Tôi đi học làm người

06/04/2009 21:39 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) -  Ngày còn bé, tôi nuôi ước mơ được một lần bay ra khỏi cổng làng. Tôi thèm rõ dãi, khi nhìn mấy đứa bạn từ thành phố trở về, xênh xang áo quần, vòng xuyến...Tôi vểnh tai lên nghe chúng kể, về những phi vụ làm ăn thu hoạch cả nắm tiền, về những cuộc vui thâu đêm suốt sáng trong ánh đèn màu lấp lánh...

Lúc ấy, tôi rất muốn đi theo chúng nhưng khổ nỗi, trong đầu không có một chữ, túi lại rỗng tuếch không có một đồng. Thế là, tôi cứ đứng đực mặt ra, chôn chân ở cổng làng nhìn chúng bạn giơ bàn tay vẫy vẫy, bóp còi xe inh ỏi phóng đi, bỏ lại sau lưng một mình tôi với đám bụi mù trời. Ước mơ trong tôi ngày một lớn dần lên, cháy bỏng...cho đến một ngày, có người rủ tôi đi vượt biên chỉ với một điều kiện, tôi phải vận chuyển đủ số lượng dầu ra tàu cho họ. Tôi nhận lời đi ngay, đi mà không biết, mình sẽ đi về đâu, đi để làm gì...

Mãi đến khi tàu ra giữa biển cả mênh mông, tôi quay đầu nhìn lại, doi cát nhỏ của làng chài quê tôi đã chìm khuất trong bóng tối mịt mờ, tôi mới nhận ra mình đã đi quá xa.Tôi cố căng mắt ra nhìn nhưng gió biển quất rát mặt, sóng biển gầm gừ chồm lên dữ dội. Mấy người cùng đi bảo tôi cầu nguyện như họ, tôi cũng ngửa mặt nhìn lên trời tìm cho mình một vì sao may mắn. Bỗng dưng, tôi nhớ những đêm trăng sao đầy trời, lũ trẻ con chúng tôi thường nằm ngữa trên bãi biển, tranh nhau tìm cho mình một vì sao sáng nhất. Tôi lại nhớ, những buổi trưa trời như đổ lửa, cha con tôi trần mình dưới cái nắng hè gay gắt, mặt mày đen kịt nhưng ánh mắt cha tôi sáng lên, khi nhìn thấy cánh đồng muối của nhà mình bạt ngàn trắng phau.

Có tiếng ai đó thét lên làm tôi bừng tỉnh: " có tàu biên phòng..." Mọi người nhốn nháo hoảng loạn nằm rạp xuống, tôi cũng cố thu người nhỏ lại nhưng vẫn còn nhìn thấy một vì sao vừa xẹt ngang bầu trời rơi xuống chìm lỉm...Thế là, tôi lại quay về cái làng chài nhỏ xíu, bàn tay cứng ngắc trong cái còng số 8, xấu hổ lầm lũi bước đi. Mẹ tôi trông thấy tôi gọi lạc giọng:" Cu...Cu ơi!". Tôi không dám nhìn mẹ, chỉ đến khi, chiếc xe chở tôi rồ máy phóng đi, tôi mới ngoái đầu nhìn lại, mẹ tôi gục xuống doi cát nhỏ mà tôi và chúng bạn vẫn nằm đùa nghịch đếm sao. Hình ảnh đó theo tôi vào trại giam, khiến cả tuần tôi mất ngủ, bỏ ăn cho đến hôm nhận được gói quà thăm nuôi có món mắm cua mẹ làm, tôi bật khóc. Giọt nước mắt của thằng con trai 19 tuổi vỡ òa thành tiếng : Mẹ ! Mẹ ơi! 

Ông quản giáo đứng cạnh vỗ vai tôi nhẹ nhàng:

 - Đừng để nước mắt làm nhụt chí, biết đi đâu chuyến đi này em sẽ lớn lên nhiều...

 Tôi quệt nước mắt ngước nhìn ông quản giáo, đôi mắt ông giống hệt mắt cha tôi. Ngày tôi ra tòa nhận bản án 3 năm, ông lại gặp tôi nhỏ nhẹ:

 - Cố lên em! 3 năm đủ để em làm mới cuộc đời mình.

Câu nói của ông làm tôi trăn trở suốt đêm. Tôi nghĩ, tôi phải làm gì để khi trở về phải là một con người hoàn toàn khác, không như thằng tôi lúc bấy giờ, cái tên mình không viết nổi, chỉ biết lẽo đẽo theo cha ra đồng muối, rời khỏi nhà một ngày thể nào cái bụng cũng đói meo...Tôi thao thức mãi, chờ cánh cửa nhà giam xịch mở để được gặp ông quản giáo, xin ông chỉ cho cách thay đổi  mình. Nghe tôi nói, ông vui vẻ:

 - Ngay hôm nay, em sẽ đi lên trại cải tạo, ở đó em sẽ vừa học chữ, vừa học nghề.

 Tôi vội vàng:

 - Thưa cán bộ, tôi muốn học nghề đóng tàu

 Ông nhìn tôi cười sang sảng rồi gật gù:

 - Tốt, nhưng trước hết em phải học chữ cho tốt, học đóng bàn đóng ghế cho thành thạo rồi sẽ tính tiếp

 Đúng như lời ông nói, ngay sáng hôm ấy tôi lên trại cải tạo vừa học chữ vừa học nghề mộc. Lần đầu tiên, tôi viết được một lá thư về thăm gia đình. Cha tôi lên thăm tôi, ông kể:"...Cả nhà mừng rỡ, nhất là mẹ con, bà mang lá thư đi khoe khắp xóm: Thằng Cu nhà tôi đã biết chữ, biết cả nghề thợ mộc. Nhiều người chia vui với mẹ con: Nó đi thế mà tốt, nhưng cũng có người ngờ vực: Ở tù mà học hành gì? Mẹ con móc ngay lá thư lúc nào cũng gấp tư đút trong túi áo ra làm bằng chứng, con dấu đỏ chót đóng tên trại giam có dòng chữ ngay ngắn tròn trịa của con khiến mọi người trầm trồ: Hay nhỉ! Thằng ấy thế mà nên..."

Tôi cải tạo chưa đầy 2 năm 6 tháng thì nhận được lệnh đặc xá. Cha tôi nghe tin chạy lên trại giam, gặp giám thị trại, ông ấp úng xin:

 - Các anh cho cháu ở thêm để học cho tốt được không ạ!

 Ông giám thị gọi tôi lên, vừa cười vừa hỏi:

 - Thế nào, anh nghĩ sao, muốn ở hay về...

 Để tôi gãi đầu gãi tai một hồi , ông mới lại vừa cười vừa nói:

 - Đủ rồi...anh đã về được, con trai tôi vừa ra trường với tấm bằng cao đẳng cử nhân cũng chỉ cần có 3 năm...
 Tôi chào ông rồi theo cha ra về, trông đầu bừng bừng một ước mơ, làm sao lấy cho được một tấm bằng.

Mẹ tôi đón tôi ở cổng làng. Ngày đi, tôi chỉ cao hơn mẹ một cái đầu, thế mà ngày trở về, mẹ chỉ đứng nhỉnh hơn thắt lưng của tôi một chút. Mẹ cười hỉ hả khi nghe tôi đề xuất ý định vay vốn ngân hàng mở xưởng mộc tại nhà. Cái tin thằng Cu đi tù về mở xưởng mộc xôn xao khắp xóm. Vài người đến xin được học nghề với tôi, tôi nghiễm nhiên được gọi bằng thầy.

Ban ngày, tôi đóng bàn ghế, đồ gia dụng ...kiếm tiền mưu sinh. Đêm, tôi đi học bổ túc văn hóa. Những lúc rảnh rỗi, tôi lại mon men đến bên những con tàu để dệt cho dầy thêm ước mơ của mình...Đúng 8 năm sau, khi tôi lấy được mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông thì cũng chính là lúc, xưởng mộc của tôi lớn lên thành xưởng đóng tàu. Tôi nhớ, ngày con tàu đầu tiên hạ thủy, bạn bè tôi kéo đến chúc mừng chật nhà. Lúc ấy, tôi mới thật sự được nhìn thấy mặt mẹ tôi vênh lên, tự hào mãn nguyện khi đi bên tôi. Lần đầu tiên, tôi cùng cha mẹ, bạn bè ra khơi đón trăng lên trên con tàu do chính tay mình tạo nên. Mọi người, ai cũng tranh nhau tìm cho tôi một vì sao sáng nhất, họ gọi tôi là ngôi sao may mắn.

Bây giờ, tôi đã đến tuổi nghỉ ngơi. Cái xưởng đóng tàu do tôi thành lập được trao cho người khác. Thế nhưng, cứ mỗi lần có một con tàu mới hạ thủy, tôi lại là vị khách danh dự đầu tiên được mời đến bước chân lên tàu.

Lần nào cũng vậy, tôi đứng lặng nhìn con tàu như nhìn lại chặng đường tôi đã đi qua.

Chặng đường, tôi đi học làm người.

Văn Sứ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm