Nhạc sĩ Thế Hiển: Tôi sẽ tiếp tục đi Trường Sa

28/11/2016 09:02 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Trong ba lần đến Trường Sa vào các năm 2012, 2013, 2015, nhạc sĩ Thế Hiển có 6 ca khúc viết về quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc. Trên chuyến tàu HQ936 ra Trường Sa vào 2012, Thế Hiển vinh dự đón nhận danh hiệu NSƯT như một sự ghi nhận cho sự nghiệp sáng tác, biểu diễn phục vụ công chúng của ông.

Nói đến nhạc sĩ Thế Hiển, công chúng yêu mến ông nhớ đến các ca khúc Hát về anh, Nhánh lan rừng… Năm 2012, Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận Thế Hiển là “Nhạc sĩ viết ca khúc về Lực lượng vũ trang, Lực lượng thanh niên xung phong và hát phục vụ quần chúng nhiều nhất”.

Nhạc sĩ Thế Hiển và những người lính biên phòng ở Nha Trang (Khánh Hòa)

Sáng tác để lưu dấu vùng đất mình đã đặt chân

Trước khi trở thành nhạc sĩ – NSƯT Thế Hiển, ông từng có thời gian học múa ballet. Thời bao cấp thiếu thốn, Thế Hiển bỏ múa chuyển qua học trung cấp thanh nhạc, tốt nghiệp năm 1980 rồi đầu quân về đoàn Bông Sen làm đơn ca chính.

Năm 1982 ông mới viết ca khúc đầu tay Khi bong bóng bay nhận được sự khích lệ từ người nghe khiến ông mạnh dạng sáng tác.

Thế Hiển được biết đến nhiều khi sáng tác và biểu diễn thành công ca khúc Hát về anh (còn có tên Hát về anh người chiến sĩ biên cương). Bài hát này ra đời năm 1983 sau khi ông cùng đoàn Bông Sen đi biểu diễn Liên Xô cũ trở về Hà Nội. Từ Hà Nội, ông đã đi Quảng Ninh thực tế đời sống gian lao của những người lính đang bảo vệ biên cương. “Một ba lô, cây súng trên vai. Người chiến sĩ quen với gian lao…” của Thế Hiển trong dịp Tết năm đó được hát vang tại các tụ điểm ca nhạc và trên sóng phát thanh ở TP.HCM.

Các sáng tác của nhạc sĩ Thế Hiển phần lớn gắn với các chuyến đi trên vai trò ca sĩ biểu diễn phục vụ công chúng ở vùng hẻo lánh. Năm 1986, trong lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở chiến trường Campuchia, ông có bài hát Nhánh lan rừng. Sau 30 năm được chính nhạc sĩ Thế Hiển biểu diễn, Nhánh lan rừng vẫn còn được rất nhiều người hát vang và ghi nhớ tên tuổi Thế Hiển gắn liền với ca khúc này.

Không chỉ sáng tác từ những chuyến đi tìm chất liệu và cảm hứng, Thế Hiển sáng tác như một dạng viết nhật ký bằng âm nhạc để lưu dấu vùng đất đã đặt chân đến.

Ba lần được ra Trường Sa, theo Thế Hiển, là rất nhiều đối với một nhạc sĩ như ông. Còn con số 6 bài hát viết về quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc sẽ không dừng lại. Gia tài sáng tác của Thế Hiển có khoảng 100 ca khúc, hiện tại phổ biến rộng rãi khoảng 40 ca khúc trong đó có 6 bài viết về Trường Sa, gồm: Nỗi nhớ đảo xa (phổ thơ Lê Xuân Bắc), Vỏ ốc biển, Khúc hát tự hào HQ - 561, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca (phổ thơ Phan Hoàng), Biên cương biển đảo biên phòng và sáng tác mới nhất trong năm 2015 Lính đảo Trường Sa.

Thế Hiển nhớ lại: “Năm 2012, lần đầu tôi được ra Trường Sa, lúc này tình hình biển Đông đang dậy sóng nên rất căng thẳng. Bộ đội trên các hòn đảo ở Trường Sa đều trong tình trạng sẵng sàng chiến đấu với tinh thần như trong ca khúc Vỏ ốc biển tôi đưa thơ Lý Thường Kiệt vào: Nam quốc sơn hà nam đế cư. Đến năm 2015 thì khác, tôi ra đảo Trường Sa Lớn nghe được tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gà tiếng vịt kêu rất thanh bình. Cảm xúc của lần thứ 3 ra Trường Sa đã giúp tôi sáng tác ca khúc với giai điệu vui tươi Lính đảo Trường Sa. Người nghệ sĩ như tôi, viết ra giai điệu và ca từ như thế nào đều phụ thuộc vào cảm xúc trước ngoại cảnh”.

“Tôi sẽ đi Trường Sa…”

Thế Hiển lại sôi nổi cho biết ông đang chuẩn bị bay đi Cam Ranh (Khánh Hòa) để biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân nơi đây. Trước khi ra sân bay, trong một quán nước nhỏ nằm trên đường Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gần nhà cố GS, nhạc sĩ Trần Văn Khê, Thế Hiển không ngần ngại ôm cây đàn guitar quen thuộc hát vang bài Lính đảo Trường Sa cho chúng tôi nghe.

Thì ra, với nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, nơi đâu có khán giả dù ít hay nhiều, nơi đó đều trở thành “sân khấu” để ông biểu diễn các ca khúc mới nhất và tâm đắc nhất của mình.

Hỏi nhạc sĩ Thế Hiển: “Ông đã là nhạc sĩ, nghệ sĩ của những người lính, thanh niên xung phong, trẻ em đường phố bất hạnh…, ông có nghĩ mình sẽ trở thành nhạc sĩ của Trường Sa?”. Vẫn nụ cười tươi rói cở mở, Thế Hiển tâm sự: “Ăn Tết Bính Thân 2016 xong, tôi sẽ đi Trường Sa lần thứ tư, trước là để đem giọng ca tiếng đàn giúp vui cho quân dân nơi đây, sau là tìm cảm xúc cho các sáng tác mới của mình về vùng biển đảo này. Như tất cả người Việt Nam, tôi muốn bằng những sáng tác của mình để thể hiện sự gắn bó không thể tách rời của đất liền với Trường Sa. Trong sự gắn kết ấy với Trường Sa, tôi rất mong sức khỏe thật tốt, cảm xúc thật dồi dào để đi Trường Sa nhiều lần nữa và viết thật nhiều, thật hay về nơi đây”.

Nhạc sĩ không album, không tập nhạc…

“Nhiều nhạc sĩ đã ra album riêng về Trường Sa, còn Thế Hiển thế nào? Người nhạc sĩ vừa sinh nhật tuổi 60 vào tháng 12/2015 với gần 40 năm hoạt động âm nhạc, cho biết: “Lâu nay, tôi gắn với nhiều cái “không”, như không có album, không tập nhạc… Với Trường Sa, tôi cũng chưa dám nghĩ có album nào không. Tôi tâm niệm rằng, mình vẫn còn đi còn viết thì chưa vội tổng kết sự nghiệp bằng album hay tập nhạc riêng. Album hay tập nhạc lớn nhất của tôi, có lẽ nằm trong lòng người yêu nhạc; và các sáng tác về Trường Sa của tôi chắc cũng nên thế, vì không có gì tồn tại bền vững hơn tình yêu của công chúng dành cho nghệ sĩ” (Tâm sự của nhạc sĩ Thế Hiển).


TRẠC TUYỀN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm