Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

"Nhiệt kế" của Tình yêu Hà Nội

10:31:00 23/08/2011

(TT&VH) - Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa, vào ngày 31/8 tới, giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011 sẽ chính được công bố. Sau ba năm tổ chức, giải thưởng đã thực sự biến ngày mùa Thu cuối tháng 8 đầu tháng 9 này - ngày sinh nhật của danh họa Bùi Xuân Phái - thực sự trở thành ngày hội tụ của những tình yêu Hà Nội.

1. Nhìn lại các mùa giải đầu tiên đầy hào hứng năm 2008 và tiếp theo là 2 năm sôi động của cả nước cùng hướng về Đại lễ (2009, 2010), những tưởng rằng năm nay, Hội đồng Giám khảo sẽ phải rất khó khăn để tìm kiếm, phát hiện các đề cử mới. Bởi “tình yêu” cũng tuân theo quy luật của nó, là hết cao trào, sẽ thoái trào; thậm chí trước giải thưởng, không ít người còn bi quan cho rằng, sau một năm “no dồn “ với các chương trình mừng Đại lễ, thì năm nay, 2011 sẽ là năm “đói góp” và... “hết vốn”.

Nhưng quá trình khởi động giải thưởng trong hơn một tháng qua đã cho thấy, dù đã vượt qua mốc Đại lễ, nhưng gần 1 năm qua, tình yêu Hà Nội vẫn bền bỉ trong những tác giả, tác phẩm, ý tưởng và việc làm... Đó như là động lực tự thân, là sợi dây xuyên suốt để họ làm việc, cống hiến. Giải thưởng chỉ như một đầu mối để tập hợp lại những tình yêu sẵn có ấy và rồi thông qua giải thưởng, người ta có thể cảm nhận được những “Tình yêu Hà Nội” bộc lộ trong năm qua.

2. Được công bố năm 2008, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của danh họa Bùi Xuân Phái, giải thưởng là sáng kiến của báo TT&VH và gia đình danh họa nhằm mục đích tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Đây được xem là giải thưởng đầu tiên và duy nhất để tôn vinh tình yêu, khi đặt ra 4 tiêu chí để trao cho những tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.

Đó là các tác phẩm, công trình phản ánh các vẻ đẹp của Hà Nội hoặc được thực hiện tại Hà Nội với mục đích tôn vinh, làm đẹp cho thủ đô; có giá trị nội dung và nghệ thuật cao; có tác động xã hội rộng rãi, được công chúng ủng hộ; thể hiện tình yêu Hà Nội của những người thực hiện. Đó là các ý tưởng, dự án độc đáo, có tính khả thi với mục đích tôn vinh, làm đẹp cho thủ đô; có tác động xã hội rộng rãi, được công chúng ủng hộ; thể hiện tình yêu Hà Nội của những người thực hiện. Đó là các hoạt động, việc làm hoặc những đề xuất góp phần bảo vệ, tôn vinh các giá trị của Hà Nội được dư luận hưởng ứng, hoan nghênh. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2009, giải thưởng Lớn lần đầu tiên đã được trao cho các Tác giả đáp ứng được tiêu chí thứ 4, quan trọng nhất: Là người mà trong sự nghiệp của mình có nhiều tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng đạt được ba tiêu chí nói trên.

“Định giải” chứ không phải “xét giải” hay “chấm giải”. Đó là hai từ mà “Nhà Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc đã “cố vấn” cho BTC khi xây dựng Quy chế giải thưởng. Hai từ đó đã đủ nói lên rằng, giải thưởng không phải là một cuộc thi (mà người dự thi phải nộp hồ sơ, khai báo thành tích...) mà là một cuộc bình chọn và đề cử của cả cộng đồng để trên cơ sở đó, Hội đồng Giám khảo sẽ “định giải” theo các tiêu chí đề ra trong Quy chế giải thưởng. Ở đây không có cơ chế “xin - cho”, cũng không có yếu tố “chấm điểm”, Hội đồng Giám khảo cũng không phải là những người “bề trên” để đo đếm, định lượng giá trị của các tác giả, tác phẩm được đề cử. Mà tất cả là cuộc bầu chọn dân chủ đúng nghĩa, trên cơ sở ý kiến của công chúng (được thể hiện qua báo chí, truyền thông) và sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Cách thức đó cũng phù hợp với một giải thưởng tôn vinh tình yêu. Bởi lẽ tình yêu là thứ mà không ai có thể “đo đếm” được hàm lượng, song tất cả mọi người đều có thể cảm thấy.

Năm nay, Hội đồng Giám khảo vẫn do nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội, làm Chủ tịch, cùng các thành viên: Nhà báo Ngô Hà Thái - Phó Tổng giám đốc TTXVN, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội và KTS Đoàn Đức Thành.

Năm nay, mặc dù đang lâm bệnh, nhưng nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc vẫn ưu thời mẫn thế với các hoạt động vì tình yêu Hà Nội trong thời gian qua. Giữa cơn đau trong quá trình điều trị, ông vẫn đau đáu với các đề cử và đưa ra những gợi ý cùng những nhận xét rất xác đáng về những tác giả, tác phẩm, ý tưởng trên các lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch, nhiếp ảnh, văn học... Ba năm ông ngồi ở Hội đồng Giám khảo giải thưởng, có một năm ông tự nguyện rút ra khi thấy tên mình xuất hiện trong danh sách đề cử. Đó là năm 2009 - năm mà 100% “phiếu bầu” đã nhất trí trao ông giải thưởng Lớn đầu tiên. Có lẽ với ông giải thưởng này cũng chính là một sự tiếp nối sự nghiệp đồ sộ của ông, người đầu tiên và duy nhất được công chúng yêu mến tôn xưng là “Nhà Hà Nội học”.

3. Tiếp theo Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), ai sẽ được trao giải thưởng Lớn - Vì Tình yêu Hà Nội năm nay? Câu trả lời vẫn là một bí mật mà Hội đồng Giám khảo đang nắm giữ. Giải Tác phẩm được trao cho lĩnh vực nào, nhiếp ảnh hay hội họa, văn học...? Giải Ý tưởng được trao cho ai? Cá nhân hay tập thể nào được trao giải Việc làm? Với mỗi người, danh sách các đề cử và kết quả giải thưởng năm nay có thể là cao hơn hoặc thấp hơn năm ngoái, có thể xứng đáng hơn, hoặc chưa thuyết phục bằng... Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, đó chính là một hàn thử biểu về tình yêu Hà Nội bộc lộ trong năm qua.

Chi tiết về các đề cử, TT&VH sẽ tiếp tục cập nhật trong các số báo tới.

TT&VH

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)