Những người tôi gặp

27/02/2009 23:57 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Thực tế từ những chuyến không chỉ cho tôi những bài học từ cuộc sống, mà còn cho tôi gặp được những con người rất nghị lực. Những con người ấy đáng để cho tôi phải suy nghĩ, phải trăn trở lại bản thân mình.

Những ngày đầu bước vào nghề làm báo, tôi được một đồng nghiệp rủ đi viết về một cô gái tật nguyền, nhưng lại có năng khiếu vẽ tranh bằng… chân. Con đường núi gồ ghề gần 40km rồi cũng dẫn chúng tôi đến nhà em. Mái nhà tranh lụp xụp nép mình bên góc đường, nhưng chỉ cần hỏi nhà của cô gái vẽ tranh bằng chân là ai cũng biết. Vừa vào tới sân nhà, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh của một cô gái đang nằm sõng soãi trên nền nhà, đôi mắt đang hướng ra phía đường. Biết là khách lạ nhưng cô gái vẫn lễ phép mời chúng tôi vào nhà bằng những lời nói rất khó nhọc.
 
(Cô gái vẽ tranh bằng chân Huỳnh Thị Thảnh)
 
Cô gái có tên Huỳnh Thị Thảnh, 18 tuổi ở thôn Hải Tân, xã Hương Bình, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau một hồi chào hỏi, Thảnh lần mình dưới nền nhà, đưa chân kẹp giấy bút rồi bắt đầu vẽ tranh cho chúng tôi xem. Những bức tranh được Thảnh vẽ trên chính đôi chân tật nguyền của mình, cũng chính là ước mơ về một cuộc sống bình thường của một cô gái tật nguyền. Nhìn Thảnh quằn mình dưới nền nhà, chân kẹp bút chì vẽ ước mơ của mình lên trang giấy, chúng tôi mới thấy hết nghị lực và niềm đam mê của một cô bé tật nguyền rất đỗi thông minh này.
 
(Bức tranh “một gia đình”, cũng là ước mơ của Huỳnh Thị Thảnh)
 
Những bức tranh được Thảnh vẽ bằng chân đều tập trung vào chủ đề bạn bè, gia đình, và cũng được em gọi bằng những cái tên rất riêng của mình. Lật xem lại bức tranh có hình ảnh người mẹ bồng con, Thảnh vừa chỉ vừa nói với chúng tôi: “Đây là bà ngoại, đây là mẹ và em ở đây. Mẹ đang bồng em đó. Cả nhà em chuẩn bị đi chơi”. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt khi em nói đến đây, song khi nhìn sang bên cạnh, chúng tôi thấy mẹ em đang phải cố nhướng chân mày, nuốt những giọt lệ đắng chát vào lòng trước những lời nói ngây thơ của con trẻ.

Nhìn em quằn mình trên nền nhà, xoay đủ mọi kiểu nằm để kéo những nét vẽ thành hình, rồi đưa bàn chân hất, lựa chọn màu tô tranh cho phù hợp. Nghị lực của Thảnh cũng chính là niềm an ủi, động viên tinh thần thêm cho mẹ em mỗi ngày. “Em sẽ cố gắng vẽ thật nhiều tranh rồi đem bán để lấy tiền sửa nhà, mua thuốc cho mẹ và mua thức ăn cho ngoại, cả cho em nữa. Sắp mưa rồi”, Thảnh nói rất hồn nhiên. Bên cạnh, tất cả chúng tôi đều lặng lẽ, ai cũng có một suy nghĩ riêng cho mình khi nghe một cô bé tật nguyền thốt ra những lời như vậy. Khi mà mười tám năm qua, khoảng không gian mà em biết và tiếp xúc chỉ là nền nhà, mẹ, ngoại và bút chì, sáp màu…

Mai Vũ cậu bé 13 tuổi mà tôi gặp lại cuộn tròn người để vẽ tranh… bằng chân.
 
(Bé Mai Vũ phải cuộc tròn người lại để vẽ tranh)
 
Lúc mới tập, nét vẽ còn thô, nên em chủ yếu vẽ trên nền nhà, hai ngón chân cũng bị toét ra vì đau. Lâu dần, Vũ vẽ lên những trang vở đã kín chữ của người chị gái bỏ đi. Thấy Vũ say mê vẽ, “em đã mua cho Vũ một quyển vở mới để nó có thể vẽ những gì mà Vũ nghĩ ra” - chị gái Vũ cho hay. Để rồi, hơn sáu năm trở lại đây, những nét vẽ đã được đôi bàn chân Vũ đi hết quyển vở này đến quyển vở khác, mà cả gia đình cũng không ai còn nhớ là Vũ đã vẽ hết bao nhiêu cuốn vở rồi. Để những nét vẽ của mình thành hình hài, Vũ phải cuộn tròn mình lại. “Những lúc như vậy, ruột gan chúng tôi quặn thắt lại, nhưng không cản được vì đó là niềm vui, niềm đam mê của nó mà. Ngồi bên xem nó vẽ, coi như đó là nguồn động viên duy nhất mà mình dành cho cháu”, bố Vũ xúc động. Không chỉ vẽ được tranh, Vũ đã tự uống nước, xúc cơm ăn, bật quạt, ti vi… bằng chân. Nhìn Vũ choài chân lết trên nền nhà, rồi tâng quả bóng trên đôi chân, đánh đầu, hay để lấy cốc nước mời chúng tôi uống, mới thấy hết niềm sống của cậu bé tật nguyền. “Em thích vẽ những chiếc thuyền, bởi vì nó có thể chở em đi thật xa, tung cánh với mây trời, cùng với bạn bè ở lớp học. Em cũng sẽ tập để có thể tự làm mọi việc trong nhà, nhất là cho em, để bố mẹ làm việc kiếm tiền mua gạo nữa”, Vũ cố nói thành câu.
Hoàn cảnh của người đàn bà 3 lần làm…mẹ để nuôi 3 thế hệ khiến tôi cứ mãi trăn trở, nghĩ suy.
 
Bà tên là Hà Thị Miên (90 tuổi) trú tại 3/20 đường Nguyễn Gia Thiều, phường Phú Hậu, Tp.Huế. Chồng chết khi đứa con trai vừa tròn 12 tuổi, một mình bà nhặt rác, làm thuê nuôi con khôn lớn. Những tưởng cuộc đời bà sẽ có ngày hạnh phúc, nào ngờ đứa con trai duy nhất của bà cũng cùng vợ bỏ mẹ, bỏ nhà đi vì nợ nần, để lại căn nhà trống trơn với hai đứa cháu nội cho bà nuôi. Nhọc nhằn kiếm từng đồng tiền nuôi cháu, đến lúc “đủ lông đủ cánh”, những đứa cháu cũng bỏ bà theo bố mẹ vào Nam sinh sống.
 
(Bà Hà Thị Miên, người đàn bà nuôi ba thế hệ)
 
Nuôi con rồi nuôi cháu, bà chưa một ngày được báo hiếu, thì một lần nữa bà tiếp tục cưu mang đứa chắt ngoại mới ba tháng tuổi mà đứa cháu nội “trót lỡ” sinh ra rồi bỏ lại cho bà. Một mình lo miếng ăn hàng ngày đã khó nay lại thêm đứa chắt còn đỏ hỏn, luôn trong hoàn cảnh “khát” sữa mẹ. Bà phải mò mẫm nhặt rác, nhặt củi để bán kiếm ít tiền nuôi đứa chắt oặt oẹo vì thiếu sữa mẹ. Đứa chắt ngoại ấy là Huỳnh Thị Ngọc Bích, năm nay cũng đã 8 tuổi, đang học lớp 3 trường THCS Phú Hậu. Cuộc sống của hai cố cháu bà luôn trong tình cảnh… thiếu trước, hụt sau. Những lúc đau ốm, bà không lo cho mình mà lại lo cho đứa chắt bởi bà sợ khi bà về với tổ tiên, sẽ không có ai để lo cho nó nữa. “Tui chỉ lo một điều là nếu tui chết đi, ai sẽ lo cho nó khi nó chỉ biết tui là người thân duy nhất. Tội thân con bé”, bà nhìn vào khoảng không xa xăm. Khi tôi hỏi bé Ngọc Bích, nếu một ngày cố ngoại con không còn trên cõi đời này, con sẽ sống cùng ai khi không có một người thân ruột thịt nào khác. Câu trả lời của cô bé khiến tôi giật mình và không khỏi suy nghĩ: “Cố ngoại chết, con sẽ lên chùa”.
 
Vẫn còn đó rất nhiều trường hợp mà tôi đã gặp. Mỗi người đều mang trong mình một số phận, một hoàn cảnh riêng nhưng đều đáng để cho tôi trăn trở, học hỏi. Những con người ấy đã, đang và sẽ cho tôi thêm niềm tin, nghị lực để vững bước trong cuộc đời này.

NGÔ THỊ MINH PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm