Oscar 2012: Những bình luận muộn từ Việt Nam

01/03/2012 11:10 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Giải Oscar 2012 đã khép lại vài ngày, nhưng dư âm của nó có lẽ sẽ còn vang vọng nhiều ngày nữa, bởi năm nay có khá nhiều bất ngờ. Từ tinh thần đó, chúng tôi thử tìm hiểu Oscar 2012 có tác động hay để lại dấu ấn gì trong giới làm nghề tại Việt Nam, với vài ý kiến đại diện.

Cũng xin nhắc lại, trong các năm qua, đã có những phim như Áo lụa Hà Đông, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long… từng được Việt Nam giới thiệu tham dự giải Oscar, nhưng tất cả đều không qua được vòng loại.

Bất ngờ

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng việc phim câm The Artist đoạt đến 5 giải Oscar vừa bất ngờ, vừa không bất ngờ. Nếu chỉ xem trailer và nhìn vào tên tuổi diễn viên thì thấy phim chẳng có điểm nhấn nào đáng thu hút, nhưng khi tìm hiểu nhiều hơn, biết nhà sản xuất đứng phía sau, biết cung cách làm phim, nó buộc mình phải đi xem. Đó là chưa nói, trước khi đến với Oscar, The Artist đã đoạt mấy chục giải thưởng lớn nhỏ, điều này làm cho giới chuyên môn phải chú ý đặc biệt.


Phim Khát vọng Thăng Long đã không vượt qua được vòng loại Oscar 2012

Charlie Nguyễn cũng nói rằng, điều làm anh bất ngờ nhất là không khí đón Oscar ở Việt Nam, nó khá tẻ nhạt, đặc biệt trong giới làm nghề, họ thờ ơ, có lẽ do thiếu phương tiện theo dõi trực tiếp và có lẽ họ nghĩ đó là chuyện “của người ta”. “Tôi cũng thế, khi còn ở Mỹ thì dành cả tuần để theo dõi, thấy rất háo hức, về Việt Nam mấy năm nay, như xa mặt cách lòng, nên cũng nguội lạnh. Tuy thông tin về Oscar đã mang tính toàn cầu, nhưng với giới làm nghề như chúng tôi tại Việt Nam, hình như nó chẳng có liên đới điều gì”, Charlie Nguyễn nói.

Nhà phê bình - đạo diễn Bá Vũ thì suy nghĩ khác: “Điện ảnh Mỹ hùng mạnh luôn đặt tính thương mại lên hàng đầu. Họ gặt hái hàng tỷ đô-la Mỹ mỗi năm, nhưng mỗi khi đến mùa Oscar, 6.000 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ - những người được quyền bỏ phiếu bình chọn - ít khi nào bị lung lay bởi những con số của phòng vé. Những lá phiếu của họ luôn trung thực và “vị nghệ thuật”, ví dụ khi trao 5 giải hàng đầu cho một bộ phim Pháp (The Artist) - đất nước luôn chỉ trích điện ảnh Mỹ quá xem trọng tính thương mại. Những lá phiếu ấy cũng không hề bị tác động bởi yếu tố chính trị khi trao giải Phim nước ngoài hay nhất cho Iran - đất nước hiện vẫn đang ở thế đối đầu với nước Mỹ. Chính vì thế, nếu phim Việt Nam đủ đẳng cấp, thì cánh cửa Oscar vẫn sẽ rộng mở, có rất ít sự kỳ thị ở đây”.

Cảm phục phim Iran

“Tôi không giấu được cảm xúc khi Sandra Bullock trao Oscar cho phim A Seperation (Sự rẽ chia) của Iran. Từ lâu tôi đã là một fan “bự” của phim Iran, tôi cảm phục cách mà các nhà điện ảnh Iran phải vượt qua hàng núi trở ngại để làm phim. Chúng ta ở Việt Nam làm phim vẫn thường hay than phiền về sự khó khăn của hội đồng duyệt. Nhưng so với Iran tất cả sự khó khăn đó chỉ là…  “muỗi”! Ở đó các nhà làm phim có thể bị cấm làm phim trong một thời gian dài, bị giam giữ thậm chí bị trục xuất khỏi đất nước… tùy thuộc vào mức độ vi phạm của bộ phim về những điều mà tôn giáo cấm kỵ. Ấy vậy mà phim của Iran đã nhiều lần được tôn vinh tại các LHP quốc tế. Giải Oscar lần này của Iran là một “kết thúc có hậu”, để chính thức hóa vị thế “cường quốc mới” của điện ảnh châu Á”, Bá Vũ tâm sự.

“Tôi ít quan tâm đến giải Oscar, trừ hạng mục Phim nước ngoài hay nhất, vì ở đó còn có những phim ít chịu lệ thuộc vào thương mại và nhiều tính nghệ thuật hơn. Phim Iran nhận giải năm nay là một bài học lớn cho những nước yếu kém về điện ảnh như Việt Nam, vì họ đã chứng minh được rằng tiền và máy móc chẳng là gì, nếu đoàn phim đó thiếu ý tưởng và tài năng. Tôi nghĩ các nhà làm phim tại Việt Nam nên học cách của họ để có thể tìm ra con đường riêng cho mình, như vậy mới mong một ngày nào đó phim của ta sẽ được xướng tên tại Oscar”, nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng nói.

Charlie Nguyễn cho rằng, ngoài kịch bản hay, cách kể chuyện xúc động thì Iran đã có được thị trường điện ảnh đích thực, mà ở đó có nhiều cá nhân tài năng, đồng đều về đẳng cấp. “Họ có những cá nhân chịu dấn thân cho điện ảnh đích thực, ở đó yếu tố thương mại, sự thiếu thốn về vật chất và sự kiểm duyệt không ngăn lối họ được. Điện ảnh Việt Nam thì mới hồi sinh gần đây, nên các nhà sản xuất mới dám đầu tư cho phim thương mại - vốn có nhiều ràng buộc ngoài nghệ thuật - nên các đạo diễn gần như bị trói tay chân. Muốn giống như Iran, chúng ta phải cần một thời gian nữa, khi thị trường điện ảnh thực sự hình thành, trong đó có nhiều cá nhân dám xả thân cho nghệ thuật”, Charlie Nguyễn khẳng định.

Hà Vũ Trọng thì nghĩ rằng, từ cái cách mà Iran làm phim A Seperation đã cho thấy họ không nhiều điều kiện hơn Việt Nam, cái chính là họ có ý tưởng mới lạ, ý chí thực hiện mãnh liệt và một quan niệm lành mạnh về phim ảnh.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm