Uyên ương méo mặt bởi hủ tục kiêng kỵ

05/12/2011 21:53 GMT+7 | Đời sống

Nghe thày phán "lá số" của cô dâu rất xấu, sau đám cưới có thể khiến nhà trai mạt vận, ngày rước dâu, mẹ chồng bắt Giang vào nhà phải đi cửa sau, không được qua lối cửa chính.

Ảnh minh họa: Heraldsun.com.au.

Nhớ lại đám cưới hơn một năm trước của mình, chị Giang (Kiến An, Hải Phòng) vẫn còn ấm ức.

Chị cho biết, đám cưới gần đến, chẳng hiểu mẹ chồng chị xem nghe thày phán sao, về nhà bà gọi cả con trai và con dâu tương lai tới nói rằng: Theo tử vi, cô dâu có thể khiến nhà trai mạt vận. Để tránh điều này, chỉ còn một cách là phải tổ chức đám cưới càng đơn giản càng tốt, bỏ bớt hết các lễ lạt; nàng dâu không được vào nhà bằng cửa chính mà phải đi cửa sau và bước qua một chậu lửa.

"Mình cảm thấy rất tủi thân khi nghe những điều này. Bố mẹ mình thì nổi cơn tam bành, nói như thế là họ hạ nhục mình chứ cưới xin gì", chị Giang kể lại.

Mệt mỏi, căng thẳng khi hai bên gia đình đôi co về việc này, chị Giang từng muốn hủy đám cưới. Nhưng ông xã nằn nì thuyết phục và cũng tỏ thái độ quyết tâm nên cuối cùng, chị đành chấp nhận những thủ tục như mẹ chồng nói.

"Ngày cưới mình khóc hết nước mắt vì buồn tủi. Gia đình mình thì vẫn không nguôi giận, sau đám cưới là không thèm nhìn mặt thông gia và tới giờ, hai bên chưa qua lại nhà nhau lần nào. Mình và mẹ chồng thì lúc nào cũng như có một bức tường ngăn cách", chị Giang trùng giọng.

Đám cưới cũng gặp trục trặc vì lời thày phán, tới giờ hai bên gia đình Quân - Ngọc (Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn còn từ mặt nhau.

Ngay khi biết Quân có người yêu, bố mẹ đã giục chuyện cưới xin vì sốt ruột cho cậu con trai đã 35 tuổi. Mới yêu được hai tháng nên Ngọc còn chần chừ. Để "chắc ăn", nhà trai liền đưa phương án xin được đăng ký kết hôn và ăn hỏi trước, còn thời điểm cưới tùy nhà gái chọn.

Thế nhưng, khi ngày cưới do nhà gái định sắp đến thì bố mẹ chú rể đột ngột thông báo sẽ rước dâu vào 9h sáng. Llý do: ông thày tử vi mà mẹ Quân đi xem phán rằng tuổi của cô dâu xung với bố chồng, nên chỉ có rước dâu vào giờ đó mới có thể tránh họa.

"Ở quê mình nhà ai cũng đón khách ăn tiệc vào buổi sáng, rồi qua 12h mới rước dâu, chẳng ai làm vào cái giờ trái khoáy đó cả. Bố mẹ mình cho là nhà trai thấy nhà gái dễ tính đồng ý cho đăng ký trước nên coi thường, nổi cơn thịnh nộ", Ngọc kể lại.

Bởi thế, khi bố chú rể tới nói chuyện đưa lễ và xin giờ rước dâu thì bố cô dâu khăng khăng: "Lúc 9h khách khứa nhà tôi bắt đầu tới đông, nên nếu nhà trai tới thì chẳng ai tiếp được đâu". Bố chú rể nóng mặt vì cho rằng nhà gái đang thách thức nên đùng đùng bỏ về. Chỉ có đôi tân nương, tân lang bị rơi vào tình thế khó xử.

"Cuối cùng thì đám cưới cũng diễn ra theo ý nhà trai vì dù gì bố mẹ mình vẫn thương con gái, sợ con lỡ dở, nhưng ngày vui mà mặt mũi ai nấy buồn so", Ngọc tâm sự.

Theo nhà nghiên cứu tử vi Hoàng Đạo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (Hà Nội) thì xem tử vi của cô dâu chú rể, chọn ngày, giờ cưới hỏi... là những phong tục có từ lâu đời trong đám cưới truyền thống người Việt. Nhiều người đi "hỏi thày" để biết sự hòa hợp giữa hai người chuẩn bị kết hôn, chọn ngày lành tháng tốt tổ chức hôn lễ, tạo sự khởi đầu đẹp cho một mối nhân duyên.

Với một số đôi được tử vi phán là "xung", "không hợp", dân gian cũng có sẵn một số cách "hóa giải" như cưới giả (với các cô gái được phán có số 'hai lần đò'), chọn giờ có thể chế được xung khắc, thực hiện một số thủ tục như nàng dâu phải bước qua lửa...

"Những việc này chỉ giúp người ta có tâm lý an lòng, chứ không dựa trên cơ sở nào. Chẳng hạn, việc cưới hai lần để cưỡng lại số hai lần đò là vô nghĩa, nhất là trong lối sống hiện đại, nhiều bạn trẻ trước khi cưới đã ăn ở với nhau từ lâu hoặc thậm chí có quan hệ với người khác rồi", ông nói.

Theo ông, thực tế nếu tính thiên định là có thì dù con người có cố làm gì cũng chẳng thể tránh được. Hơn nữa, con người có ý chí, có tấm lòng yêu thương chân thành thì có thể khắc phục khó khăn, điều chỉnh chính mình với bạn đời trong quá trình chung sống.

Nhà tâm lý Trần Hùng, Văn phòng tâm lý và thám tử Hoàng Nhân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết về các thủ tục hôn nhân, nhiều người vì quá tin "thày", răm rắp làm theo những điều "thày" phán dẫn tới chuốc những điều phiền toái cho chính mình, người thân, dù mục đích ban đầu của họ là tốt đẹp. Đôi khi, chính sự áp đặt "ý thày" này lại khởi đầu cho những mâu thuẫn giữa hai bên gia đình và tác động xấu tới đời sống hôn nhân của con cái.

Theo nhà tâm lý, trong mọi trường hợp, việc xem tử vi hay ngày giờ cưới hỏi chỉ nên coi là một kênh tham khảo, còn người lựa chọn cuối cùng vẫn là các bạn trẻ. "Chính các bạn phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của mình, đừng quyết định rồi vẫn sống trong nơm nớp lo sợ hoặc tự dày vò bản thân hay đổ lỗi cho người khác, cho số phận khi gặp chuyện không như ý", nhà tư vấn bày tỏ.

Ông cho rằng, sự chân thành và yêu thương thật lòng có thể hóa giải tất cả. Hai người càng vị tha, biết chia sẻ, càng có khả năng bảo vệ gia đình tốt hơn, cơ hội hòa thuận cao hơn. Khi đó, việc xem tử vi hay không sẽ không còn quan trọng nữa.

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi


Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm