn lời Kevin Roberts, Tổng Giám đốc toàn cầu của Saatchi Saatchi: “Tương lai của thương hiệu, đó là người tiêu dùng. Điều quan trọng không phải là bạn bỏ bao nhiêu tiền ra để làm quảng cáo, làm marketing, mà là bạn có thực sự hiểu người tiêu dùng. Làm sao để hiểu, chỉ có một cách duy nhất, là “cảm” được người tiêu dùng. Đó chính là mấu chốt của sự thành công”.

Đôi guốc. Nguồn ảnh: Internet

2. Tôi đã thử gặp 5 phụ nữ Việt thuộc ba thế hệ khác nhau và hỏi họ bằng một câu hỏi chung: Có một vật dụng thân thuộc, bắt nguồn từ “văn hóa đi” đã có từ lâu đời trong đời sống dân gian vẫn còn “sống” trong đời sống đương đại của người Việt và một bài thơ “chế” có tiêu đề lấy từ tên vật dụng ấy, đó là gì?

             ĐÔI GUỐC (Trích) *

Hai chiếc guốc kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau không mà chẳng rời nhau nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau.

Cùng bước cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dầu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia.

Nếu ngày nào một chiếc guốc mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi guốc vô tư khăng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trong những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.

Nguồn: Internet
Thật bất ngờ là cả năm người đều đoán ra là đôi guốc và bài thơ “Đôi guốc”. Người phụ nữ thế hệ 7X còn cho tôi biết thêm thông tin về nghề làm guốc đã được sử sách ghi nhận là một trong những nghề cổ nhất Việt Nam. Sách cổ của Trung Quốc như “Nam Việt chí”, “Giao Châu ký” ghi lại rằng: Bà Triệu ở thế kỷ 3 đi guốc bằng ngà voi, gọi là Kim đề kịch.... Chị cho biết là trước đây đã từng rất thích đi guốc, nhưng giờ chị thích đi giày hơn dù chị không ghét bỏ gì guốc - sản phẩm văn hóa thuần Việt. Còn bài thơ thì chị vẫn thuộc lòng.

Hai người thuộc thế hệ 8X biết guốc gỗ được chia thành hai loại: Guốc mộc và guốc hoa. Guốc mộc là loại guốc để nguyên màu gỗ, không sơn vẽ trang trí; guốc hoa là loại guốc sơn mịn, bóng, trang trí hình hoa lá, phong cảnh, nhằm mục đích tôn gót son và màu da chân trắng hồng của người thiếu nữ. Nhưng hai cô gái này đều cho hay họ không thích đi guốc chỉ vì không có cảm tình với guốc. Còn bài thơ “Đôi guốc” thì một người thuộc một nửa bài, một người nhớ đại ý chung và có ghi lại bài thơ này trong sổ tay.

Trong hai cô gái thuộc thế hệ 9X có một cô rất thích guốc nhưng “chưa dám đi guốc” vì còn chưa tin tưởng vào chất lượng loại sản phẩm này mặc dù cô phân tích khá hay về thời trang guốc: Vẻ đẹp giản đơn và tinh tế của những đôi guốc Việt được biến tấu thành những sản phẩm thời trang rất trẻ trung và hiện đại. Việc dùng guốc trở lại cũng phần nào thể hiện được sự gìn giữ và trân trọng những gì thuộc bản sắc văn hóa dân tộc mà cha ông ta đã hun đúc nên.

Cô gái còn lại nói ngắn gọn: Giữa đôi guốc đi dưới chân và bài thơ Đôi guốc, nếu cùng một giá tiền thì em sẽ chọn mua tập thơ có in bài Đôi guốc vì em thích và yêu bài thơ Đôi guốc hơn đôi guốc! Và dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, cô vẫn nghĩ về bài thơ với tất cả sự trân trọng và đồng cảm chứ không phải là đôi guốc đi dưới chân.

Tôi cho rằng, đó chính là “dấu khắc trong lòng” của cô gái mà bài thơ đã làm được. Các doanh nghiệp muốn khách yêu hàng hóa của mình, thương hiệu của mình, thiết nghĩ trước tiên phải tạo được “dấu khắc trong lòng” khách hàng, sau nữa là giữa khách hàng và doanh nghiệp cũng phải biết “thương” nhau!

*: Thực ra bài thơ Đôi guốc là một bài thơ "chế" lại bài "Đôi dép" của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên

Nguyễn Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm