Vì tiền, Barca sẽ khai tử Camp Nou?

12/12/2013 13:41 GMT+7 | Muôn màu thể thao

(Thethaovanhoa.vn) – Biểu tượng sừng sững ở Catalunya trong 56 năm qua có thể sẽ trở thành dĩ vãng vào đầu năm tới, thời điểm Ban lãnh đạo Barcelona tiến hành họp bàn để quyết định việc mở rộng và đổi tên sân.

“Chúng tôi đã có đầy đủ thông tin và đang chuẩn bị đưa ra quyết định” – phát ngôn viên của Barcelona, Toni Freixa hồ hởi thông báo. Nhưng fan Barca liệu có cùng cảm xúc với ông trước viễn cảnh đội bóng mà họ yêu mến đang chạy theo kim tiền?

CĐV Barcelona luôn tự hào về truyền thống của họ. Không giống như Real Madrid hay Man United, Barca được coi là đội bóng của nhân dân, thuộc về thành viên CLB, thuộc về người hâm mộ.

Trong lịch sử hơn một thế kỷ, Barcelona chưa từng cho phép dòng chữ nào xuất hiện trên áo đấu. Và họ chỉ từ bỏ điều đó vì mục đích từ thiện. Nó được hiển hiện rõ nhất thông qua việc CLB tự nguyện gắn logo của UNICEF lên ngực áo từ năm 2006 và mỗi năm sẽ đóng góp cho quỹ này 1,5 triệu euro.


Camp Nou có thể biến mất khỏi lịch sử của Barca kể từ năm sau

Thế nhưng, Barca đã không giữ được truyền thống đáng quý đó. Ngày 4/3/2013, đội bóng xứ Catalunya đã chấp thuận thu tiền quảng cáo trên áo đấu lần đầu tiên trong lịch sử khi ký bản hợp đồng kéo dài trong 5 mùa giải, trị giá 35 triệu euro/mùa với Qatar Foundation. Đó là cú sốc thực sự với những ai yêu mến Barca.

Barca đã bước vào vòng xoáy của kim tiền từ thời điểm đó và guồng quay của kinh tế không cho phép họ bước ra. Sự thất vọng của CĐV đội bóng là hiện hữu nhưng trước áp lực nợ nần, giữ chân các ngôi sao hiện tại và cải thiện đội hình bằng những nhân tố mới, mục tiêu của họ là ngày càng phải kiếm nhiều tiền hơn.

Ngày 20/1 tới, Ban lãnh đạo Barca sẽ tiến hành họp bàn lần cuối để thông qua kế hoạch tu sửa hoặc xây SVĐ mới. Dự kiến SVĐ mới sẽ có sức chứa lớn 105.000 chỗ ngồi. Để cải tạo sân, Barca sẽ phải chi ra ít nhất 300 triệu euro và để xây mới, số tiền sẽ tăng lên gấp đôi, khoảng 600 triệu euro.

Vậy Barca sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện tham vọng của mình? Chưa nói rõ ràng nhưng Phó chủ tịch phụ trách tài chính Javier Faus đã ám chỉ đến khả năng bán tên sân, điều mà ở Anh hai CLB Man City và Arsenal đã làm, nhưng với các CĐV Barca thì ngay cả trong tưởng tượng họ cũng không nghĩ tới.

Arsenal kiếm được mỗi năm 8 triệu euro từ việc bán tên sân nhà mới của họ cho hãng hàng không Ả-rập Emirates. Man City thì kiếm được nhiều gần gấp ba con số này – 21,5 triệu euro- khi bắt tay với một hãng hàng không khác đến từ Trung Đông, Etihad Airways.

Như muốn trấn an, ông Faus bảo rằng CLB sẽ “hỏi ý kiến” CĐV trước khi đưa ra quyết định này nhưng trong bối cảnh nợ nần, Barca sẽ ưu tiên điều gì thì ai cũng rõ. Ranh giới của sự dè dặt đã một lần bị phá vỡ, Barca chắc không thiếu can đảm ở lần thứ hai.

Nghịch lý của hợp đồng bán tên sân

Không phải cứ đội bóng lớn là hợp đồng bán tên sân sẽ có giá trị cao hơn so với đội bóng nhỏ. Theo Công ty thẩm định toàn cầu American Appraisal, việc xây dựng lại thương hiệu đối với những sân bóng có giá trị biểu tượng cao thường đi kèm nhiều rủi ro, và vì thế nó làm giảm giá trị của hợp đồng.


Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm