Hoàn thiện hồ sơ về “pho sử đá” ở Văn Miếu

09/08/2009 11:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc hội thảo “Hồ sơ bia đá các khoa thi tiến sĩ (1442 - 1479) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám” đã được tổ chức sáng qua 8/8, nhằm đưa di sản này vào chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

 Bia đá Văn Miếu
Trong một phần lớn hội thảo, các nhà khoa học đã khẳng định giá trị của bia tiến sĩ ở Văn Miếu, cũng như triển vọng thành công của bộ hồ sơ về loại di sản này trong việc đăng ký tham gia đề cử chương trình Ký ức thế giới. Cơ bản, đó là pho “sử đá” có nhiều giá trị độc đáo và hiếm có về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật chế tác... không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.

Ở phần góp ý xây dựng hồ sơ, không kể tới những ý kiến về “tiểu tiết” (trình bày, văn phong, các danh xưng hoặc sử dụng ảnh tư liệu...) thì các lời nhận xét của giới khoa học đều gặp nhau ở một điểm chung: Hồ sơ đề cử của bia Văn Miếu cần phải thể hiện rõ và sâu sắc hơn nữa giá trị nổi bật của di sản này thông qua việc so sánh, đối chiếu với bia đá tiến sĩ ở một số di tích khác trong và ngoài nước. Điển hình là thắc mắc của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Tôi đã sang Trung Quốc, ở Bắc Kinh cũng có tới 198 bia đá cho các trạng nguyên trải đều từ các đời Nguyên tới đời Thanh. Nhưng bia của họ chỉ dùng để ghi danh, chứ không có những bài bi ký như của ta. Thông tin này nhiều người cũng nói tới, cần mạnh dạn làm rõ trong hồ sơ”.

Tương tự, theo TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, tại Việt Nam ngoài Hà Nội còn có Huế cũng có bia đá cho cử nhân (34 bia, trong đó có 2 bia cho cử nhân võ). Bởi vậy, bản hồ sơ cần làm rõ những dấu ấn nghệ thuật của bia đá Văn Miếu,đặc biệt là nghệ thuật thư pháp và chữ chiện khắc trên các bia đá. Ông cũng cho rằng hồ sơ cần làm rõ tác động, ý nghĩa của các văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu đối với hệ thống thi cử Nho học của Việt Nam thời kỳ phong kiến cũng như giá trị của văn bia đối với nền giáo dục Việt Nam.

Hội thảo về hồ sơ bia đá

Cùng quan điểm này, TS Đặng Văn Bài cho rằng, hồ sơ cần phải hệ thống đầy đủ, chặt chẽ hơn các tư liệu, các hoạt động nổi bật có liên quan tới sự tiếp diễn và ảnh hưởng của văn bia tại Văn Miếu trong cuộc sống đương đại.

Theo GS Đỗ Văn Ninh, một số từ trên bia đá bị đục lỗ. Đó là sản phẩm từ thời nhà Nguyễn, khi năm 1840, vua Minh Mạng yêu cầu đục bỏ những đoạn ca ngợi công đức họ Trịnh trên một số bia tiến sĩ thời Lê Trung Hưng tại Quốc Tử Giám. “Vậy mà trong hồ sơ, thông tin được đưa ra là tất cả các bài văn bia đều còn đọc được, và một số bia chỉ có phần chữ bị “mờ, mòn, khó đọc”. Tôi muốn mọi người cùng thảo luận xem có nên đưa thông tin này vào trong hồ sơ một cách chi tiết không”?

Ngoài ra, một số ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị nên làm rõ thêm một số mục trong hồ sơ như phần mô tả, liệt kê cụ thể các kỳ thi; đề nghị tập trung giới thiệu nội dung chính, tránh đưa vào hồ sơ các thông tin không cần thiết. Theo đó cố gắng cung cấp đầy đủ các dữ kiện về thời gian, không gian, lịch sử, làm rõ ý nghĩa và giá trị nội dung lịch sử của hồ sơ về bia đá này.

Theo đúng dự kiến thì Hồ sơ Bia tiến sĩ Văn Miếu sẽ được hoàn thiện và trình UNESCO trước ngày 30/9 năm nay... Trước đó, Bia đá tiến sĩ Văn Miếu đã được bảo vệ thử thành công trong chương trình tập huấn về Di sản ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 2/ 2009 tại Hàn Quốc do UNESCO tổ chức.
 
Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm