'Thần gió Hà thành' và hành trình hơn 20 năm 'làm người tử tế'

24/04/2015 14:16 GMT+7 | Chuyện tử tế


(Thethaovanhoa.vn) - Ban đầu tìm đến với quạt cổ như một nghề kiếm kế sinh nhai, nay sau hơn 20 năm say mê với nghề, “Vua quạt cổ” Trần Công Phúc nhận ra rằng những chiếc quạt không chỉ đem đến cho ông sự nghiệp, cuộc sống mà còn cả cái danh với đời.

Duyên nợ tình cờ

Trước khi bén duyên với nghề phục chế quạt cổ, ông Trần Công Phúc từng làm công nhân hàn áp lực ở Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội trong suốt 15 năm. Thời đấy, đồng lương công nhân không đủ nuôi sống gia đình nên ông phải bươn trải nhiều nghề để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Vốn sẵn có tay nghề, ông thường sửa chữa quạt con cóc, tai voi, điện cơ, rồi góp nhặt những chiếc quạt hỏng, sau đó thay thế, chỉnh sửa rồi treo lên để ai qua thấy ưng ý thì mua.

Vận may đến bất ngờ vào năm 1992 khi ông được một người bà con bán lại cho một chiếc quạt Marelli của Ý từ mớ hàng thanh lý của khách sạn Metropole. Chiếc quạt sau khi được sửa sang lại đã được một vị khách nước ngoài ngỏ mua với giá 200 đô-la, gấp 20 lần so với giá lúc mua về. Mà phải nói thời bấy giờ số tiền đó cũng đáng cả một gia tài.

Kể từ đó, cứ ở đâu người ta rao thanh lý quạt là ông tới thu mua lại để mang về sửa chữa. Ông kể: “Ngày xưa, khi khách sạn Metropole, Nhà hát lớn, Thư viện quốc gia, Bách hóa tổng hợp… bỏ quạt đi để lắp điều hòa, bán thanh lý thì tôi đều mua hết. Rồi nhiều người biết tiếng, họ mua được quạt còn mang đến tận nhà để bán lại”. Thậm chí có lần nhận được điện báo, ông còn lặn lội vào tận Cần Thơ để tìm cho kì được chiếc quạt độc và quý.


Với ông Trần Công Phúc, tất cả những chiếc quạt đều là vật báu vô tình gặp được

Những chiếc quạt cũ mà ông vẫn gọi là “đồ đồng nát” sau khi mang về đều được phục chế lại để trông thật đẹp, chạy thật êm. Thời gian để “trả lại tên” cho một chiếc quạt thường mất khoảng một tuần, nhưng cũng có khi phải mất tới vài tháng. Ông Phúc cho biết điểm khó khăn nhất khi phục chế một chiếc quạt là sửa phần cơ sao cho quạt chạy êm nhất, mà đặc biệt mỗi quốc gia, mỗi loại quạt lại có một bí mật và đặc thù riêng trong thành phần cấu tạo, vì vậy người thợ phải nắm được nguyên lý cấu tạo và tính năng của vật liệu của từng loại. Ông cũng cho hay, để làm được thạo nghề ít cũng phải mất 10 năm học hỏi.


Những chiếc quạt cũ được khoác lên tấm áo mới

Khi được hỏi về số lượng những chiếc quạt đã được phục chế thành công, ông chỉ cười bảo rằng không nhớ nổi con số chính xác, nhưng cũng phải tới hơn nghìn chiếc. Đặc biệt ông tự hào khoe rằng trong suốt hơn 20 năm qua, chưa có bất kỳ chiếc quạt nào phải khiến ông “chào thua”. Chẳng trách mà người ta vẫn gọi ông là “Vua quạt cổ đất Hà thành”.

Gia tài vô giá

Đến nay, trong căn nhà chưa tới 20m2 trên phố Tạ Hiện của ông Trần Công Phúc có khoảng hơn 500 chiếc quạt cổ với đủ kích cỡ, chủng loại và nhãn hiệu khác nhau, từ quạt Marelli đến quạt EMI, Phillips, Chanteur, Calor, Thomson… Với kho báu quý giá của mình, năm 2012 ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất”.


Gia sản đồ sộ của ông Trần Công Phúc

Trong “bảo tàng quạt cổ” của ông, cũng tùy độ hiếm, chất liệu và tuổi đời mà mỗi chiếc quạt có một mức giá khác nhau. Có những chiếc chỉ 5-7 triệu, nhưng cũng có cái trị giá vài chục triệu và thậm chí có cái còn được trả giá hơn trăm triệu, tính chi li ra thì khối tài sản của ông có giá trị không hề nhỏ. Thế nhưng với ông lão đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, sưu tầm quạt cổ không còn là để kiếm kế mưu sinh mà chỉ để thỏa mãn thú vui, niềm đam mê. Giá trị của những chiếc quạt không nằm ở những định lượng kia, mà đối với ông nó thật vô giá!

Được biết chiếc quạt ông từng cất công mang về từ Cần Thơ thuộc loại hiếm trên thế giới, ở Việt Nam hiện nay chỉ có đúng hai chiếc. Cũng bởi độ hiếm và độc của nó mà có không ít người từng tới hỏi mua cho bằng được, thậm chí có một nhà giàu ở Hàng Gai từng trả ông 130 triệu nhưng ông nhất quyết không bán. Ông bảo: “Cổ nhân từng dạy: con trâu chết đi để lại cái da để làm trống, làm giày; còn con người chết phải để lại cái tiếng tử tế. Vì thế nên tôi phải giữ lại một số cái độc nhất vô nhị để người có tiền cũng khó mua được… Sau này để lại cho con cái tiếng tử tế, còn tiền thì không biết bao nhiêu mà đủ”.


Chiếc quạt hiếm và đắt giá

Nghề phục chế quạt cổ quả thực đã từng giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, có thêm đồng ra đồng vào, thế nhưng điều ý nghĩa nhất vẫn là ở những giá trị văn hóa được lưu giữ. Ông cho hay, thời buổi bây giờ có không ít người lắm tiền nhiều của cũng tới hỏi mua quạt để ra vẻ ta đây, nhưng ông đều không bán. Khách hàng từ trước đến nay của ông đều là những người ở tầng lớp trí thức, có văn hóa, biết trân trọng những giá trị thực sự của quạt cổ.

Suốt hơn 20 năm “say” với những chiếc quạt, ông chưa từng bao giờ nghĩ rằng “mớ đồng nát” này sẽ mang lại cho mình danh tiếng. Ấy vậy mà nhờ cái duyên cái quạt cổ, ông từng được gặp gỡ hàng trăm vị khách quý tới mua quạt, trong đó có cả những vị Tham tán, Đại sứ và nhiều nhân vật cấp cao, nổi tiếng trên thế giới. Ông còn được người đời đặt cho không ít những danh xưng mỹ miều, từ “Vua quạt cổ” tới “Thần gió Hà thành” rồi “Người thổi hồn cho quạt cổ”… Âu cũng là cái kết có hậu cho hành trình đi tìm sự tử tế cũng không ít gian truân và vất vả.

Hoàng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm