Những hậu vệ huyền thoại (tiếp theo & hết)

23/03/2009 19:24 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH CT) -Trong bóng đá cổ điển, hậu vệ có vai trò đơn điệu là cắm chốt ở phần sân nhà, ngăn cản không cho đối phương làm bàn. Sự hiện diện của họ trong trận đấu là rất dễ nhận ra, nhưng chủ yếu bị coi là những con người âm thầm không nổi danh. Người ta thường tụng ca các chân sút chứ hiếm khi tôn vinh hàng phòng ngự. Nhưng rồi, bóng đá thay đổi…

Dần dần, khái niệm hậu vệ không chỉ gói gọn vào những cú tắc, phá đường chuyển, nhảy lên tranh chấp bóng theo kiểu 50-50 nữa. Họ trở thành những cầu thủ khéo léo hơn và mang tố chất điền kinh nhiều hơn để đóng một vai trò không thể thiếu trong cả chiến thuật tấn công của toàn đội.

Một số hậu vệ chẳng khác gì “máy nổ”, những “người không phổi” hoạt động chóng mặt ở hai bên cánh, cung cấp các đường chuyền kiến thiết lợi hại vào vòng cấm địa. Một số khác thậm chí còn sẵn sàng bó vào giữa, chơi như tiền vệ trong khi vẫn luôn sẵn sàng lùi về thực hiện nhiệm vụ chính là phòng ngự khi đối phương có bóng.

Bóng đá hiện đại ngày càng chứng kiến sự linh hoạt hơn của hậu vệ. Và danh sách các gương mặt huyền thoại dưới đây chính là những cầu thủ phòng ngự đi tiên phong cho cuộc cách mạng đó. Nói một cách khác, họ là những hậu vệ luôn hướng về phía trước. Đừng ngạc nhiên khi danh sách này không phải là Top 10 như thường lệ mà là “chẵn chòi” một đội hình tới 11 huyền thoại. Lí do đơn giản: Thật khó loại bỏ một ai trong số họ!
 
 
6. Elias Figueroa

ĐT Chile (1964-1982)

Union La Calera (1964), Santiago Wanderers (1965-1966), Penarol (1967-1972), Internacional (1972-1976), Palestino (1977-1980), Ford Lauderdale Strikers (1981), Colo-Colo (1982)

Đây là cái tên luôn đứng đầu danh sách các cuộc bình chọn “Cầu thủ vĩ đại nhất Chile mọi thời đại”. Không chỉ được tôn vinh trong nước, Figueroa cũng nhận được sự ca tụng trên thế giới với các danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ” các năm 1974, 1975 và 1976. Cũng năm 1976, ông còn được FIFA bình chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”.
 
Elias Figueroa

Biệt danh là “Don Elias”, Figueroa chơi ở vị trí trung vệ nhưng tầm ảnh hưởng lại rộng khắp sân, đặc biệt trong vai trò thủ lĩnh đội bóng. Ông dẫn dắt Chile ở 3 kỳ World Cup liên tiếp từ 1966 và dù ĐT này không lần nào vượt qua vòng 1, ấn tượng nhất là Figueroa được bình chọn là “Hậu vệ hay nhất” của World Cup 1974. Danh hiệu đó đủ nói lên nhiều điều.

7. Gaetano Scirea

ĐT Italia (1972-1988)

Atalanta (1972-1974), Juventus (1974-1988)

Nói đến Italia là nói đến những hậu vệ lừng danh thế giới. Nhưng nổi nhất trong hàng ngũ đó thì chính là Scirea. Sự xuất sắc của Scirea buộc một hậu vệ huyền thoại khác là Franco Baresi phải ngậm ngùi ngồi ngoài, không có chỗ trong ĐTQG mãi đến năm 1986, khi sự nghiệp Scirea sắp bước vào hồi kết.
 
Gaetano Scirea, libero huyền thoại của Juventus 

Cũng là một hậu vệ thòng nhưng Scirea không có khuynh hướng tấn công như “Hoàng đế” Beckenbauer, cũng không quá chú trọng vào phòng ngự như Baresi. Ông là sự tổng hợp của cả hai phong cách trên, nhuần nhuyễn giữa khả năng bảo vệ khung thành nhà lẫn công phá khung thành đối phương. Scirea ghi tới 24 bàn trong thời gian khoác áo Juventus và 2 bàn cho ĐT Italia.

Nhưng điều đáng kể nhất, Scirea nổi tiếng khắp làng túc cầu thế giới về phong cách chơi đẹp, chưa bao giờ bị thẻ đỏ hay treo giò trong suốt sự nghiệp. Đó là một thành tích quá ấn tượng nếu căn cứ vào vai trò khó khăn mà Scirea giữ trên sân cỏ.

Scirea có ít danh hiệu tưởng thưởng cá nhân nhưng ai theo dõi lịch sử bóng đá cũng đều hiểu tầm quan trọng của ông với ĐT Italia và CLB. Ông đoạt 7 Scudetto cùng Juventus, 2 Cúp Italia, 1 Cúp UEFA, 1 Cúp C3, 1 Cúp C1. Bộ sưu tập này giúp Scirea gia nhập nhóm ít ỏi những cầu thủ đoạt mọi danh hiệu quốc nội và quốc tế ở cấp CLB. Ông cũng là nhà vô địch World Cup 1982.

Scirea chết bi thảm trong một tai nạn giao thông không lâu sau khi giải nghệ.

8. Franco Baresi

ĐT Italia (1977-1997)

AC Milan

Giống như Beckenbauer, Baresi đưa vai trò libero lên khái niệm hoàn hảo trong hai thập kỷ gắn bó với AC Milan. Nhưng khác với Beckenbauer, Baresi tập trung hơn vào nhiệm vụ phòng ngự, bảo bọc cho hàng tiền vệ và ngăn chặn đối phương đang lăm le xâm nhập vòng cấm địa.
 
Baresi, chốt chặn "thép" của Milan

Nói như vẫn không có nghĩa Baresi hiếm khi lên tấn công. Song, nổi bật nhất trong cách chơi của ông là phòng ngự và thu hồi bóng. Baresi có một sự nghiệp rực rỡ với Milan, đoạt 6 Scudetto, 3 Cúp C1 và 4 Siêu Cúp Italia. Trên đấu trường quốc tế, Baresi cũng có tên trong danh sách Thiên Thanh vô địch World Cup 1982 nhưng khi đó ở tuổi 22, ông là dự bị cho Scirea và không được sử dụng. Phải đến World Cup 1990, Baresi mới thực sự có chân ở ĐTQG. Ông là đội trưởng Thiên Thanh thua Brazil trong trận chung kết World Cup 1994 và chính là một trong những người đá hỏng ở loạt luân lưu (dù sau đó, Baresi không bị chỉ trích dữ dội như “tội đồ” Roberto Baggio).

Ảnh hưởng lớn nhất của Baresi với lịch sử hậu vệ được thể hiện qua người kế tục là Paolo Maldini, cũng có tên dưới đây.

9. Lothar Matthaus

ĐT Đức (1979-2000)

Borussa Monchengladbach (1979-1984), Bayern Munich (1984-1988, 1992-2000), Inter Milan (1988-1992), New York/New Jersey Metrostars (2000)

Được xem là người “thừa kế” của libero hay nhất thế giới Beckenbauer, Matthaus có cách chơi tương tự, giành phần lớn thời gian cho khu vực giữa sân. Với khả năng chuyền và sút siêu hạng, ông thực sự là một mũi nhọn đáng gờm cho hàng công mà biểu hiện cụ thể bằng 184 bàn trong sự nghiệp.
 
Lothar Matthaus, libero lừng danh của Đức 

Nhưng không chỉ tấn công, Matthaus còn phòng ngự xuất sắc với nhiệm vụ thường xuyên là khóa ngôi sao hay nhất của đối phương. Ở World Cup 1986, trong trận chung kết, Matthaus đã chơi tuyệt hay trong khi ngăn cản “Cậu bé vàng” Diego Maradona không cho tỏa sáng. Dù Argentina sau đó vẫn thắng, Maradona đã thừa nhận rằng Matthaus chính là đối thủ hay nhất ông từng gặp.

Dù dừng bước trước vinh quang năm 1986 đó, Matthaus có nhiều dịp khác để ăn mừng. Ông đoạt 7 đĩa bạc Bundesliga (đều cùng Bayern Munich), 3 Cúp Đức, 1 Scudetto và 2 Cúp UEFA. Matthaus cũng được tôn vinh “Quả bóng Vàng” năm 1990 và “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” của FIFA năm 1991. Ông dẫn dắt Tây Đức vô địch World Cup 1990. Cộng thêm chức vô địch EURO 1980, Matthaus có mọi danh hiệu quốc nội và quốc tế, ngoại trừ Cúp C1/Champions League. Đó là sự kém hoàn hảo một cách thiếu may mắn khi 2 lần, Matthaus thua trong các trận chung kết Cúp C1/Champions League (trước Porto năm 1987 và trước M.U năm 1999). Dù sao, vinh quang và thành tựu của ông cũng khiến mọi cầu thủ khác phải ghen tị.

10. Paolo Maldini

ĐT Italia (1984-)

AC Milan

Cũng như người dẫn dắt mình là Baresi, Maldini chơi trọn đời ở San Siro. Và câu chuyện Baresi-Maldini có thể coi là cuộc kế tục hoàn hảo trong lịch sử bóng đá. Maldini cũng giữ vai trò đội trưởng CLB, là một trụ cột truyền cảm hứng và mang tính biểu tượng. Nhưng quan trọng nhất, Maldini cũng rất thành công.
 
Maldini, "cây trường sinh" của Milan

Công việc lau chùi những chiếc cúp đoạt được chắc hẳn làm Maldini phải mất nhiều sức lực. Huyền thoại vẫn đang thi đấu này có 7 Scudetto, 1 Coppa Italia, 4 Siêu Cúp Italia, 5 Champions League, 1 World Club Championship. Năm 1994, Maldini trở thành hậu vệ đầu tiên được nhận danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” do tạp chí World Soccer bình chọn.

Chơi linh hoạt, hoàn hảo ở cả vị trí hậu vệ trái lẫn trung vệ, Maldini là chốt chặn hay nhất thế giới thời của mình. Sau khi Baresi giải nghệ, Maldini chủ yếu chơi ở trung tâm hàng phòng ngự ở cả AC Milan lẫn ĐT Italia. Hiện Maldini vẫn là cầu thủ nhiều lần khoác áo ĐTQG nhất với 126 lần, trong đó 74 lần đeo băng đội trưởng (cũng là 1 kỷ lục).

11. Roberto Carlos

ĐT Brazil (1990-)
Uniao Sao Joao (1990-1993), Palmeiras (1993-1995), Inter Milan (1995-1996), Real Madrid (1996-2007), Fenerbahce (2007-)

Tiếp tục phát huy truyền thống những hậu vệ cánh xuất sắc do bóng đá Brazil sản sinh, Carlos vẫn đang miệt mài trên sân cỏ dù đã ở đoạn cuối sự nghiệp.
 
Siêu hậu vệ trái Carlos

Anh xây dựng thương hiệu cho mình trong lịch sử bóng đá như là một chân sút phạt siêu hạng, ghi nhiều bàn quan trọng cho cả CLB lẫn ĐTQG. Người ta sẽ nhớ mãi đến “vật thể bay lạ” trong trận gặp Pháp từ khoảng cách 30 mét làm một thủ môn lừng danh như Fabien Barthez phải bàng hoàng. Những đường bay tuyệt vời đó mang dấu ấn rất riêng. Sau này, nhiều chuyên gia sút phạt khác cũng học tập cách đá của Carlos mà điển hình là Cristiano Ronaldo.

Dù tỏa sáng ở mọi màu áo từng khoác, Carlos cũng có một sự nghiệp khá nhiều tranh cãi. Anh bị báo chí Brazil bêu riếu khi không kèm Thierry Henry ở World Cup 2006 vì bận…sửa sang lại tất! Henry tranh thủ thời cơ, ghi bàn duy nhất và Carlos phải chịu mọi chỉ trích. Hay vụ buông lỏng cho Roy Makaay ghi bàn thắng sớm ở vòng knock-out Champions League 2006-2007 khiến Real Madrid tan tành hy vọng. Tuy nhiên, những ví dụ kể trên chỉ cho thấy một điều là không ai hoàn hảo cả. Carlos vẫn xứng đáng có tên trong những hậu vệ huyền thoại mọi thời đại.

Trung Sơn (Hong Kong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm