Tôn vinh tác giả bức ảnh chống chiến tranh Việt Nam

24/01/2009 06:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với sự nghiệp nhiếp ảnh trải dài hơn nửa thế kỷ với những hình ảnh mô tả cuộc chiến tranh ở Việt Nam, về cuộc sống thường nhật của người Paris… nhiếp ảnh gia cựu trào người Pháp Marc Riboud sẽ được tôn vinh với giải Thành tựu Trọn đời tại lễ trao giải Nhiếp ảnh Thế giới Sony vào ngày 14-19/4 tới tại Cannes (Pháp).

Tác giả bức ảnh chống chiến tranh nổi tiếng thế giới

 Nhà nhiếp ảnh Marc Riboud
Ông Scott Gray, Giám đốc Giải Nhiếp ảnh Thế giới, nói: “Giải Nhiếp ảnh Thế giới Sony thật vinh hạnh khi được trao giải Thành tựu Trọn đời cho người đã cống hiến hơn 50 năm để nắm bắt được mọi ngóc ngách của thế giới, từ cuộc chiến ở Việt Nam, cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc tới cuộc sống thường nhật ở Paris”.

Marc Riboud là tác giả của một trong những bức ảnh phản chiến nổi tiếng nhất thế giới, chụp cảnh cô gái trẻ có tên là Jan Rose Kasmir trong tay cầm bông hoa và mắt nhìn chằm chằm vào hàng rào lính Mỹ đứng chặn hàng ngàn người phản đối cuộc chiến ở Việt Nam trước Lầu Năm góc, Washington DC, ngày 21/10/1967. “Cô gái vừa bước tới, cố gắng bắt được ánh mắt của những người lính, có thể là nhằm đối thoại với họ. Tôi có cảm giác những người lính này e sợ cô gái, chứ cô không hề run sợ khi đứng trước hàng lưỡi lê của họ”, nhiếp ảnh gia Riboud nhớ lại giây phút ông chụp bức hình này.
 
Jan Rose Kasmir: Jan Rose Kasmir trước hàng rào lính Mỹ
nhằm phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam hồi năm 1967

Sinh năm 1923 ở Lyon, Riboud là con thứ 5 trong gia đình có 7 người con. Ông bắt đầu cầm máy ảnh từ năm 13 tuổi sau khi được người cha tặng cho chiếc máy Vest Pocket Kodak. Tự coi mình là một người nhút nhát, nhiếp ảnh gia 85 tuổi này cho biết, thời tuổi trẻ ông luôn tránh sự ồn ào trong ngôi nhà của mình, tìm sự khuây khỏa bằng cách ra ngoài chụp ảnh. Riboud thích cảm giác phiêu lưu và sự độc lập, chính vì lẽ đó mà ông đã chu du khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu… Năm 1957, Riboud là một trong những nhà nhiếp ảnh châu Âu đầu tiên đặt chân tới Trung Quốc và năm 1968, 1972 và 1976 ông đã có nhiều bài phóng sự về cuộc chiến ở Việt Nam khi là một phóng viên ở cả miền Bắc và Nam Việt Nam. Trong những năm 1960, ông ở châu Phi và Mỹ trước khi trở thành Chủ tịch Magnum Photos – hãng nhiếp ảnh do Henri Cartier-Bresson và Robert Capa sáng lập - vào năm 1976, nhưng chỉ sau 3 năm Riboud đã từ bỏ hãng này để làm nghề tự do. “Những gì mà tôi đúc kết được từ những trải nghiệm của mình là độc lập”.

Vẫn “sống” với nhiếp ảnh

“Rọi” ống kính vào mọi khía cạnh trong cuộc sống, nhưng Riboud nói rằng ông chẳng hề áp dụng kỹ thuật chụp ảnh nào mà theo ông bản năng và khả năng thiên bẩm về kỹ năng chụp ảnh mới là yếu tố chính. Ông luôn cố gắng nêu bật được những khía cạnh khác nhau của thực tế cuộc sống.
 
Cuốn sách ảnh của Marc Riboud về Việt Nam (1970)

Chính vì thế mà khi xem ảnh của ông, người ta hiểu rõ được sự tàn bạo của chiến tranh, nhưng người ta cũng thấy được sự uyển chuyển và nét trữ tình của của cuộc sống thường nhật… Tác phẩm của Riboud đã xuất hiện trên nhiều tạp chí nổi tiếng thế giới, như Life, Géo, National Geographic, Paris-Match, Stern… Ông đã đoạt nhiều giải trong và ngoài nước cũng như có nhiều triển lãm hồi cố, như tại bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Paris và Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế ở New York.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh chụp của Marc Riboud năm 1968

Giờ đây, đã ở tuổi ngoại bát tuần nhưng Riboud vẫn tiếp tục “sống” với nhiếp ảnh, vẫn háo hức sáng tác những bức ảnh mới với chiếc camera luôn ở bên mình.
 
Lương Tuấn Vĩ

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm