Người Đức và nghệ thuật pressing

13/07/2014 11:58 GMT+7 | Chung kết

(Thethaovanhoa.vn) - Thomas Mueller từng khẳng định rằng đội Đức ở World Cup 2014 mạnh hơn 4 năm về trước. Và nếu xét trên khả năng pressing thì quả thật Die Mannschaft đã tiến lên một tầm cao mới.

Tại Nam Phi 2010, thày trò Joachim Loew đã không thể đi đến tận cùng khám phá. Nhưng thất bại trước Tây Ban Nha cũng giúp người Đức có được những bài học đắt giá.

Học từ thất bại

4 năm trước, Đức đã để thua TBN 0-1 ở bán kết, trong một trận đấu được đánh giá là hấp dẫn nhất giải. Đấy là cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng có sách lược khác hẳn nhau. TBN kiểm soát cuộc chơi và từ từ xiết chặt chiếc thòng lọng. Ngược lại Đức chủ động kéo đội hình xuống thấp, chấp nhận chịu sức ép, để phản công. Khi tỉ số là 0-0 thì 2 cách tiếp cận này đều khá khả thi.

Nhưng khi Puyol đưa TBN dẫn trước 1-0, mọi thứ đã thay đổi. Đội bóng của Del Bosque cố gắng kiểm soát bóng tối đa để duy trì lợi thế. Lúc này, những hạn chế của Đức mới bị phơi bày. Trong phần lớn thời gian, Đức lùi sâu, chờ đợi sơ hở của TBN. Giờ họ buộc phải đẩy đội hình lên cao hơn, nhằm giành lại bóng. Nhưng họ lại không quen với việc pressing. Hệ quả là những nỗ lực của Die Mannschaft ở cuối trận là khá yếu ớt, so với một tập thể trẻ trung và tràn đầy năng lượng như họ.

“Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian chạy theo bóng” Schweinsteiger than thở sau trận đấu. Còn Klose thì bổ sung: “Và khi chúng tôi giành được bóng thì đã quá mệt để có thể làm được điều gì đó”. Những gì Đức đã thể hiện trên hành trình vào bán kết (hủy diệt Anh và Argentina) là quá tuyệt vời. Chỉ có điều, không phải lúc nào cách đá phản công ấy cũng phát huy tác dụng. Và sau bài học mang tên TBN, chiến thuật của tuyển Đức đã thay đổi rất rõ ràng.

Pressing kiểu Đức

Thứ mà Đức học từ kẻ đã chiến thắng mình không phải là quan điểm kiểm soát bóng (vốn là nền tảng trong lối chơi của TBN). Trong 2 trận thắng trước Pháp và Brazil, Đức đều không nhỉnh hơn về thời gian giữ bóng (kém cả Brazil). Nhưng họ vẫn giành được những kết quả tốt. Đặc biệt là màn hủy diệt Brazil tới 7-1 với những miếng đánh sắc lẹm ở tốc độ cao. Đó vẫn là những tình huống phản công như tại World Cup 2010? Đúng vì nó đúng là những pha bóng chớp nhoáng mang dáng dấp phản công. Còn không đúng bởi vì Đức không chờ đợi đối thủ mắc sai lầm. Mà giờ họ buộc đối phương mắc sai lầm bằng lối chơi pressing. Đấy mới chính là thứ mà Đức đã tiếp thu từ TBN.

4 năm trước, Xavi là người chuyền nhiều nhất, đồng thời cũng di chuyển nhiều nhất. Điều này đồng nghĩa quan điểm cổ điển: “không có bóng nghĩa là sẽ phải đuổi bóng nhiều hơn” đã chẳng còn chính xác. Ngược lại, hiện tại, nếu muốn kiểm soát bóng thì bạn thậm chí còn phải chạy nhiều hơn cả đối phương. TBN chiếm ưu thế về thời gian giữ bóng vì họ dâng đội hình lên cao và nhanh chóng thu hồi bóng. Đó cũng là lí do mà Xavi với vai trò trái tim đã phải chạy nhiều nhất.

Đức cũng đang pressing tương tự như TBN năm 2010. Họ thi đấu với một đội hình rất cao, gây sức ép và đoạt bóng ngay bên phần sân đối phương. Bàn thắng thứ 4 trước Brazil là một ví dụ điển hình. Kroos cướp bóng của Fernandinho, phối hợp 1-2 với Khedira và ghi bàn vào lưới trống. 4 năm về trước, nếu Đức giành lại bóng, 2 tiền vệ phối hợp với nhau thì họ vẫn ở phần sân nhà. Còn bây giờ, họ làm điều đó ngay tại vòng cấm đối thủ.

Việc Neuer trở thành một libero ở trận đấu với Algeria cũng là hệ quả của sự thay đổi lối chơi của tuyển Đức. Khi các hậu vệ buộc phải dâng cao để hỗ trợ các tiền vệ giành lại bóng, đương nhiên sẽ để lại những khoảng trống mênh mông ở phía sau và Neuer buộc phải bọc lót.

Những điều quan trọng nhất là liệu phong cách pressing của Die Mannschaft có thể khuất phục được hàng thủ chơi cực thấp của Argentina?

2 Ở Brazil 2014, có 2 lần HLV Loew áp dụng sơ đồ 4-2-3-1 (trước Pháp và Brazil). Và đó đều là những trận đấu mà Đức không thể lấn lướt đối thủ về tỉ lệ cầm bóng, nhưng lại có được kết quả thuyết phục.

4 Trong 6 trận đã đấu từ đầu giải thì có 4 trận tuyển Đức có thời gian kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương. Trong đó tỉ lệ cao nhất là 68% ở cuộc đọ sức với Algeria.

802 Đức đã có tổng cộng 3421 đường chuyền tại World Cup lần này. Đáng chú ý, trong số đó chỉ có 802 đường chuyền ngắn (2320 đường chuyền trung bình và 299 chuyền dài). Như vậy, Đức có cách chơi bóng trực diện, bớt ru ngủ hơn TBN.


Đức Phan
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm