Nhà văn Đặng Thân đòi “quyền được khác”

11/01/2013 13:24 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch giả Dương Tường có lời gửi gắm ý nghĩa trong buổi ra mắt sách Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung của cây bút mà ông cho là có phong cách hậu hiện đại rõ rệt: “Tôi chưa thích văn Đặng Thân nhưng quý và trọng. Đặng Thân luôn đi tìm cái khác, quyền được khác”.

Cuốn sách về giới văn chương có cái tên lạ Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung của Đặng Thân ra mắt tối 9/1 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.

Hậu hiện đại Việt Nam?

Cái tên Đặng Thân từ trước đến nay được nhiều nhà phê bình trong nước gắn chặt vào trường phái văn chương hậu hiện đại. Chính PGS-TS Đỗ Lai Thúy, một nhà phê bình có uy tín, vào tháng 1/2012 đã “dán mác” này cho Đặng Thân khi ông viết bài giới thiệu 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] có tên Cuộc chạy tiếp sức lịch sử.

Còn Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung, tạm coi là một cuốn nghị luận - chân dung văn học, được đặt một cái tên hậu hiện đại y như cuốn sách trước đó của tác giả tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]. “Tạm coi” là vì theo nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, về sau các nhà lý luận trong nước sẽ còn tranh cãi nhiều về thể loại của cuốn sách này.

Có nhiều cách để hiểu tên sách. Tác giả chỉ cung cấp vài gợi ý. Dị-nghị-luận, “dị” có thể hiểu là “khác”, một cách nghị luận khác. Hoặc Dị-nghị-luận còn có nghĩa là “luận về dị nghị”.

Nhà văn Đặng Thân (phải) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội tối 9/1. Ảnh: Mi Ly

Còn cụm Đồng-chân-dung gây thắc mắc không kém được tác giả giải thích là “đồng hành cùng chân dung nhân vật, mỗi bài chân dung mà tôi viết đều có tôi trong đó”. “Quan điểm của tôi là trên đời này không ai dựng được chân dung của ai cho thật hoàn mỹ cả, vì thế tôi chỉ dám đồng hành cùng các chân dung đó” - Đặng Thân nói.

Khẳng định một lần nữa “Đặng Thân là hậu hiện đại”, nhà phê bình Lã Nguyên không quên phản bác các ý kiến phản đối trên các mạng văn chương hải ngoại: “Họ nói “Hậu hiện đại Việt Nam đây sao? So với Mỹ thì chả phải” nhưng nói thế khác nào bảo tôi không phải là bố tôi. Làm sao một cái nhánh lại giống cái gốc được?”.

Bỡn cả… vợ Tú Xương

Đặng Thân được người trong giới văn chương đánh giá là nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam tận dụng được chất hài hước trong văn. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nói: “Đặng Thân chơi nhại cả trong phê bình”.

“Bài viết về Hoàng Ngọc Hiến dù có tính ngợi ca nhưng vẫn nhiều chi tiết “bỡn”. Tú Xương bỡn cả thiên hạ, cũng có người bỡn lại Tú Xương, nhưng bỡn cả vợ Tú Xương thì mới thấy có Đặng Thân” – nhà phê bình Lã Nguyên nhận xét. Hai bài viết được nhắc đến là bài chân dung nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến - Nỗi đau [đáu] của trực giác (hay là tiếng gầm của sư tử), và bài nghị luận về nhà thơ Tú Xương trong mối quan hệ với vợ - Tú Xương chỉ có “xướng” và “tu”.

“Văn 3D”

Đó là cái tên mang tính thời đại rõ rệt là của Dương Tường đặt cho văn Đặng Thân. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng từng nói tác phẩm Đặng Thân như một cái máy tính đầy ắp thông tin. Văn Đặng Thân là điển hình của văn học thời kỳ mạng Internet và sáng tác trên bàn phím.

Nhưng chính chất “3D” cũng đưa ra khuyến cáo dành cho cả người viết và người đọc: Hiệu ứng 3D trong điện ảnh mang lại hiệu quả lớn nhất khi đó là phim 3D nguyên gốc, không phải từ bản gốc 2D nâng cấp lên, và đòi hỏi người làm phải thạo nghề. Viết văn theo phương pháp hậu hiện đại cũng vậy.

Đặng Thân đã thành công trong công cuộc “đi tìm cái khác”, bởi những tác phẩm tạo ra khiến người đọc nhận rõ cái khác, dù họ thích hay không. Văn của tác giả chia độc giả làm hai luồng rõ rệt: Thích thú hoặc dị ứng. Nhưng ngoài ra, có những độc giả như dịch giả Dương Tường: chưa thích nhưng quý và trọng. Thái độ đó xem ra đúng hơn cả.

Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung gồm 29 bài nghị luận, chân dung và một phụ lục (gồm tám bài viết nhỏ), nhắc đến các nhân vật như James Joyce, Gabiel Garcia Marquez, Hoàng Ngọc Hiến, Bùi Giáng, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn… và cả Đặng Mậu Lân (em của Tuyên phi Đặng Thị Huệ).

Trước Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung, nhà văn Đặng Thân từng ra mắt Tập truyện ngắn Ma Net, Tiền vệ phụ âm thư (thơ phụ âm - một dòng thơ đã được nhà phê bình Inrasara ghi nhận về sự “khác”), tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần].


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm