Văn Miếu chật cứng các sĩ tử... khấn vái cầu may

02/07/2011 20:28 GMT+7 | Giáo dục

Trước thềm kỳ thi đại học, hàng nghìn sĩ tử đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để cầu may. Nhiều sĩ tử hy vọng thầy Chu Văn An, đức Khổng Tử "phù hộ" cho họ thi cử đỗ đạt.


Thí sinh, phụ huynh thành tâm khấn vái - Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+

Dòng người đổ về đã khiến cho các cung đường quanh khu vực này, từ Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học đến Quốc Tử Giám luôn luôn ở trong tình trạng tắc nghẽn.

Chỗ để xe thường ngày của Văn Miếu quá tải. Điểm gửi xe vườn Giám thường ngày chỉ mở một cổng, nay Ban quản lý khu di tích phải trổ thêm cả cổng phụ phía mặt đường Tôn Đức Thắng để phục vụ nhu cầu người dân. Lượng xe quá lớn, chật kín khu vực giữ xe, xe để tràn lên trên các lối đi, cả xe và người băm nghiến các ô cỏ không thương tiếc.

Sau khi gửi được xe, các sĩ tử phải ngược ra cổng mua vé. Dù trước cửa bán vé có tấm bảng xanh ghi rõ học sinh, sinh viên nếu có thẻ sẽ được giảm giá 50%, nhưng chẳng thấy bạn nào giơ thẻ ra để được miễn giảm.

Bác Thanh, một phụ huynh quê Bắc Ninh đưa con gái đi thi giải thích: "Vé vào cổng chỉ 10.000 đồng, không đắt lắm nên không cần phải xin giảm giá. Đi cầu may thì cũng không nên so đo, tính toán, 'thoáng' chút mới có lộc được."

Từ cổng vào đến các lối đi đều chật như nêm. Sân Đại Bái rộng thênh thang thường ngày bỗng trở nên chật chội.

Ngay khi qua được cổng, nơi đầu tiên các sĩ tử tìm đến là dãy 82 bia tiến sĩ đặt ở hai bên Văn Miếu. Từ kinh nghiệm những năm trước, năm nay Ban quản lý khu di tích dán nhiều tấm biển cảnh báo không được sờ lên đầu rùa, lên bia tiến sĩ, đồng thời tăng số lượng tình nguyện viên túc trực tại hai dãy bia, mỗi dãy có khoảng từ 10 đến 15 người, liên tục nhắc nhở sĩ tử. Tuy nhiên, các sinh viên tương lai vẫn tranh thủ lúc tình nguyện viên quay đi để... sờ trộm.

“Không chỉ các em đi thi muốn sờ đầu rùa, các phụ huynh cũng ra sức năn nỉ cho các em vào sờ lấy may. Chúng em phải ra sức giải thích và ngăn cản nhưng thi thoảng vẫn có em nhanh chân lẻn vào lúc tình nguyện viên không để ý,” Thành, sinh viên tình nguyện Đại học Bách Khoa cho biết.

Dừng lại trước các bia tiến sĩ, các sĩ tử chăm chú đọc các bài ký tên bia tiến sĩ đã được dịch từ tiếng Hán ra tiếng Việt, em Nguyễn Tuấn chia sẻ: "Em không mê tín nhưng đến đây, thành tâm thắp hương, em cảm thấy yên lòng và bình tâm hơn, đọc những dòng trích dẫn trên bia tiến sĩ em thấy rất ý nghĩa".

Điện Đại Thành là điểm đến thứ hai của sĩ tử sau hàng bia tiến sĩ. Mặc dù đã được Ban quản lý nhắc nhở về việc hạn chế thắp hương nhưng cả phụ huynh và thí sinh, ai cũng muốn chen chân đến đặt nén nhang trước pho tượng lớn thờ Khổng Tử. Nhang vừa thắp xuống đã có người của Ban quản lý di tích nhổ lên do lượng hương lớn, dễ gây cháy.

Em Nguyễn Thu Hương vừa đặt nhang vừa tranh thủ bỏ thêm mấy chiếc bút lên ban thờ và cho biết: "Các bạn em bảo mang bút lên để lấy ‘lộc bút,’ mai làm bài thi sẽ tốt hơn, may mắn hơn nên em cũng làm theo, hy vọng em sẽ làm bài thi thật tốt."

Nhưng không phải sĩ tử nào cũng được vào thắp nhang như Hương vì không đủ tài… chen lấn. Nhìn cả mấy lớp người vòng quanh phía trước đang nhích từng bước một, em Nguyễn Thị Tình, quê Thái Bình, đành chắp tay vái vọng từ xa. “Em vừa ở quê lên, chen chúc trên xe ôtô đã đủ mệt, không đủ sức để… cạnh tranh. Không thắp được nhanh, nhưng mình thành tâm, chắc sẽ được phù hộ,” Tình chia sẻ.

Đến Văn Miếu ngày hôm nay cùng với các sĩ tử còn có rất nhiều đoàn khách quốc tế. Không ít người tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy rất đông các bạn trẻ nghiêm nghị chắp tay khấn vái trước các pho tượng. Sau khi nghe hướng dẫn viên giải thích, họ đều cười thích thú rồi thi nhau chụp ảnh.

Theo đánh giá của nhân viên quản lý khu di tích thì ngày hôm nay vẫn chưa phải thời điểm đông nhất. Sang ngày mai, 3/7, sát ngày thi đại học, sau khi nhận phòng thi xong, lượng sĩ tử đổ về Văn Miếu cầu may sẽ còn đông hơn nữa.

Đây cũng là lý do mà mẹ con Tình phải đi thẳng từ bến xe Giáp Bát đến Văn Miếu, dù đã rất mệt mỏi khi đi đường. Vừa lôi chai nước trong balô ra uống cho đỡ khát, bác Cẩm, mẹ của Tình, vừa cười bảo: "Tôi động viên con cố gắng đến đây, mệt một chút nhưng mình thành tâm, lỡ ngày mai trời mưa hay bận nhận phòng thi không qua được. Cũng may là đi hôm nay, bây giờ còn chẳng chen được vào gần đức Khổng Tử, thì ngày mai có lẽ còn không bước chân nổi vào cổng Văn Miếu".

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm