Tuyển Anh, Messi và những trang sử huyền thoại tại các kì Olympic

26/07/2012 06:50 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online)- Môn thể thao vua đã góp mặt trong những chương đầu tiên của lịch sử Olympic hiện đại. Kể từ khi Pierre de Coubertin đặt nền móng cho sự kiện này vào năm 1896 tới nay, đã có không ít những trang lịch sử hào hùng được viết lên.

Việc có hay không trận đấu giữa đội tuyển Athens XI và một CLB Đan Mạch tại Thế vận hội năm ấy vẫn là một vấn đề cần được nghiên cứu. Nhưng sự thật là bóng đá đã xuất hiện trong những kì đại hội đầu tiên, như ở Paris năm 1900, khi đội tuyển vương quốc Anh giành huy chương vàng, Pháp giành giải bạc và người Bỉ có huy chương đồng.

Bản thân Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) không công nhận kết quả những trận đấu tại các kì đại hội đó một cách chính thức nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thì có. Và như thế là đủ để khẳng định giá trị của những tấm huy chương kia với lịch sử Olympic nói riêng và lịch sử bóng đá thế giới nói chung. Vương quốc Anh khi đó được đại diện bởi các cầu thủ nghiệp dư của CLB Upton Park đã thềm 2 lần nữa giành các tấm huy chương vàng vào những năm 1908 và 1912.



Người Anh đang kì vọng tìm lại vinh quang ở Olympic - Ảnh: Getty

Trong trận Chung kết năm 1908, họ đánh bại đội tuyển Đan Mạch, khi đó được dẫn dắt bởi nhạc trưởng Nils Middelboe, người sau này đã chuyển tới thi đấu cho Chelsea. Tài năng của Middelboe thậm chí còn vượt trội hơn cả Vivian Woodward của Tottenham, một trong những người hùng của lịch sử bóng đá Anh thời kì ấy.

Chiến thắng của người Anh vào năm 1912 lưu danh tên tuổi của Harold Walden. Ông kết thúc giải đấu với 9 bàn thắng và trở thành cây săn bàn xuất sắc nhất lịch sử đội tuyển vương quốc Anh. Dù vậy, ông vẫn không thể chiến thắng tuyển thủ Đức, Gottfried Fuchs, Vua phá lưới của giải đấu, người đã ghi tới 10 bàn vào lưới đội tuyển Nga Sa hoàng trong màn thảm sát có tỉ số… 16-0.

Sau Đại chiến Thế giới lần thứ I, cán cân quyền lực trong thế giới bóng đá ở Olympic thay đổi và mở rộng hơn. Tại Olympic Antwerp 1920 ở Bỉ, một trong những scandal nổi tiếng nhất trong lịch sử Olympic đã nổ ra. Đội tuyển Bỉ đi bộ trong trận Chung kết với đội tuyển Tiệp Khắc. Kết quả, họ thua 0-2 còn trọng tài người Anh, John Lewis, bị người Bỉ cáo buộc đã thiên vị đội tuyển Tiệp Khắc. BTC, vì thế, đã quyết định tước tấm huy chương bạc của người Bỉ để trao nó cho Tây Ban Nha, đội đã đánh bại Hà Lan 3-1 ở trận tranh hạng Ba.

Olympic 1924 lại trở về với thành phố Paris. Đội bóng Nam Mỹ Uruguay gây bất ngờ khi giành huy chương vàng ngay ở lần đầu tiên tham dự Thế vận hội. Họ lặp lại chiến tích đó ở Olympic 4 năm sau với dàn hảo thủ Jose Nasazzi, Jose Andrade, Hector Scarone và Pedro Petrone. 2 năm sau nữa, họ đi vào lịch sử với tư cách một trong những đội bóng vĩ đại nhất mọi thời đại bằng chức vô địch World Cup 1930. Trong trận Chung kết năm 1924, Pedro Petrone của Uruguay ghi bàn mở tỉ số khi mới 18 tuổi 363 ngày mang về thắng lợi 3-0 trước Thụy Sĩ. Cho tới ngày hôm nay, Petrone vẫn là cầu thủ trẻ nhất từng đoạt huy chương vàng Olympic. Tại London 2012 này, nếu lọt vào Chung kết, Uruguay sẽ lần đầu tiên trở lại trận đấu này sau 84 năm.



Với bộ đôi này, người Uruguay muốn tìm lại vinh quang quá khứ - Ảnh: Getty

Los Angeles 1932, bóng đá không được tổ chức. Đến Berlin 1936, tuyển Đức được chờ đợi sẽ đăng quang trên sân nhà. Nhưng họ bất ngờ thất trận ngay ở vòng đấu đầu tiên trước sự chứng kiến của quốc trưởng Adolf Hitler. Từ đó về sau, tên độc tài người Đức hiếm khi còn xuất hiện trong một trận đấu bóng đá.

Đội tuyển Italia, một nước đồng minh khác trong trục Phát xít, mới là đội bóng đăng quang tại giải đấu năm đó. Họ giành chức vô địch Olympic xen giữa hai chức vô địch World Cup 1934 và 1938. Dưới sự dẫn dắt của HLV huyền thoại Vittorio Pozzo, Italia đi vào lịch sử với cú ăn ba vĩ đại. Mãi tới 74 năm sau, người Tây Ban Nha mới lặp lại được chiến tích vĩ đại trên bằng hai chức vô địch EURO và một danh hiệu vô địch World Cup.

Chiến tranh Thế giới lần thứ II tiếp tục làm gián đoạn quá trình tổ chức Olympic hiện đại. Khi nó trở lại ở London năm 1948, Thụy Điển là đội giành ngôi vô địch. Đội hình của họ khi ấy sở hữu bộ ba Gre-No-Li (Gunnar Gren, Gunnar Nordahl và Nils Liedholm), những tên tuổi huyền thoại của CLB AC Milan. Đó cũng là lần cuối cùng đội bóng này giành được một huy chương vàng Olympic trước khi họ trở lại đỉnh vinh quang ở Pháp năm 1984.

Olympic 1952 in dấu ấn của Ferenc Puskas và đội tuyển Hungary. Puskas ghi bàn ở trận Chung kết mang về thắng lợi 2-0 cho Hungary trước Nam Tư. Đội bóng Nam Âu vừa trải qua một cuộc khổ chiến với đội tuyển Liên Xô trước đó. Đấy là một trận đấu đã trở thành truyền kì. Nam Tư dẫn trước 5-1 trước khi bị gỡ lại 5-5. Họ phải cần tới một trận đá lại để có thể đi tiếp vào vòng trong.

Barcelona 1992 là lần đầu tiên đạo luật hạn chế độ tuổi được áp dụng tại Olympic. Quy định cho phép ba cầu thủ quá tuổi tham dự thành phần đội tuyển Olympic được ban hành tại Atalanta 1996. Cũng ở kì Thế vận hội này, bóng đá nữ chính thức xuất hiện. Đây cũng là năm Emmanuel Amuneke mang về huy chương vàng Thế vận hội cho Nigieria trước Argentina. Đó cũng là chức vô địch đầu tiên của châu Phi tại nội dung bóng đá ở Olympic.



Người Argentina luôn tỏ ra rất nghiêm túc với sân chơi Olympic - Ảnh: Getty

Bốn năm sau, Argentina giới thiệu với cả thế giới một thế hệ tài năng tại Athens 2004. Hàng thủ kỉ luật và chặt chẽ đưa họ đi từ trận đấu đầu tiên tới đêm cuối cùng mà không phải nhận dù chỉ một bàn thua. Thần đồng Carlos Tevez là linh hồn trong chức vô địch của đội bóng khi đó. Anh ghi 8 trong tổng số 17 bàn thắng của Argentina, trong đó có pha lập công duy nhất mang về chức vô địch ở trận Chung kết với Paraguay.

Bốn năm sau tại Bắc Kinh, người Argentina xuất sắc bảo vệ thành công ngôi vô địch. Họ tiếp tục mang tới giải đấu một thế hệ vàng đích thực. Angel Di Maria là người ghi bàn thắng lịch sử trong trận Chung kết với Nigieria nhưng Lionel Messi mới là cảm hứng số một của đội bóng. Sự có mặt của anh ở Thế vận hội năm 2008 là câu trả lời hoàn hảo cho tất cả những ai còn chỉ trích vinh quang tại sân chơi Olympic. Những người tin rằng các cầu thủ vĩ đại nhất đều không muốn ra sân tại đây đã phải im lặng khi chứng kiến Messi, một trong những siêu sao vĩ đại nhất trong lịch sử, đăng quang ở Bắc Kinh.

Minh Chiến


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm