Ra mắt cuốn sách “Olga Berggoltz của tôi” - Một Olga nhiều hơn ta từng biết

29/11/2010 10:48 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Buổi tọa đàm về cuốn sách Olga Berggoltz của tôi (tác giả Thụy Anh) đã diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 28/11/2010, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ Nga này (1910 - 1975).

Mang dáng dấp một chân dung văn học, Olga Berggoltz của tôi dựng lại cuộc đời của nữ thi sĩ này với đầy đủ những thăng trầm trong số phận: từ khi còn là một cô bé con bắt đầu tập làm thơ, dấn bước vào thế giới thi ca với đủ cay đắng ngọt bùi, qua mọi mất mát, tù tội rồi còn lại một mình, cô đơn với bệnh tật và men rượu. Kèm theo đó là một số bài thơ được tác giả Thụy Anh dịch từ nguyên bản tiếng Nga.


Thật ra, qua những bản dịch của Bằng Việt, thơ Olga sớm được bạn đọc Việt Nam yêu thích và biết đến từ cách đây vài chục năm với những Không đề, Mùa lá rụng, Mùa Hè rớt. Không chỉ ở tình cảm đặc biệt của độc giả Việt Nam với văn học Nga, nói như lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (khách mời tham gia tọa đàm), thơ Olga rất gần với cảm thức phương Đông: có cái nhìn hồn hậu độ lượng, tràn đầy hy vọng và tha thiết về con người, về cuộc sống... Như lời dịch giả Thụy Anh tự nhận: tôi đã tránh chọn dịch một số bài thơ Olga vốn từng khắc dấu trong trái tim người đọc qua những bản dịch của Ngân Xuyên, Bằng Việt. Chính tôi cũng yêu mến những bản dịch đó và khó lòng chấp nhận những phiên bản khác.

Cũng sáng tác thơ và có 17 năm học tại Nga, tình yêu với Olga là lý do chính để Thụy Anh tìm hiểu và thu thập những tài liệu về nhà thơ này như ghi chép, thư từ, hồi ký của nhà thơ và các bè bạn từng gặp bà. Chính trên nguồn tư liệu ấy, chân dung của Olga Berggoltz được chị dựng lại theo từng chặng đường của cuộc đời, với những tâm trạng, cảm xúc khác nhau trước sự thăng trầm cùng vinh quang và cay đắng mà lịch sử nước Nga xô viết mang lại cho nhà thơ. Cùng với đó, những bài thơ được Thụy Anh chọn dịch cũng chia theo các mốc thời gian tương tự.


Thụy Anh và nhà thơ Hữu Việt tại buổi tọa đàm

Đọc Olga Berggoltz của tôi, độc giả bắt gặp một Olga không chỉ nồng nàn trong tình yêu mà còn có những vần thơ khi hài hước tự trào, lúc nghiệt ngã, gay gắt và quyết liệt. Thậm chí, bắt gặp cả sự hi sinh của một nhà thơ tình khi phải để thơ tình “nhường chỗ” cho những bài thơ thời sự, đầy gắp những lời kêu gọi, động viên nhưng đâu đó vẫn thấp thoáng bóng hình những cảm giác sâu kín nhất của con người...

“10 năm đọc về Olga, tôi càng nhận ra một Olga khác, một Olga không chỉ viết những vần thơ tình đắm đuối mà còn là một nhà thơ công dân, gắn chặt với những nỗi đau lớn nhất mà một người phụ nữ có thể trải qua. Chỉ có cách “bước theo” bà trong từng chặng từng chặng thăng trầm của cuộc đời, tôi mới có thể thấu hiểu những gì bà để lại”, dịch giả Thụy Anh cho biết.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm