Biếm họa góp phần đánh bại thực dân Pháp!

24/07/2008 15:36 GMT+7 | Biếm Họa

(TT&VH Online) - Biếm họa thời kháng chiến 9 năm có một vị trí đặc biệt trong lịch sử biếm họa VN. Lần đầu tiên, biếm họa dù là tranh đả kích, châm biếm hay hài hước có duy nhất một mục đích là tạo tiếng cười sảng khoái, góp phần đánh bại thực dân Pháp, giải phóng đất nước. Nhiều họa sĩ biếm họa - các chiến sĩ vẽ - đã cùng “nằm gai nếm mật” với quân và dân, có mặt khắp chiến trường ác liệt giữa cái sống và cái chết với biếm họa cho đến ngày chiến thắng.

Nông dân Bắc Giang nổi dậy trong kháng chiến chông Pháp
1. Trong kháng chiến vô cùng gian khổ này, bằng những nỗ lực phi thường, với những phương tiện in ấn vô cùng thô sơ, ở chiến khu Việt Bắc cũng như ở một số vùng tự do khác đã xuất hiện một số báo cách mạng như: Sự thật, Toàn dân kháng chiến, Vệ quốc quân (sau đổi tên thành Quân đội nhân dân), Quân du kích, Tiền phong, Tiền tuyến, Xung phong...
 
Trên hầu hết các tờ báo này ngay từ ban đầu đều đăng tranh biếm họa. Vệ quốc quân, bộ đội, những người nông dân mặc áo lính, rồi du kích, dân công, đồng bào các dân tộc miền núi... lần đầu tiên trong đời được tiếp xúc với tranh biếm họa đã vô cùng yêu thích, vui cười bàn tán xem tranh được in trên những tờ báo “giấy đen” - một loại giấy màu đen được sản xuất bằng nứa, giang - đã bị nhàu nát vì được chuyền tay nhau quá nhiều. Rất nhiều tranh biếm họa thời đó được chiến sĩ ta cẩn thận cắt dán trên vách lán, vách hầm mình ở hoặc cất kỹ trong ba lô...
Hài hước, hóm hỉnh, tạo tiếng cười sảng khoái
 
Biếm họa từ chiến khu, từ vùng tự do còn “đi’’ về đồng bằng, về vùng giáp ranh, vùng địch tạm chiếm. Ngoài tranh in báo còn có biếm họa in theo kiểu tờ rơi và thậm chí còn được vẽ cả lên tường đình, chùa...

Về hình thức, tranh biếm họa thời kháng chiến 9 năm chủ yếu có hai màu đen trắng, hình họa khá chân phương không quá cường điệu hoặc bóp méo và thường có lời kèm theo. Phần lời dí dỏm bằng văn xuôi hoặc bằng văn vần, chủ yếu bằng thơ lục bát khá bình dân, bổ sung rất hiệu quả cho hiệu ứng hài hước gây cười hoặc đả kích của bức tranh, phù hợp với trình độ dân trí của người xem thời đó cho nên nó được quần chúng đón nhận, hoan nghênh. Hãy xem 2 tranh "Đánh giặc giữ làng" sau:
Đánh giặc giữ làng (tranh 1)
Đánh giặc giữ làng (tranh 2)
Có cựu chiến binh Điện Biên Phủ còn nhớ bức tranh biếm họa của họa sĩ Nguyễn Bích vẽ hai thằng lính Pháp bị quân ta bao vây nhiều ngày phải sống khổ sở, sống chui rúc trong hầm ngầm râu tóc dài gần tới rốn, bịt mũi chửi nhau: “Thối quá, sao mày dám “ị” trong hầm của tao”. “- Ờ, tao cứ tưởng đây là hầm của tao chứ!”.
 
Không chỉ các báo lớn ở vùng chiến khu Việt Bắc có tranh biếm họa, mà ngay cả báo kháng chiến ở Liên khu 4 cũng như báo Quân địa phương. Đặc biệt nhất là ở miền Đông Nam Bộ, tiểu đoàn 307 oai hùng đến nay vẫn nổi tiếng khắp cả nước qua bài hát Tiểu đoàn 307, có cả một tờ báo riêng của mình với cái tên giản dị: Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí - Nguyễn Bính). Ở tờ báo khổ nhỏ in có 300 bản này, tranh biếm họa cũng đóng góp một phần quan trọng với những bức tranh biếm nhiều kỳ hoặc tranh biếm liên hoàn về chiến trận, mà nổi bật là tranh Đánh giặc giữ làng Vâng lời bác Hai.
 
2. Số lượng họa sĩ biếm họa thời kháng chiến 9 năm không nhiều. Lý do: Có quá ít đầu báo. Mỗi báo thường chỉ sử dụng một đến hai họa sĩ là nhiều. Các họa sĩ này không chỉ vẽ tranh biếm họa mà còn phải làm các công việc khác nhau như trình bày, vẽ minh họa, thậm chí tự khắc bản gỗ để in... và đôi khi còn tham gia viết bài.
 
Vào thời gian đó, tuổi đời của các họa sĩ biếm còn rất trẻ, đa số ở tuổi 21 hay 22, có người trước đó chưa bao giờ vẽ một cái tranh biếm họa.
 
Nhiều cựu sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã góp phần rất quan trọng về biếm họa trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bằng tài năng và lòng yêu nước của mình, họ đã trở thành những họa sĩ biếm tiên phong. Ba họa sĩ biếm nổi tiếng nhất trong thời kỳ này chính là: Phan Kích (Phan Kế An, với nhiều tranh đả kích rất sâu sắc, có tầm chiến lược về chiến cuộc); Mai Văn Hiến (với những tranh biếm họa đầy nhân văn); và Nguyễn Bích (với tranh biếm đầy chất chiến đấu).
 
 
Ngoài các họa sĩ biếm trực tiếp làm ở báo có tranh đăng báo, có không ít họa sĩ cũng vẽ tranh biếm họa nhưng không có điều kiện được in, vì thời bấy giờ hoàn toàn không có hệ thống cộng tác viên như bây giờ. Nhưng tranh biếm nguyên bản đó tuy không được phổ cập rộng rãi nhưng đem lại niềm vui cho không ít người.
 
 Một thể loại tranh biếm họa đặc sắc rất được giới văn nghệ yêu thích là chân dung biếm các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Có thể nói, về chân dung biếm, các họa sĩ biếm chiến khu đã tiếp nối xứng đáng bậc đàn anh như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Mộng Ngọc của báo Phong hóa, Ngày nay, Loa thời kỳ 1933 - 1934.
 
3. Vì sao biếm họa thời kháng chiến 9 năm được trân trọng sử dụng, được đánh giá rất cao, giá trị giải thưởng tranh biếm họa ngang hàng với giá trị giải thưởng tranh hội họa tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc?
 
Theo tôi, các nhà lãnh đạo kháng chiến là những nhà trí thức lớn hiểu rõ sứ mạng, vai trò, sức mạnh của biếm họa. Không phải ngẫu nhiên mà báo Sự thật và báo Vệ quốc quân có được sự phục vụ của cả ba họa sĩ biếm nổi tiếng nhất là Phan Kích, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích như đã nêu trên.
 
Lý Trực Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm