Ngàn lẻ một chuyện về… sự trung thực

24/07/2009 14:35 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Sau khi đề thi môn Văn kỳ thi ĐH&CĐ năm 2009 có nêu ra vấn đề “trung thực trong thi cử và trong cuộc sống”, trên các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Vietnamnet đều có các diễn đàn về “Sống trung thực - được gì?”.

Ý kiến thì rất nhiều và mỗi người ở một vị trí nhất định đều có cách nhìn, cách đánh giá về tính trung thực trong cuộc sống. Bài viết này không đi vào lý giải tính trung thực, tôi chỉ đưa ra một số câu chuyện liên quan đến “tính trung thực” để chúng ta cùng suy ngẫm.


1. Một cơ quan nọ tuyển nhân viên mới, khi ứng cử viên bước vào phòng thì vị Giám đốc nói:

-Thứ nhất phòng này của tôi rất sạch sẽ, mọi người trước khi vào đây đều phải chùi chân vào tấm thảm đặt trước cửa phòng. Thế anh đã chùi chân chưa?

- Dạ! Em đã chùi chân rồi - ứng viên đáp.

- Và thứ hai – Giám đốc nói, tôi chỉ tuyển những người có tính trung thực vào làm việc tại công ty, ngoài cửa phòng làm gì có tấm thảm nào để anh chùi chân.

2. Anh trai thứ ba con bác ruột tôi là giảng viên một trường đại học trên địa bàn Hà nội, anh giảng dạy về kỹ thuật điện công nghiệp. Một năm ở khoa của anh có một sinh viên lận đận đến…gần ba năm mà không thi đỗ tốt nghiệp. Cả khoa họp bàn và thống nhất: Nếu không cho cậu ta tốt nghiệp thì cũng rất khổ tâm, mấy năm trời học hành tốn kém tiền của gia đình và xã hội, đồng ý cho tốt nghiệp.

Ra trường đâu được một hai năm gì đó thì có thông tin cậu sinh viên này đã…ra đi vì…điện giật chết. Anh tôi và mọi người trong khoa nghe tin ấy thì rất buồn, và lần nào ngồi nói chuyện với tôi về vấn đề học và hành của sinh viên anh đều đưa chuyện này ra kể lại.

3. Cậu em trai bạn tôi làm cho một công ty kinh doanh máy phát điện của Nhật, thời điểm năm ngoái khi tình trạng điện đóm phập phù, hàng bán rất “chạy”. Cả nhà rất ngạc nhiên khi thấy cậu ta đi mua vật tư (dây diện, ổ cắm…) không bao giờ khai tăng thêm giá, chỉ tính đúng giá mình mua vào. Mấy bà bán hàng khi viết hóa đơn thì bảo: Thằng này dại, có mà chết đói con ạ, phải “thêm nếm vào” thì mới có tiền tiêu chứ. Mấy anh chị trong nhà chỉ đạo: Mày đi làm thế thì bao giờ khá được hả em? Ấy thế mà cậu em vẫn cứ “cười hềnh hệch”. Một lần gặp tôi cậu tâm sự: Em “kênh” giá thì khách hàng cũng “OK” ngay nhưng chắc chắn họ chỉ mua một lần rồi bỏ chạy… mất dép. Vả lại phần lãi trong máy phát là hợp lý rồi nên phải hỗ trợ khách hàng thôi.

Thế mọi người trong nhà nói thì sao? Tôi hỏi. - Kệ mọi người, việc ai người đó làm, em có vi phạm pháp luật đâu mà sợ - Cậu em trả lời.

Đúng là trong kinh doanh như hiện nay thì những người như vậy quả thực… không có nhiều.

Đào Quốc Thắng (Thangdq1969@yahoo.com.vn)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm