Những bê bối ở FIFA: Do tiền bạc & tổ chức

05/06/2011 06:03 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Kể từ khi thành lập, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã lớn mạnh không ngừng và hiện đã có hơn 200 thành viên trên toàn cầu, còn đông hơn số thành viên của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, những vụ bê bối nối dài gần đây có thể đẩy tổ chức này vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Câu hỏi đặt ra là tại sao một định chế lâu đời như vậy lại có thể trở nên đầy bất ổn chỉ sau vài tháng. Có vẻ như chính sự lớn mạnh của FIFA, nguồn tiền bạc khổng lồ đổ vào đó và chính cách tổ chức đã ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành của nó.

Tiền, rất nhiều tiền

Chủ tịch FIFA Blatter - Ảnh Getty

Những vết thương do chính FIFA tạo ra cho mình đang ngày càng lớn dần. Cuộc chiến quyền lực giữa Sepp Blatter, đương kim Chủ tịch FIFA và Mohamed Bin Hammam, người thách thức nay đã bị loại vì bê bối, diễn ra đúng vào lúc tổ chức này đang đạt đến những đỉnh cao về tài chính chưa từng có từ trước đến nay. FIFA đã thu được hàng triệu triệu USD từ tiền tài trợ và bán bản quyền truyền hình chỉ riêng cho các kỳ World Cup trong khoảng hai thập niên trở lại đây.

Tại đại hội toàn thể đã khai mạc, báo cáo tài chính cho thấy doanh số của FIFA trong giai đoạn 2007-2010 (trong đó năm 2010 là năm có kỳ World Cup hoành tráng ở Nam Phi) lên tới 4,2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận ròng là 630 triệu USD. Hai kỳ World Cup tiếp theo, ở Brazil năm 2014 và Nga năm 2018, gần như bảo đảm chắc chắn nguồn thu của họ sẽ còn tăng cao nữa khi mà mọi nhà tài trợ, đầu tư, kinh doanh và quảng cáo, ngay trong thời buổi khủng hoảng kinh tế này, đều rất khát cơ hội ở hai thị trường mới mở vào loại lớn nhất hành tinh (có lẽ chỉ sau Trung Quốc, nơi World Cup rồi cũng sẽ đến trong tương lai gần và Ấn Độ, nơi bóng đá chưa thực sự vững chân).

Nhưng có vẻ như chính nguồn lợi khổng lồ đó là một phần nguyên nhân gây ra những trục trặc vừa qua tại FIFA. Một cuộc đua quá khốc liệt giành quyền đăng cai hai kỳ World Cup 2018 và 2022 kết thúc với hai kẻ thắng cuộc, Nga và Qatar, nhưng quá nhiều người thua cuộc, cay cú và giận dữ. Những nhà tài trợ và các đài truyền hình tham gia cuộc đua chia miếng bánh lợi nhuận ngay từ bây giờ trong khi trên chính trường bóng đá, những món nợ cũ được lật lại, những món nợ mới chồng chất thêm và gây ra tình trạng hỗn loạn như hiện giờ.

Cho tới giờ, những người dẫn đầu phe chống đối có vẻ mới nói một thứ ngôn ngữ, tiếng Anh. Liên đoàn bóng đá nước này (FA) liên minh với cả hai nhánh hành pháp và lập pháp, đã công khai gọi tiến trình bỏ phiếu bình chọn nước đăng cai World Cup là gian lận. Tuy nhiên, có vẻ như người Anh không tìm thêm được nhiều đồng minh. Nếu như năm ngoái, các tờ báo nước này đã khiến hai ủy viên Ủy ban Điều hành FIFA (Exco), cơ quan quyền lực nhất của tổ chức có quyền bỏ phiếu bầu chọn nước đăng cai World Cup, mất ghế thì năm nay, Blatter đã có thể tạm dẹp yên những trò trả đũa của các nước thua cuộc.

Có vẻ như quyền lực tài chính đã giúp nhà lãnh đạo người Thụy Sĩ duy trì được sức nặng trong tiếng nói của ông. Toàn bộ tổng hành dinh của FIFA đặt tại Zurich có khoảng 380 người, cả quan chức và nhân viên, nhưng họ hưởng mức lương trung bình lên tới 170.000 USD. Đó là chưa kể, một khoản tiền lên tới 290 triệu bảng trong phần chi phí của FIFA được liệt kê ở mục “khác” (bao gồm chi phí công nghệ thông tin, đi lại, PR...) trên báo cáo thường niên của họ.

Chẳng ai muốn đi

Vì thế, dễ hiểu là không ai muốn rời khỏi một vị trí trong Exco, chứ đừng nói chiếc ghế Chủ tịch FIFA. Kể từ khi thành lập 107 năm trước, tính đến nay FIFA mới trải qua tám đời chủ tịch. Đáng nể hơn, ba vị chủ tịch gần đây nhất chia nhau tại vị đã được nửa thế kỷ. Stanley Rous, một người Anh, làm Chủ tịch FIFA 13 năm, từ 1961 đến 1974. Sau đó là Joao Havelange, đến giờ vẫn là kỷ lục gia trong số các chủ tịch FIFA, với 24 năm, từ 1974 đến 1998. Blatter khó lòng phá nổi kỷ lục đó, nhưng ông hẳn cũng đã hài lòng với việc đảm nhận cương vị tối cao của làng bóng đá thế giới suốt từ năm 1998 đến nay.

Hơn thế nữa, nhà lãnh đạo người Thụy Sĩ được ngồi trên chiếc ghế êm ái ở Zurich đúng vào thời kỳ bóng đá phát triển có thể nói là rực rỡ nhất, khi toàn cầu hóa, sự phát triển của công nghệ, truyền thông và truyền hình đã biến nó thành một môn thể thao vua đích thực, không chỉ về quy mô, tầm ảnh hưởng, người hâm mộ, danh tiếng của các ngôi sao, mà cả về tầm vóc các giải đấu và sức mạnh tài chính vô song của những kỳ World Cup.

Không phải đơn giản mà Blatter có thể nắm quyền và khuất phục gần như mọi thế lực chống đối trong một thời gian dài như vậy, khi mà lợi ích là lớn như vậy. Mặc dù “mới” làm chủ tịch được 13 năm, trên thực tế Blatter đã quen thuộc với những hành lang của trụ sở Zurich 36 năm nay rồi. Hiện đã 75 tuổi, Blatter bắt đầu hành trình danh vọng của mình ở tổng hành dinh FIFA từ tận giữa những năm 1970 với cương vị giám đốc kỹ thuật (có một câu chuyện lý thú vẫn được kể lại là trước khi đến với FIFA, Blatter là Chủ tịch Hội vận động phụ nữ thay nịt tất liền quần lót bằng vớ da người).

Bằng tài ngoại giao và sự rộng rãi của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, Blatter nhanh chóng leo lên ghế tổng thư ký và có 14 năm nắm cương vị này dưới thời Havelange để nắm rõ mọi ngóc ngách không chỉ trong tổng hành dinh Zurich, mà của hoạt động kinh doanh bóng đá trên toàn cầu, trước khi lên thay thế vị cựu chủ tịch người Brazil vào năm 1998. Mặc dù phải có vai trò gì đó trong thành công không thể chối cãi của FIFA về mặt kinh doanh, Blatter cũng đã nhờ đó trở thành một nhân vật quyền lực vào loại bậc nhất thế giới.

Năm 2005, FIFA tuyên bố thu nhập 664,7 triệu USD. Năm 2009, con số đó là 1 tỉ USD, trong đó có 794 triệu USD được chi cho một chương trình rất mập mờ “các chi phí phát triển” trong vòng 4 năm từ World Cup 2006 ở Đức tới 2010 ở Nam Phi. Hầu hết khoản tiền này được chia lại cho các liên đoàn thành viên và nhờ đó, càng khiến Blatter củng cố thêm chiếc ghế của ông. Một số trường hợp cũng đã được đưa ra ánh sáng, những kẻ hưởng lợi nhờ bỏ phiếu World Cup và bầu chủ tịch, như Jack Warner của CONCACAF và Jacques Anouma của Liên đoàn Bóng đá Bờ Biển Ngà (FIF). “Sau World Cup 2010, Anouma chưa bao giờ công bố các chi tiết thu nhập và hoạt động tài chính của ông cho FIF theo yêu cầu”, một nhà báo người Bờ Biển Ngà nói. “Đó là sự thiếu minh bạch. Không ai biết các khoản tiền đi đâu”.

Cách đây không lâu, trước sức ép dư luận, Blatter đưa ra một lời giải thích khá mơ hồ: “Khi tôi tới FIFA, tôi nhận ra rằng bóng đá không chỉ là một trò chơi. Tôi phát triển các chương trình thể thao, làm việc tích cực, bán các ý tưởng, xin tài trợ, nhiệm vụ của tôi vẫn chưa hoàn thành”. Julio Grondona, Phó chủ tịch FIFA người Argentina và là một đồng minh thân cận của Blatter, nói thêm: “Chúng tôi dùng tiền theo kiểu chủ nghĩa xã hội, phân chia cho tất cả mọi người, mỗi người một ít”. Tuy nhiên, dư luận có lẽ không thể hài lòng với những lời giải thích như vậy.

T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm