Ông Hà Khả Luân, Chủ tịch CLB bóng gỗ: “Bóng gỗ VN trên đường phát triển”

04/09/2012 06:07 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH)- Một tin vui lớn đã đến đối với những người hâm mộ môn bóng gỗ mới được du nhập về VN cách đây tròn 3 năm. Tại giải vô địch bóng gỗ thế giới lần thứ V diễn ra từ ngày 26/8 đến 1/9 tại Malaysia vừa qua, CLB bóng gỗ Hà Nội đã giành được một HCV và 5 HCĐ.

Nhân dịp này, phóng viên TT&VH, người cũng đi cùng đoàn sang Malaysia, đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Khả Luân, nguyên Phó Giám đốc Sở TDTT Hà Nội và hiện nay là Chủ tịch CLB bóng gỗ Hà Nội, về thành tích thi đấu của các VĐV VN và tương lai phát triển môn thể thao mới mẻ này ở VN.

* Xin chúc mừng thành tích của các VĐV VN và cá nhân ông, với tư cách là Chủ tịch CLB bóng gỗ Hà Nội và trưởng đoàn VN tại giải vô địch bóng gỗ thế giới lần thứ V. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thi đấu của CLB bóng gỗ Hà Nội?

- Ông Hà Khả Luân: Trước hết, cần nêu rõ đây là một giải vô địch thế giới, với sự tham gia của  200 VĐV đến từ 13 nước và lãnh thổ, trong đó có những ĐT rất mạnh như nước chủ nhà Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), nơi sinh ra môn bóng gỗ, Singapore …

Tuy đoàn VNchỉ có 9 VĐV, 5 nam và 4 nữ, nhưng các VĐV của chúng ta đã tham gia tất cả 11 nội dung thi đấu ở cả 2 cách đánh Strokes (cộng điểm tất cả các đường thi đấu để phân định thắng-thua) và Fairway (tính điểm thắng-thua ngay từng đường thi đấu).


Ông Hà Khả Luân- Chủ tịch CLB bóng gỗ Hà Nội

Sau 5 ngày tranh tài, các VĐV của chúng ta đã giành được một HCV ở nội dung đồng đội fairway (Trần Duy Anh, Bùi Anh Tú, Phạm Công Thành, Đoàn Văn Mai) và 5 HCĐ ở các nội dung đơn nam fairway (Trần Duy Anh ); đồng đội fairway nữ (Nguyễn Huyền Trang, Trương Thị Hồng Quyên, Nguyễn Thị Trà Mi, Trần Thị Tuyết), đơn nữ fairway (N.H.Trang), đôi nữ stroke (N.H.Trang-T.H Quyên) và đồng đội stroke.

Như vậy, trong 11 bộ huy chương, chúng ta có giải tại 6 bộ, mặc dù số lượng VĐV của chúng ta thuộc diện ít nhất trong các đoàn tham dự lần này. Ngoài ra, chúng ta còn 4 VĐV lọt vào tốp 12 ở các nội dung thi đấu khác. Nếu so với các giải đấu bóng gỗ khác mà các VĐV của chúng ta tham gia như giải châu Á lần thứ 7  (2 HCĐ), giải quốc tế Đài Loan mở rộng (một HCV, một HCB) và giải quốc tế Singapore mở rộng (Cúp Sư tử, một HCB)… thì thành tích thi đấu lần này là một sự tiến bộ đáng kể.

Để có được thành tích này, trước hết phải kể đến sự nỗ lực lớn của các VĐV. Trước khi sang Malaysia thi đấu, các em đã tập luyện rất căng, mỗi ngày từ 6 đến 7 tiếng dưới cái nắng gay gắt, da em nào cũng đen xạm. Trong thi đấu, các em đều rất nghiêm túc, tự tin và quyết thắng.

Về phía BHL, chúng tôi cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các cuộc thi đấu quốc tế, khai thác thế mạnh của VN là đánh fairway. Nhân dịp này, tôi cũng xin cám ơn các cơ quan có liên quan, đặc biệt Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Hà Nội, đã tạo điều kiện về sân bãi, phương tiện và quan tâm ủng hộ, giúp đỡ CLB bóng gỗ Hà Nội trong thời gian qua.

Ngoài đoàn chính thức tham dự giải vô địch thế giới lần thứ V, 4 thành viên của CLB bóng gỗ Hà Nội ở lứa tuổi trên 60, trong đó có tôi, cùng các anh Nguyễn Như Hải, Nguyễn Hữu Hòe và Lưu Vạn Kha, đã tham dự giải quốc tế Malaysia mở rộng lần thứ 16 diễn ra cùng thời gian tại Malaysia với tinh thần học hỏi và tăng cường tình đoàn kết quốc tế.

* Là người trực tiếp đưa môn bóng gỗ về VN, xin ông giới thiệu đôi nét về môn thể thao này cùng sự phát triển của nó ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác trong thời gian qua.

- Lấy ý tưởng từ môn golf, ông Ming-Hui Weng, người Đài Loan (Trung Quốc), đã sáng lập ra môn bóng gỗ từ năm 1990. Về sân thi đấu, tùy từng diện tích, có thể có 12 hoặc 24 đường thi đấu (line), đường dài nhất là 130m, ngắn nhất là 30m, trung bình từ 50m đến 80m. Chiều rộng của mỗi line từ 3 đến 10m, tùy theo độ dài của chúng.  

Các đường thi đấu này có thể là thẳng hoặc ngoằn nghèo, bằng phẳng hoặc lồi, lõm, dốc cao, chữ L, chữ U, chữ Z, có chướng ngại vật như cây, mô đất, hoặc tảng đá  tùy thuộc địa hình nơi thi đấu (công viên, sân golf, bãi biển, sân bóng đá, vườn nhà…).

Tại mỗi cuối đường bóng lăn, người ta dựng lên một cái cổng có hình dáng và chiều cao bằng 2 chai bia, đặt cách nhau 15cm. Phần trên 2 chai bia được nối với nhau bằng một thanh sắt (hoặc gỗ) để treo một chiếc cốc bằng gỗ. Khi bóng đi vào giữa 2 chai bia, chiếc cốc đang ở thế úp sẽ bật lên như biểu tượng chúc mừng chiến thắng.

Dụng cụ thi đấu gồm một cái vồ được làm bằng gỗ hoặc hợp kim theo hình chữ T, chiều dài từ 80cm đến 90cm. Đầu đánh bóng cũng mang hình chai bia, dài 21,5cm. Các VĐV thường sử dụng đít chai bia để phát bóng và đánh xa, còn đầu chai bia chỉ được sử dụng khi bóng đã chạm với cốc bia nhưng chưa qua.

Dụng cụ thứ 2 là một quả bóng tròn bằng gỗ, có đường kính là 9,5cm và trọng lượng là 350g. Ai đánh bóng qua cổng ở cuối đường với số lượng lần đánh ít nhất, người đó sẽ chiến thắng.

Hiện nay, đã có 40 quốc gia và lãnh thổ ở các châu lục khác nhau phát triển môn bóng gỗ, với số lượng người chơi lên đến hàng chục triệu người.

CLB bóng gỗ đầu tiên của VN mang tên CLB bóng gỗ Hà Nội, do tôi đứng ra thành lập vào ngày với 9/9/2009. Chỉ sau 3 tháng, chúng tôi đã tham gia thi đấu tại Đài Loan (Trung Quốc) và tiếp theo tại Bangkok và một số giải khác như tôi đã nói ở trên.

Hiện nay, CLB bóng gỗ Hà Nội có 2 lực lượng chính: các VĐV trẻ, được Nhà nước đào tạo, tập luyện chính quy để thi đấu đỉnh cao, và một số thành viên tuổi cao, đa phần là cán bộ cao cấp về hưu, tự thân tham gia để rèn luyện sức khỏe. CLB này trực thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội. Đội bóng gỗ Hà Nội đã được Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic VN cử đi tham dự một số giải đấu quốc tế.

Ngoài Hà Nội, một số tỉnh, thành khác như Quảng Ninh, Gia Lai, Phú Thọ, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thái Nguyên cũng đã thành lập các CLB bóng gỗ. Một số địa phương khác, thậm chí một số ông chủ các resort, cũng có ý định đưa môn thể thao này vào gói dịch vụ du lịch của mình. Các CLB này thường xuyên có tổ chức thi đấu và giao lưu.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thể thao châu Á, VN sẽ đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Nha Trang và Đà Nẵng vào năm 2016, trong đó có môn bóng gỗ.


CLB bóng gỗ Hà Nội đã có thành tích rất tốt tại giải vô địch bóng gỗ thế giới lần thứ V diễn ra từ ngày 26/8 đến 1/9 tại Malaysia vừa qua. Ảnh: Khang Chi

  * Đâu là những cơ sở để ông tin môn bóng gỗ có thể phát triển mạnh ở VN, cả về thi đấu đỉnh cao cũng như thể thao đại chúng?

- Có rất nhiều yếu tố để tôi tin vào sự phát triển của môn thể thao này. Thứ nhất, bóng gỗ là một môn thể thao mang tính đại chúng, ai cũng có thể chơi được, từ các em học sinh phổ thông, đến các cụ già 70-80 tuổi, nam cũng như nữ. Tôi đã từng chứng kiến một số giải có sự tham gia rất nhiệt tình của những em bé 10 tuổi và những cụ già 80 tuổi, bên cạnh các VĐV trẻ, chính quy.

Tiếp theo, môn thể thao này hấp dẫn lại “rẻ tiền” hơn nhiều so với golf. Sân đấu, như tôi đã nói, có thể là một mảnh vườn nhà, là một khoảng cát trống ở bãi biển, một góc công viên, một bãi cỏ của một resort, hoặc một phần sân bóng đá. Dụng cụ đánh chỉ có một cái vồ và một quả bóng làm bằng gỗ, không cần quần áo, giày mũ đồ xịn, thậm chí đi dép cũng xong. Kế nữa, kỹ thuật lại đơn giản, chỉ cần được giới thiệu vài ba phút là có thể đánh được ngay. Tất nhiên, để thi đấu đỉnh cao lại là một chuyện khác.

Đây cũng là môn thể thao có thể đem lại nhiều huy chương cho các VĐV VN vì nó không đòi hỏi quá nhiều về chiều cao, cân nặng, mà chỉ cần sự khéo léo, tính toán hợp lý, cẩn trọng và tinh thần quyết thắng, vốn là những điểm mạnh của các VĐV VN.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ sau 3 năm CLB bóng gỗ Hà Nội được thành lập, chúng ta đã có 7 tỉnh, thành có CLB hoạt động, trong đó có những CLB thu hút hàng trăm hội viện như CLB Z121 và cũng chỉ sau 3 năm VN đã có một số huy chương tại các giải quốc tế. Từ một vài giải đấu quốc tế gần đây, các nước và lãnh thổ mạnh về bóng gỗ như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore đã bắt đầu nhìn VN như một kình địch đáng gờm trong tương lai.

Như chính anh đã thấy khi tham dự giải mở rộng tại Malaysia lần này, từ Chủ tịch Liên đoàn bóng gỗ thế giới, tới Chủ tịch Liên đoàn bóng gỗ châu Á và lãnh đạo thể thao nước chủ nhà Malaysia đều đánh giá VN đang trên đường trở thành một “thế lực” trong làng bóng gỗ hiện đã có mặt ở 39 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

* Câu hỏi cuối cùng, ông có kiến nghị gì với ngành thể thao VN hay không?

- Quá trình phát triển của bóng gỗ VN trong 2 năm qua cho thấy đây là một môn thể thao vừa mang tính đại chúng vừa có thể đem lại thành tích cao cho đất nước. Tôi mong muốn ngành thể thao quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ công việc phát triển bóng gỗ ở nhiều địa phương, đồng thời hy vọng các VĐV chính quy được tạo điều kiện tốt hơn nữa về ăn, ở, đào tạo, tập luyện và phần thưởng.

Khang Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm