Biếm họa... cứu môi trường

24/03/2012 07:27 GMT+7 | Biếm Họa


(TT&VH Cuối tuần) - Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ III - 2012, Cúp Rồng tre với chủ đề “Môi trường - Biến đổi sinh thái” đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ để cứu môi trường. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một giải biếm họa quy mô toàn quốc về đề tài này được TTXVN, Hội Nhà báo Việt Nam bảo trợ và được Sứ quán Đan Mạch, Công ty Ford Việt Nam tài trợ... Lễ công bố kết quả, trao giải và triển lãm sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tới tại 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Biến đổi khí hậu, 22 triệu người Việt Nam có thể mất nhà cửa… Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới... Con tê giác duy nhất còn sót lại của Việt Nam đã bị giết chết... Công chức, quan chức, đại gia... hồn nhiên xơi thịt thú rừng... Ảnh một con gấu Việt Nam tội nghiệp vì bị nhốt trong một cái lồng sắt, bị chặt mất một bàn chân trước đang rỉ máu để khách xơi ở một quán đặc sản...


Giao hưởng Dòng sông... đen của họa sĩ NOP

Khoảng 5 thập kỷ vừa qua, trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều tranh biếm họa về môi trường và có khá nhiều cuộc thi biếm họa quốc tế về nó. Một đề tài không mới, đã được rất nhiều người khai thác, nên việc tìm được ý tưởng mới là khó, đó chính là thách thức cho các họa sĩ tham gia cuộc thi lần này. Nhưng 91 họa sĩ biếm họa chuyên và không chuyên đã tích cực đến với cuộc thi với khá nhiều ý tưởng hay, từ cái rất thực của “thời chụp giật” hủy hoại trái đất không thương tiếc, đến cái không tưởng ở thì tương lai như người ngoài hành tinh phải đến giải cứu trái đất khỏi nguy cơ tiệt diệt. Hình ảnh đầy tính tượng trưng quốc tế như trái đất, thần Atlas v.v... xuất hiện ở khá nhiều tranh dự thi với nỗi đau vô bờ bến, mếu máo vì phải vác trái đất quá... bẩn. Bản sắc Việt Nam qua các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, văn học tiêu biểu cũng được các họa sĩ biếm chế thành tác phẩm biếm họa. Cá chép trong tranh dân gian Lý ngư vọng nguyệt (tuyệt tác của dòng tranh Hàng Trống sống động, quá đẹp về hình, về màu, thâm thúy về ý nghĩa là thế “bổng”...) còn độc bộ xương bởi nước thải công nghiệp đen ngòm. Bốn gã trông hầm hố, đằng đằng sát khí tay cầm dao, rìu, cưa tay, cưa máy vây quanh một cây con mới nhú lá non. Một dàn nào súng cao su, nỏ và vô số súng săn vây thành một vòng tròn chĩa vào một con chim mới ra ràng còn nằm trong tổ. Ngành du lịch Việt Nam được hưởng lợi vì có họa sĩ biếm đã có sáng kiến biến các núi rác cao ngất trời trở thành các địa danh du lịch hấp dẫn. Một bất ngờ là có họa sĩ biếm còn chế cả nhạc giao hưởng: Tuyệt phẩm có tên “Dòng sông... đen” chắc khó có dàn nhạc giao hưởng lừng danh thế giới nào dám chơi vì nó quá siêu...


Tranh của họa sĩ Nguyễn Trung Liêm

Cuộc thi lần này cũng cho thấy sự phong phú, đa dạng về khả năng thể hiện mỹ thuật của tranh biếm họa: Tranh đen trắng bằng bút chì, bút sắt; tranh màu bằng thuốc nước, bột màu, acrylic; tranh đồ họa vi tính; ảnh ghép photoshop... Khác với tranh biếm họa được đăng báo nhỏ bằng bao diêm, bao thuốc lá làm người xem đôi khi hoa cả mắt mới hiểu được ý tranh, thì với khổ tranh dự thi A3 (29,5 x 42 cm) và A2 (42 x 59,4cm), các họa sĩ biếm họa có điều kiện để thể hiện tay nghề của mình trước công chúng. Chính khổ lớn này lại là thách thức không nhỏ cho khá nhiều họa sĩ biếm họa vốn quen vẽ tranh khổ bé, rất bé theo yêu cầu của các báo đăng tranh của họ. Cần nói thêm là ngay với hội họa, tranh khổ lớn cũng chính là một thách thức lớn với khá nhiều họa sĩ hội họa có tên tuổi ở Việt Nam, bởi tranh càng lớn càng dễ lộ ngay những yếu kém về hình họa, về anatomy - cấu tạo cơ thể người - của người vẽ. Về chuyên môn, các tranh biếm họa tại cuộc thi lần này cũng chỉ rõ căn bệnh trầm kha của biếm họa chúng ta: Có ý hay thì vẽ yếu; vẽ vững ý lại chưa hay. Nguyên nhân thì nhiều nhưng nếu được các tổ chức liên quan mật thiết đến biếm họa nước nhà như Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam v.v... quan tâm một cách mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn như tổ chức triễn lãm biếm họa ở các tỉnh thành, đánh gía đúng mức vai trò của tranh biếm họa và sử dụng tranh biếm họa nhiều hơn cho báo chí v.v... thì ngay trong thập kỷ 20 này, chắc chắn biếm họa sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ.


Tranh của họa sĩ ĐIOP

Tín hiệu đáng mừng đầu tiên: Lãnh đạo Hội mỹ thuật Việt Nam cho biết sẽ tích cực ủng hộ biếm họa. Nói và làm luôn: Tháng 7/2011, tổ chức triển lãm tranh biếm họa ở Hà Nội. Cử họa sĩ Thành Chương - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành đồ họa - tham gia Hội đồng giám khảo giải biếm họa lần này. Xem xét để có giải thưởng riêng của Hội dành cho họa sĩ biếm họa... Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định tiếp tục tặng Giải thưởng đặc biệt của Hội cho họa sĩ có tranh hay tham gia cuộc thi này và có nhiều tranh biếm họa có chất lượng đã được đăng báo trong 2 năm qua...

Tại giải lần này, bên cạnh các họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp nổi tiếng còn có rất nhiều tác giả không chuyên lần đầu tiên tham gia cuộc thi, trong đó có nhiều tác giả còn rất trẻ. Một tương lai đầy hứa hẹn.

Thành công của Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần III-2012, Cúp Rồng tre, một lần nữa khẳng định sự đặc sắc, vai trò không thể thiếu của biếm họa đối với báo chí, với nền mỹ thuật nước nhà, đúng như nhận xét của Đại sứ Đan Mạch ở Việt Nam và Lào, ngài John Nielsen, đại diện nhà tài trợ cuộc thi: “Ưu thế lớn nhất của tranh biếm họa là sự tiếp cận trực tiếp và ngắn gọn những vấn đề nóng nhất của cuộc sống thường ngày... Nụ cười và sự sảng khoái từ tranh biếm họa là điều không thể thiếu được đối với một tờ báo muốn hướng tới độc giả”. Vâng, nụ cười và sự sảng khoái, đó chính là niềm vui giản đơn nhưng đầy ý nghĩa mà các tác phẩm biếm họa tham gia Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần này đã đem lại cho người xem.

Lý Trực Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm