'San San chân to đi xốp' - trẻ thơ Hà Nội một thời xa vắng

24/05/2015 18:11 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(Thethaovanhoa.vn) - San San chân to đi xốp là tên sách và cũng là biệt danh của nhân vật chính trong truyện, một cô bé đã trải qua thời thơ ấu vào thời bao cấp những năm 70 và 80 thế kỷ trước ở Hà Nội.

Có đến hàng triệu cô bé, cậu bé như vậy, và tác giả chọn San San, một cô bé đặc biệt. Sinh ra ở một khu phố cũ của Hà Nội, suýt bị đẻ rơi ở thư viện, cô bé có “bàn chân hơi to một tí và tính tình hơi khùng một tí”. Sở thích của cô bé là dạo phố trên mái nhà, càng dễ dàng khi có bàn chân to.

Từ góc nhìn trẻ thơ của San San, Hà Nội những năm 80 hiện về sống động qua trang sách: “Buổi chiều, mùi thức ăn bay lên sực nức. Nhà giàu có mùi thịt gà, nhà nghèo có mùi cơm độn và mì trộn rau. Từ trên mái nhà có thể nhìn thấy hông của Nhà thờ Lớn, tường gạch xám cũ kỹ, hai tháp chuông lớn với những cửa sổ hẹp, vòm nhọn phảng phất dáng dấp thâm cung”.


San San chân to đi xốp

Hà Nội khi ấy nhỏ hẹp và giản dị nuôi dưỡng trí tưởng tượng trẻ thơ về những điều xa xôi nhất. Chẳng hạn Phương Tây: người Việt đi Tây, những anh Tây đẹp trai trong phim ảnh, những quả táo Tây, “bánh xà phòng” của Tây (thực ra là phomát), cuộc phiêu lưu của Karik và Valia, xứ sở diệu kỳ của Alice, nước Nga với hàng bạch dương, thủ đô Moscow không tin vào những giọt nước mắt, Buratino mũi dài, Chúa Jesus và Kinh Thánh…

Chẳng hạn thú chơi “con in”, dùng khuôn gỗ khắc hình các con vật hoặc nhân vật trong truyện lên mực rồi in ra giấy, rồi áp giấy đấy lên tay để có hình xăm giả đẹp mắt. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Lãng tử Yến Thanh… thay nhau hiện diện trên cánh tay những đứa trẻ.

Thú chơi khá nghèo nàn so với thời đại nghe nhìn đầy ắp sản phẩm bán sẵn hiện nay, nhưng lại thật khó quên với thiếu nhi ngày ấy.

San San chân to đi xốp không hẳn là tác phẩm có cốt truyện xuyên suốt, mà là tập hợp những mẩu chuyện nhỏ về một quãng thời gian ngồn ngộn kỷ niệm. Ở đó, những đứa trẻ vừa sống giữa cuộc đời, vừa sống trong những trang sách, bộ phim và không gian tâm tưởng.

Không thể coi thường ký ức và văn chương khi biến điều không thể thành có thể: những con người ngày ấy, bây giờ không biết đi đâu về đâu, sống lại một lần nữa trên trang sách như những thước phim tua lại. Các anh bảnh bao đi xe đạp Peugeot tán tỉnh các chị xinh đẹp, bạn trai cùng lớp tên là Sáng chói nhưng lại rất đần, những chuyến tàu Thống Nhất gian khổ nối hai miền tổ quốc và giúp con người gặp gỡ nhau…

Tác giả Quỳnh Lê sinh năm 1976 tại Hà Nội, từng là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam và Văn phòng Thông tấn xã Pháp AFP tại Hà Nội. Hiện chị sống và viết ở nước ngoài.

Bên cạnh tác phẩm của Quỳnh Lê, cuốn sách khi in ra còn có một phần không thể thiếu là hàng chục bức tranh của họa sĩ Kim Duẩn. Không chỉ là minh họa, mỗi bức tranh với nét vẽ đặc trưng quen thuộc gắn chặt với từng mẩu chuyện và trở thành một phần quan trọng của cuốn sách.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm