Nguyễn Thanh Tùng: “Đại sứ âm nhạc” khiếm thị

26/04/2010 20:26 GMT+7 | Người Hà Nội

Đó chính là tâm sự của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Thanh Tùng về tác phẩm Sông trăng của anh khi đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi sáng tác của các tài năng trẻ viết cho các nhạc cụ truyền thống của Nhạc viện Hà Nội năm 2004 (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Có lẽ sau giải thưởng này, Nguyễn Thanh Tùng mới được nhiều người biết đến hơn với vai trò nhạc sĩ sáng tác. Còn trước đó, anh là một nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu khá giỏi. Anh đã từng được mời đi lưu diễn ở Pháp, Bỉ để giới thiệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam và vận động cho những nạn nhân của chất độc màu da cam mà chính anh cũng là một trong những nạn nhân ấy.



Khởi đầu gian nan

Tùng không có may mắn được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Mẹ anh là một thợ may, còn bố là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Di chứng từ độc tố chết người ấy đã khiến anh sinh ra bị hỏng một mắt, bên còn lại thị lực yếu. Và sau hai lần đau mắt dữ dội, anh đã không còn thấy ánh sáng nữa.
Nhưng ông trời đã ban cho anh một năng khiếu âm nhạc mà không phải ai cũng có. Với cây đàn bầu ông nội tự chế từ nửa thân cây luồng, một khúc tre, một cái lon sữa và một cái ruột của phanh xe đạp, anh cũng “mò mẫm” chơi bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng khiến cả nhà ngạc nhiên. Năm 1986, Tùng đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi kể chuyện và hát đơn ca của Cung Thiếu nhi. Gia đình quyết định tặng anh một chiếc đàn bầu thực sự. Lúc này, Tùng cũng đã đến tuổi đi học nhưng không được trường nào nhận, đến nhà văn hóa thiếu nhi để xin học đàn bầu cũng bị từ chối vì các thầy cô không biết phải dạy Tùng thế nào. Cuối cùng, Tùng được nhận vào trường với điều kiện “phải biết đọc, biết viết”.
Thời đó, lớp 1 mới chỉ là lớp vỡ lòng, mới bắt đầu học chữ. Vậy mà một người như Tùng lại phải biết đọc và viết trước khi vào lớp. Nhưng với khát khao và nhờ có ông nội giúp đỡ, Tùng đã vượt qua thử thách đầu tiên này. “Cùng một lúc, vừa được đi học, vừa được sinh hoạt âm nhạc, đó là niềm vui nhân đôi”, anh hồ hởi.

Con đường âm nhạc

Tùng đã bắt đầu từ lớp thí điểm cho trẻ khuyết tật ở Nhạc viện Hà Nội và sau đó là khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành đàn bầu. Ngoài ra, anh còn được tiếp cận với âm nhạc cổ điển qua những giờ học lịch sử vànhận thấy nó mang một sức cuốn hút riêng. Chính vì thế, sau một cơn đau mắt dữ dội, ảnh hưởng đến sức khỏe, và buộc phải lựa chọn dừng lại hay đi tiếp, anh đã quyết định tiếp tục học chuyên ngành sáng tác (khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy).
Với ý chí và nghị lực vượt lên nỗi đau bệnh tật, Tùng không chỉ trở thành một nghệ sĩ chơi đàn bầu giỏi mà có những thành công đáng nể trong sáng tác. Ưa thích thể loại khí nhạc nên anh không chỉ sáng tác cho các nhạc cụ dân tộc mà cho cả các nhạc cụ phương Tây như violon và piano. Trong các tác phẩm của mình, anh mong muốn kết hợp âm nhạc truyền thống với nhạc cụ kinh điển của châu Âu để tạo ra một phong cách và ngôn ngữ riêng. Mỗi tác phẩm anh viết luôn chứa đựng những xúc cảm mãnh liệt, bởi nó xuất phát từ tâm hồn, từ những khó khăn cuộc sống mà anh phải trải qua. Và dù cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng nhưng Tùng không cổ xúy cho những thứ tình cảm não nề, sầu bi.

Nỗ lực trong bóng tối

Khi tiếp xúc với âm nhạc của Beethoven, Tùng đã học tập ở vị thiên tài này nghị lực vượt qua khó khăn. Còn Stravinsky lại kích thích sự sáng tạo, tưởng tượng mãnh liệt trong sáng tác của anh. Ở Việt Nam, anh cũng xem sự nghiệp của Nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Khải như một nguồn động viên lớn. Tùng tâm sự: “Có lẽ trong suy nghĩ của mọi người, phải sống trong đêm đen thật đáng sợ nhưng với những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy cái khó nhất là làm thế nào để vượt qua sự yếu đuối của chính mình. Và khi có được sự động viên của cộng đồng, mình sẽ có niềm tin và niềm tin sẽ làm nên tất cả”. Hiện nay, ngoài việc sáng tác và biểu diễn, Tùng còn giảng dạy đàn bầu. Anh cho biết hiện nay rất nhiều bạn trẻ yêu thích nghệ thuật truyền thống nhưng lại thiếu sân chơi, không có điều kiện tiếp cận. Vì thế, việc dạy học của anh cũng là để giúp họ có cơ hội tiếp cận với âm nhạc. Hơn thế nữa, anh còn mong muốn mình trở thành chiếc cầu nối của các nền văn hóa thông qua những sáng tác và những buổi trình diễn của mình. Vì thế, mọi người yêu mến gọi anh là đại sứ âm nhạc.

Lần đầu tiên trình diễn trước công chúng, tôi cũng run nhưng không phải vì rợn ngợp trước đám đông mà vì nghĩ đến tác phẩm sẽ chơi bởi không biết có diễn hay được không. Nhưng khi bắt đầu gảy lên những nốt nhạc thì tôi đã bị nó thôi miên mất rồi, không còn quan tâm đến xung quanh được nữa.”

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm