Từ chuyện gà rán Kentucky...

05/08/2008 01:00 GMT+7 | Entry của bạn

Hôm qua, tôi gọi điện nói chuyện với một đứa bạn, nó bảo sắp đi ăn KFC, nghe có vẻ khoái lắm. Dạo này, tôi thỉnh thoảng đọc blog của nhiều bạn thấy hay nhắc tới KFC với một vẻ rất thích thú và thiện cảm. Lại nhớ chuyện một lần đi công tác ở Việt Nam, đối tác của tôi vì muốn thể hiện tình thân thiện với tôi nên mời bằng được đi ăn KFC.
 
Điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Như tôi thấy tại Mỹ, nơi khởi nguồn của món gà rán này, KFC thuộc loại đồ ăn rẻ tiền, có hại cho sức khỏe vì dùng nhiều các loại dầu rán khó tiêu, ăn nhiều sẽ sinh béo phì và dẫn tới nhiều bệnh liên quan tới tim mạch. KFC vẫn tiêu thụ được vì ăn khá ngon miệng, thuộc nhóm đồ ăn nhanh, dành cho những người ít tiền hoặc muốn tiết kiệm thời gian. Nhưng tôi biết đây không phải là loại đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Nước Mỹ có tỉ lệ người béo phì rất cao cũng một phần do sự đóng góp tích cực của KFC và các loại đồ ăn nhanh tương tự như McDonald, Wendy, các loại nước ngọt rẻ tiền như Coca-Cola, Pepsi.

Tại sao KFC sang Việt Nam lại trở thành đồ ăn “cao cấp”, “chịu chơi”, “sành điệu”? Vì nó ngon miệng? Vì phương pháp tiếp cận thị trường hiệu quả của KFC Việt Nam? Vì nó đắt tiền hơn? Hay vì nó tới từ Mỹ nên tất nhiên nó phải hay?

Liệu có ngây thơ quá không khi tiêu thụ bất cứ cái gì từ Mỹ tới không cần hiểu biết và suy xét, để rồi tương lai thế hệ trẻ Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt, như một thể hệ trẻ em mắc bệnh béo phì và đái đường?

Nghĩ rộng ra các chuyện khác về kinh tế, văn hóa. Điều không thể phủ nhận là các bạn trẻ Việt Nam hiện nay chủ yếu nghe nhạc Mỹ, xem phim Mỹ, chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa “Holywood” Mỹ, và có quan niệm rất ngây thơ rằng nước Mỹ thật cũng giống như trong phim. Văn hóa giải trí Mỹ đổ bộ lên Việt Nam và thoải mái tấn công vào cách nhìn và quan niệm của các bạn trẻ mà không gặp phải một hàng phòng thủ nào, một phần lớn bởi kiểu suy nghĩ là bất cứ cái gì “ngoại” đều tốt, cái gì “nội” là nên vứt bỏ đi. Nhưng nhiều khi, cái đổ bộ lên Việt Nam đã là đồ thải ở xứ người rồi, hoặc có là một điều tốt ở nước ngoài chăng nữa, thì cũng chưa chắc đã hợp với đặc điểm riêng của Việt Nam. Mọi sự tiếp thu đều đòi hỏi nhào nặn, hiểu biết và suy xét.

Đơn cử một ví dụ, vừa rồi, tôi có đọc nhiều bài trên những tờ báo lớn cổ vũ sex trước hôn nhân. Một trong những lập luận mà những người viết bài này đưa ra rằng ở Tây người ta công nhận thế từ lâu rồi (chắc các bạn xem thấy thế trên phim), chỉ có nước ta là cổ hủ, lạc hậu. Nhưng chắc chắn tác giả của bài báo đó chưa từng đọc thống kê về số tiền hàng tỉ đô la chính quyền Mỹ hiện đang đầu tư vào các chương trình giáo dục khuyến khích học sinh cấp ba giữ gìn không quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tất nhiên, chuyện này không ai cấm được, nhưng quan niệm chung của xã hội là không khuyến khích vì họ đã nhìn thấy hậu quả ở một xã hội đầy những đứa con không cha.

Nhìn sang vấn đề kinh tế, hiện nay, Việt Nam đang chào đón các công ty nước ngoài tới mở công ty, nhà máy. Dù đó là một điều cần thiết cho sự phát triển kinh tế của nước nhà, nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng họ đến Việt Nam vì lao động rẻ, lại không phải trả các loại bảo hiểm sức khỏe và môi trường, thuế thấp, để cuối cùng họ đạt được lợi nhuận cao. Cùng với sự phát triển của các nhà máy xí nghiệp này, trong tương lại việc tiêu tốn vào khôi phục và bảo vệ môi trường sẽ là một gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam, và người Việt Nam sẽ phải trả giá về sức khỏe do những hậu quả của ô nhiễm môi trường.

Và có rất nhiều vấn đề khác mà tôi có thể chỉ ra.

Trong việc tiếp thu cái mới, một thái độ cởi mở sẵn sàng học hỏi là cần thiết. Nhưng điều cần thiết hơn là sự hiểu biết và óc phân tích suy xét để gạt ra những thứ không phù hợp với quyền lợi của bản thân, của xã hội và của dân tộc.

Dương Thùy Trân


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm