Những ông chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

30/04/2011 16:35 GMT+7 | Đời sống

Chưa hết xót ruột, đau đầu vì tiền chi tiêu mỗi tháng cứ ngày một đội lên, chị Nhung lại thêm bực mình khi suốt ngày nghe chồng than vãn rằng vợ chi tiêu hoang phí.

Chị Nhung sống tại Long Biên, Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, một ngày 3 người nhà chị (gồm vợ - chồng và một đứa bé 2 tuổi) chi tiêu mất khoảng 70 ngàn đồng thì từ đầu tháng 12/2010 đến nay, mỗi ngày chưa kể tiền sữa, bỉm, hoa quả, sữa chua,… cho em bé, mỗi ngày nhà chị phải mất hơn 100 ngàn đồng để phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

Chị tính đơn giản, mỗi lạng thịt bò cho em bé giờ đây cũng tăng lên 5 ngàn đồng so với trước, đó là chưa kể giá các loại thịt lợn, gà, hay rau củ quả cũng đều tăng chóng mặt. Điều này khiến cho chị phải tính toán rất kỹ để chi tiêu làm sao vừa tiết kiệm nhưng lại vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Trước khi ra chợ, bao giờ chị Nhung cũng nhẩm tính trước những thức ăn định mua trong ngày và mang một lượng tiền vừa đủ để chi tiêu.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, do tác động của “cơn bão giá” nên dù chính tay chị chi tiêu, mua bán nhưng lúc nào chị cũng có cảm giác như “bị mất cắp” tiền trong ví. Bực mình hơn là dù có kĩ càng tính toán bao nhiêu thì chồng chị không những không cảm thông cho vợ mà suốt ngày cằn nhằn, cau có cho rằng vợ chi tiêu hoang phí.

Bực mình hơn cả là không những không chia sẻ cùng vợ, anh Tùng chồng chị Nhung vốn thuộc tuýp người “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” ngoài việc kêu than: “Sao em tiêu gì nhiều thế, anh vừa mới lấy tiền đưa cho em mới được mấy hôm mà đã gần hết” thì mỗi lần chị đi chợ về anh còn “tranh thủ” vội vàng kiểm kê xem vợ mua những gì, hết bao nhiêu tiền rồi lại lầm bầm trách vợ.

Chị Bích ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng cho biết, trước đây tuần nào chị cũng “lượn” qua các shop thời trang cả vài lần để ngắm và mua sắm quần áo, nhưng từ khi giá cả các mặt hàng tăng cao chị cũng “từ bỏ” luôn sở thích này. Ấy vậy mà mỗi lần chị nói với anh Trung- chồng chị là đưa chị tiền để đi chợ và mua thức ăn thì anh đều tỏ ra ngạc nhiên và có thái độ “nghi ngờ” vợ giống như kiểu chị mang tiền cho ai đó không bằng. Gần đây nhất, anh Trung còn hầm hầm bảo vợ: “Em đúng là cái máy tiêu tiền. Ăn nem công, chả phượng gì mà hết chừng ấy tiền?” khiến chị ứa nước mắt.

Chị Bích bảo, mặc dù rất bức xúc nhưng chị cũng chả thể nào chứng minh được cho chồng thấy rằng những khoản chi tiêu của chị là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, vì cũng giống như chị Hoa, từ trước đến giờ, chị Bích cũng không có thói quen ghi lại tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình, dù công việc này cũng chả tốn nhiều thời gian và công sức. Mặt khác khi nghĩ đến cái bản tính chi li quá thể của chồng chị cũng không muốn phân vua nữa làm gì để “chỉ tổ thêm ỏm nhà”.

Kể từ sau lần đó, để anh Trung “tâm phục khẩu phục” chị Bích đã cẩn thận ghi lại tất cả các khoản chi tiêu trong một ngày lại và trước khi bảo anh Trung đưa tiền chị lại đưa cái bản kê khai “chứng từ” ra để làm “bằng chứng”, khẳng định mình rất “minh bạch” và tiết kiệm trong vấn đề chi tiêu. Với bằng chứng rõ ràng, anh Trung chồng chị không còn dám phàn nàn và so sánh chị với “cái máy tiêu tiền” nữa. Có lẽ, anh đã phần nào hiểu thế nào là “bão giá” - điều mà các ông chồng chẳng mấy khi để ý và quan tâm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với những ông chồng quá “tiểu tiết” và cân đo đong đếm mọi thứ như vậy thì việc ghi lại tất cả những khoản chi tiêu trong một ngày của các bà vợ không những giúp cho các đức ông chồng “tâm phục khẩu phục” cách “điều hành” của vợ mình mà còn giúp cho chị em nhìn thấy được cụ thể, những khoản chi nào là hợp lý, và những khoản nào là chưa hợp lý, từ đó rút kinh nghiệm trong việc chi tiêu những lần sau. Điều này cũng rất có ích đối với các gia đình trong việc đối phó với “cơn bão giá” hiện nay.

Theo Afamily

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm