TTCN châu Âu: Cuộc chiến pháp đình vì những tài năng trẻ

18/08/2012 06:42 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần)- Những tháng hè của bóng đá châu Âu tràn ngập các thông tin về tình hình chuyển nhượng các ngôi sao mới, những tên tuổi hứa hẹn sẽ tỏa sáng trong tương lai gần.Và cả  những cuộc chiến vì của các ông bầu cũng đang nóng lên.

Không phải ai cũng là Messi

Nhưng điều ít được biết tới trong thị trường nhộn nhịp đó là câu chuyện về những cầu thủ trẻ mới bắt đầu sự nghiệp hoặc được đào tạo ở câu lạc bộ quê nhà với kỳ vọng họ sẽ trở thành một Lionel Messi tiếp theo. Câu chuyện về Messi nhiều năm trước ở Argentina và việc anh gia nhập Barcelona đã được kể đi kể lại vô số lần, về việc một cậu bé được chẩn đoán là thiếu hụt hormone tăng trưởng đã đến Tây Ban Nha, được Barcelona chi trả toàn bộ phí chữa bệnh và rồi sau đó trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Điều ít được biết đến hơn là Barcelona đã không trả ngay cho câu lạc bộ cũ Newell’s Old Boys của Messi phí đào tạo mà đáng ra đội bóng này được hưởng.

Newell’s Old Boys chỉ đòi có 42.867 USD, không bằng vài ngày lương của Messi hiện giờ, nhưng họ đã phải chật vật qua nhiều giai đoạn và đưa vụ việc ra cả cơ quan giải quyết tranh chấp của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vì số tiền nực cười trong thế giới chuyển nhượng nói trên. Nhưng hệ lụy với Newell’s Old Boys chỉ là chuyện nhỏ trong thế giới đào tạo, chuyển nhượng và săn lùng cầu thủ đang ngày càng bị chi phối bởi sự khắc nghiệt của đồng tiền.



Barcelona không hề trả tiền bồi thường đào tạo Lionel Messi cho Newell’s Old Boys- Ảnh Getty

Một nghiên cứu thực hiện năm 2009 ước tính khoảng hơn 20.000 chàng trai châu Phi hiện đang sống vất vưởng trên các đường phố châu Âu vì không được ký hợp đồng với các câu lạc bộ châu Âu sau đợt thử việc. FIFA cố gắng hạn chế những hệ lụy này bằng một bộ luật yêu cầu các đội bóng “ngắt ngọn” phải trả trả phí đào tạo cho câu lạc bộ đã nuôi dưỡng những tài năng trẻ. FIFA có hẳn một công thức tính chi phí đền bù cho các đội bóng, dựa trên số năm mà họ đào tạo ra cầu thủ đó đến khi cầu thủ ký bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên vào năm 23 tuổi.

Tuy nhiên, tay cò cầu thủ có tiếng Paulo Teixeira khẳng định nhiều đội bóng lớn ở châu Âu thường tìm cách phớt lờ khoản tiền đền bù. Teixeira, từng làm đại diện cho nhiều cầu thủ, bao gồm Roberto Carlos, cho rằng “đó là vấn đề văn hóa”. “Các câu lạc bộ châu Âu đã phải trả hàng triệu tiền mặt cho phí chuyển nhượng rồi, nhưng nếu còn phải trả phí đền bù đào tạo cho các đội bóng châu Phi hay Nam Mỹ thì sẽ nảy sinh vấn đề. Các câu lạc bộ biết rằng họ sẽ phải trả phí khi trường hợp của họ được đưa đến FIFA, nhưng cho tới lúc đó thì họ đã mua được cả khối thời gian.”

Không hài lòng với những lời phát ngôn của Teixeira trên Facebook, ít nhất hai đội bóng châu Âu là AC Milan và Anderlecht đã kiện lên FIFA về sự “phỉ báng” và “vu khống” của nhân vật người Brazil. Teixeira còn đi xa hơn với việc trích dẫn Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “mọi người đều có quyền tự do ngôn luận”. Ông cũng chỉ đích danh Milan đang nợ đội bóng Brazil Botafogo FC tiền phí đào tạo cầu thủ Sergio Ceregatti. Teixeira cho rằng Milan đã có hành vi lách luật khi sắp xếp để Ceregatti chuyển tới chơi cho Ancona, rồi sau đó mới ký hợp đồng với Milan, khiến Botafogo không nhận được dù chỉ một xu tiền bồi thường.

“Trong vụ này, cầu thủ đã đưa ra những bản hợp đồng khác nhau (một trong số đó do cha anh ký, khi Ceregatti vẫn còn vị thành niên) về khoảng thời gian anh ta thi đấu cho Botafogo, chín tháng, 24 tháng và 48 tháng”, luật sư của Milan, Leandro Cantamessa, phân tích. “Milan đã ngay lập tức trả khoản tiền theo yêu cầu của Teixeira vào tháng 5/2011 dựa trên hợp đồng đầu tiên của cầu thủ, phù hợp với hồ sơ của Botafogo, theo đúng quy định của Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF)… Ceregatti đã được giải phóng khỏi mọi nghĩa vụ với Botafogo sau đó”.

Về trường hợp Anderlecht, Tổng giám đốc đội bóng Bỉ Germann van Holsbeeck từ chối bình luận về yêu cầu đền bù 122.822 USD của Teixeira cho câu lạc bộ của Cộng hòa dân chủ Congo, CS Algles Verts, liên quan đến những cầu thủ của họ. Ông còn nói thêm rằng: “Chúng tôi đã kiện Teixeira ra FIFA. Chúng tôi sẽ bảo vệ mình trước tòa”.

Không kịp xử án

Thường thì những câu lạc bộ ở Brazil và châu Phi không có nguồn tài chính để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra cho cầu thủ của họ sau khi họ ra đi, thường là đến châu Âu, đồng nghĩa với việc họ thường ra đi mà không có tiền đền bù. Đó là điều mà Teixeira đang muốn thay đổi. Dưới sự giúp đỡ của Jose Tobaldini, một thành viên Liên đoàn cầu thủ nghiệp dư Brazil có trong tay hồ sơ của gần 140.000 cầu thủ nghiệp dư, Teixeira đã theo chân những câu lạc đã đào tạo cầu thủ trẻ để xem họ có được khoản đền bù hay không, và sau đó bắt đầu tiến trình pháp lý buộc các ông lớn châu Âu thực thi pháp luật. “Khoảng thời gian đầu tôi đã đến với các câu lạc bộ, nhưng dần dần các câu lạc bộ đã tìm đến tôi”, Teixeira nói. “Tất cả là nhờ vào internet, như bạn có thể hình dung ra. Một số người đại diện ở châu Phi đã gửi tin nhắn cho tôi nói rằng tôi bắt đầu trở thành biểu tượng.”



Paulo Teixeira chuyên đi đòi nợ thuê cho các câu lạc bộ Nam Mỹ với những đội châu Âu- Ảnh Getty

Teixeira sẽ nhận được 20% tiền hoa hồng trong số tiền yêu cầu bồi thường nói trên cho mỗi vụ “đòi nợ” thành công. Với tổng số vụ mà ông đang liệt kê theo danh sách trên Facebook của ông, tổng số tiền bồi thường sẽ là 2,4 triệu USD, tức giúp Teixeira kiếm được 480.000 USD, cả một gia tài, nếu ông thành công. Tính chất rắc rối của các vụ việc và khoản tiền liên quan quá lớn khiến những người như Teixeira xuất hiện ngày càng nhiều và biến thành một cơn đau đầu thực sự với FIFA khi mỗi năm họ nhận được khoảng 3.500 đơn kiện tụng qua lại liên quan tới chuyện bồi thường chi phí đào tạo.

“Đây là một mỏ vàng với các luật sư thể thao. Không chỉ ở Nam Mỹ mà cả các công ty lớn ở châu Âu (chủ yếu là Tây Ban Nha do vấn đề ngôn ngữ) cũng đề xuất giúp các đội bóng đào tạo ra cầu thủ trẻ đi đòi nợ. Tiền phí đòi nợ thuê có thể lên tới 30% khoản tiền thu được”, Ariel Reck, một luật sư người Argentina từng thụ lý nhiều vụ việc, chia sẻ. Kiện tụng nhiều khiến quá trình giải quyết trở nên chậm chạp. “Lẽ ra các đơn kiện phải được giải quyết trong ba đến năm tuần”, luật sư Fernando Lamar, người làm việc với Teixeira, than phiền. “Nhưng FIFA thường phải mất từ sáu tới 12 tháng để giải quyết. Chúng tôi có cả những vụ việc đã hai năm chưa có kết quả… Những phản hồi thường thấy nhất là: chúng tôi quá tải rồi, Chúng tôi không có thời gian…”

Để tránh tất cả những rắc rối đó, lời khuyên của Tobaldini với những bậc cha mẹ có con giỏi bóng đá là hãy từ tốn và đừng mơ những giấc mơ quá xa xôi nơi trời Âu. Trước hết hãy tập cho chúng thói quen làm việc chuyên nghiệp, học hành cho tử tế, và kiếm một người đại diện đáng tin cậy, như ông chẳng hạn.

Nhật Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm