Thương nhớ Hoàng Sa

09/03/2009 17:19 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) -
Biển là một ngư dân trai trẻ, nước da đen sạm, tóc dài phủ gáy, quê ở đảo Lý Sơn. Tôi quen Biển thật tình cờ. Đó là một đêm mưa bão, tàu đánh cá mà Biển là thủy thủ trẻ nhất dạt vào Bến Nghè, đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị.

Máy hỏng, tàu trôi dạt suốt 3 ngày đêm lênh đênh trên biển cả ngập tràn bão tố. Tàu va vào bãi đá ngầm, vỡ toác. Cả năm người trên tàu đã kiệt sức. Cả năm người đã buộc chân với nhau bằng một sợi dây cước chắc chắn, để nếu có chết thì vẫn bên nhau. Chúng tôi lao xuống tàu, đưa cả năm người lên bờ, đốt lửa sưởi ấm, nấu cơm nóng cho ăn với thức ăn là ruột cây đùng đình kho muối.

Dạo ấy, biển động lâu quá, thực phẩm của bộ đội trên đảo cạn kiệt, nên chỉ còn cây đùng đình mọc hoang trong rừng làm thức ăn chủ lực. Biển, sức trẻ mười bảy nên hồi phục rất nhanh. Biển kể với tôi rằng, ba của Biển nghe đâu đã chết trong một chuyến vượt biên ra nước ngoài, mẹ đi lấy chồng, Biển ở với ông chú là chủ tàu này, mười tuổi đã đi biển, thuộc lòng biển như thuộc lòng bàn tay, nhìn hướng sóng là biết đất liền ở đâu, ngửi mùi tanh của biển biết trời yên trời động…

Nhưng mà, Biển lại chưa biết chữ, bởi có được đi học ngày nào đâu… Biển kể, có những chuyến biển dài ngày, đi giữa đại dương mênh mông vạn dặm, thỉnh thoảng Biển nhìn thấy dải đất mờ xa ở cuối đường chân trời, Biển hỏi chú đó là đâu? Chú dừng tay gỡ cá trong lưới, đứng dậy sửa soạn áo quần, thắp ba nén nhang bái vọng về dải đất xa mờ. “Hoàng Sa!”  - Chú buông độc một câu như một lời thề vậy, chứ không phải như để trả lời câu hỏi của đứa cháu thất học.

Biển, hậu duệ của những thủy binh trong đội Hoàng Sa thuở xưa, trí óc còn chưa khai mở, những đã cảm thấy thiêng liêng bởi hai tiếng “Hoàng Sa”. Biển đã từng nghe người già trong làng kể chuyện, đã có biết bao nhiều người dân của làng đến đó mà không trở về… Đêm ấy, những ngư dân trên con tàu thoát nạn và Biển đã kể cho chúng tôi nghe cuộc đời đi biển đầy giông tố. Họ kể về cái làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn giờ đây vẫn còn các ngôi mộ gió do dân làng lập nên cho những đứa con của làng đã hi sinh ở Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước.

Mỗi lần ra biển, họ đều đến thắp hương khấn vái cầu mong linh hồn bất tử những thủy binh hải đội Hoàng Sa tung hoành một thuở chở che họ vượt qua phong ba bão tố, gặp may mắn hanh thông trong chuyến biển dài… Họ kể, có những lần hải trình đi ngang qua Hoàng Sa, thấy dải đất mờ xa trắng bạc, tất thảy tàu thuyền đều tắt máy, thủy thủ xếp hàng ngang đứng trên bong tàu, thắp nhang vái lạy về phía mảnh đất lênh đênh ngoài khơi xa của Tổ quốc, nơi có thể còn đâu đó hài cốt tổ tiên của họ. Trong trái tim chai sạn một đời bão gió của họ dậy lên niềm thương cây nhớ cội, chợt thấy đau nhói một nỗi niềm… Họ rót chén rượu trắng, hai tay dâng lên trời, rì rầm lời khấn nguyện rồi đổ xuống biển xanh sâu thẳm, như mong được chia sẻ và tạ tội cùng tiền nhân…


Mùa xuân năm ấy, trời yên biển lặng, nắng vàng tan chảy trên đồi cỏ tranh Hải Phòng, Hà Nội ở đảo Cồn Cỏ, đoàn ngư dân gặp nạn được chúng tôi cứu giúp bùi ngùi chia tay, trở về đất liền. Biển, nước mắt đã chảy, nói với tôi ở cầu cảng: “Sang năm em sẽ nhập ngũ, đi bộ đội hải quân!”. Tôi hét với theo Biển trên chuyến tàu đầu năm: “Nhớ học chữ đã, Biển ơi! Không biết chữ, không đi bộ đội được đâu!”. Rồi một thời gian trôi qua, một hôm, bất ngờ chúng tôi nhận được thư của Biển: “Em đang theo học lớp học tình thương, lớp 5 rồi các anh ạ. Ba của em cũng đã trở về, ông đã sống sót nhờ bám được một mảnh ván thuyền vỡ trong cơn bão, rồi được thuyền nước ngoài cứu nạn. Ông biểu em qua bên đó với ông, nhưng em không muốn, em ở đây đi biển quen rồi, em quen ở một mình rồi… Vả lại, em còn phải học nhiều chữ nữa, để đi bộ đội hải quân…

Biển, chàng trai trẻ mang cái tên như chính cuộc đời nhiều sóng gió, cực khổ của em, đã làm cánh lính trẻ chúng tôi xúc động. Chúng tôi cử hạ sỹ Trần Công Thành, người “văn hay chữ tốt” nhất trung đội viết thư trả lời, tiếp tục động viên Biển vượt lên trong cuộc sống. Buổi chiều hôm ấy, xin phép chỉ huy, chúng tôi ra đứng trên mỏm Con Hổ, rồi đi dọc bãi biển Hi-rôn ở mạn đông Cồn Cỏ, phóng tầm mắt ra ngoài khơi xa. Chiều xuân gió biển dịu nhẹ. Một mảnh ván gỗ vỡ ra từ một con tàu bất hạnh nào đó. Một chiếc phao thủng, một cái muôi cơm bằng nhựa, dạt trên bãi cát san hô. Biển xanh quá thể, bất chợt một cậu lính trẻ nào đó buột lên hai tiếng “Hoàng Sa!”.


Chúng tôi dừng bước, và như những ngư dân trên chuyến tàu bị nạn năm nọ, đứng hàng ngang sát mép sóng biển, mặt hướng vọng về phía khơi xa… Trong tim ngân vọng hai tiếng Hoàng Sa. Hoàng Sa ơi, chúng tôi thương nhớ Người lắm lắm!

Trần Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm