Bức tranh kinh sợ về cỗ máy nghiền người dân thuộc địa

15/07/2008 16:19 GMT+7 | Biếm Họa

HS Nguyễn Gia Trí
(TT&VH Online) - Tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí quá lấp lánh, lung linh, nên rất ít người biết đến tài năng của ông ở một thể loại mỹ thuật đặc biệt, đó là biếm họa. Một HS biếm họa bậc thầy. Tranh biếm của ông đả kích trực diện vào chế độ thuộc địa Pháp, và nổi tiếng là bức về cỗ máy nghiền người dân

 
1. Khi nói đến cây đại thụ của hội họa Việt Nam Nguyễn Gia Trí, người ta nói đến tranh sơn mài với vẻ đẹp lộng lẫy, chiều sâu bí ẩn, rằng ông có quá nhiều hợp đồng đặt mua tranh khắp nơi trên thế giới, đến nỗi phải từ chối vì vẽ không xuể, giá tranh ông bán theo từng cm2, tranh của ông đã trở thành “quốc bảo” v.v...
 
Người ta cũng nói nhiều về cuộc đời đầy thăng trầm của ông cho đến khi ông mất (21/6/1993).
 
 “...thoạt mới gặp, khó nghĩ đây là một họa sĩ tài hoa.Tướng anh rất đặc biệt.Tôi liên tưởng đến Trương Phi. Người cũng thấp,tóc lờm xờm, lông mày rậm, bộ râu quai nón lồm xồm quanh đôi môi hơi dày. Ðôi mắt anh cũng khác người, màu xanh biếc và long lanh như mắt mèo....”.
 
Nhân vật Bang Bạnh (phải) là do
Nguyễn Gia Trí sáng tác
Trên đây là hồi ký của Nguyễn Tường Bách, em của Nhất Linh nhận xét về Nguyễn Gia Trí khi tiếp xúc với ông, thời ông tham gia làm báo Phong hóa, Ngày nay những năm 30 của thế kỷ 20.
 
Victor Tardieu, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Ðông Dương sau này nói về giới họa sĩ Việt Nam đã đánh giá rất cao tài năng của Nguyễn Gia Trí, người được coi là họa sĩ hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ, thể hiện qua câu truyền miệng: “nhất Trí, nhì Lân, tam Vân”...

2. Trên lĩnh vực tranh biếm họa, Nguyễn Gia Trí tham gia vẽ cho báo Phong hóa của Tự lực Văn đoàn ngay từ số đầu tiên, ngày 22/9/1932, lúc ông mới 24 tuổi (ông sinh năm 1908), cũng là năm đầu cuộc đời sinh viên của ông ở trường Mỹ thuật Đông Dương. Sau này, ông vẽ cho cả báo Ngày nay. Nhân vật biếm họa Lý Toét lừng danh do Nhất Linh sáng tác và ông tham gia chỉnh sửa, còn hai nhân vật Xã Xệ và Bang Bạnh là sản phẩm của ông.

Nhưng những bức tranh biếm họa làm ông trở thành họa sĩ biếm họa bậc thầy chính là những bức tranh biếm họa chính trị, xã hội đăng nguyên cả khổ lớn ở trang bìa trên hai tờ báo này. Những bức tranh mà thực dân Pháp xem thì nhức óc, chính phủ thuộc địa thì bầm gan tím ruột, đám nhà giàu thì cay mũi.Tranh biếm họa của ông, mạnh mẽ, đầy góc cạnh, bày tỏ thái độ một cách trực diện. Đó là những bức tranh biếm họa đúng cái chất quyết liệt ẩn sâu trong con người ông, buộc người xem phải suy nghĩ về nó, nhớ rất lâu về nó.

Ở tranh Hội chùa Hương, một bà nhà giàu to bự, béo húp híp cùng con gái đang chễm chệ ngồi trên võng do mấy anh dân phu gầy còm loạng choạng, lưỡi lè ra, sắp tắc thở khiêng lên cái dốc dựng đứng, dẩu mỏ thuyết giáo cho con gái: Con niệm Phật luôn miệng đi, để Phật phù hộ cho lên dốc khỏi mỏi.
Mẹ bảo con: "Con niệm Phật luôn miệng đi, để Phật phù hộ cho lên
 dốc khỏi mỏi"
 
Ở bức tranh Sự công bằng của thuế thân, ông đã bóc trần cái dã man đầy bất công vì một gã nhà giàu có đóng vài chục đồng cũng chỉ là chuyện vặt, nhưng một người dân đen khốn khó, dù chỉ đóng một đồng thôi cũng đủ giết chết họ rồi.
 
Ở một bức tranh không lời khác, ông đã lột trần một cách tài tình cái guồng máy thực dân đang xay người dân thuộc địa ra bã như thế nào: Bên ngoài vườn hoa thành phố lố nhố một lũ sen đầm đầy vẻ oai phong, gần cổng ra vào bày cả sôpha, quạt máy, có cắm cái biển vào xem không mất tiền. Bên trong là hai chiếc máy nghiền có tên máy thuế thân, máy cư trú to tướng chạy bằng điện đang nghiền người dân, trông thực kinh sợ. Ở một góc khác, một người ăn xin cũng đang bị quan Tây hỏi thăm...
 
Tranh đả kích trực diện vào chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp 

Tôi cho rằng, đây là bức tranh biếm họa có giá trị nhất đả kích trực diện chế độ dã man thực dân Pháp trước năm 1945. Sau thắng lợi của mặt trận bình dân ở Pháp năm 1936, dư luận tiến bộ Pháp đòi phải điều tra tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương. Ở đây đã vấp phải không ít khó khăn về sự quan liêu của bộ máy hành chính Pháp. Nguyễn Gia Trí đã giễu cợt trúng đích khi vẽ dăm bảy ông Tây đang đứng trên tháp Eiffel rõi mắt cãi nhau, không biết cái xứ Đông Dương nằm ở đâu, trong cái tranh Ban điều tra.

Không biết cái xứ Đông Dương ở hướng nào?
Thập kỷ ba mươi của thế kỷ 20, Việt Nam có khá nhiều tác giả biếm họa lớn, đó là Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân (Tô Tử), Đông Sơn, Đỗ Mộng Ngọc (Côn Minh)... Nhưng người gây ấn tượng nhất, để lại nhiều tranh biếm họa có giá trị lịch sử sâu sắc nhất chính là Nguyễn Gia Trí. Ông xứng đáng được tôn vinh là họa sĩ biếm họa bậc thầy.
Lý Trực Dũng
 

 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm