Một lịch sử đối đầu đáng nhớ: Khi Maradona cũng bị căm ghét vì 'xấu xí'

13/07/2014 14:20 GMT+7 | Chung kết

(Thethaovanhoa.vn) - Trận chung kết World Cup 2014 giữa Argentina và Đức đang gợi lại những kỷ niệm không thể nào quên đối với cả hai đội bóng trong hai lần đối đầu nhau tại chung kết các Cúp Thế giới Mexico 1986 và  Italia 1990.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu với bạn đọc những hồi ức của nhà báo Daniel Arcucci vừa được đăng trên tờ La Nacion của Argentina về hai trận đấu lịch sử nói trên.  

“Ở khu nhà nghỉ và tập luyện của CLB America của Mexico chỉ có mỗi một chiếc điện thoại được nối đường dây quốc tế. Trong thời gian tập trung tại trang trại rộng lớn nhưng thiếu thốn phương tiện truyền thông hiện đại này để tham dự World Cup 1986, các cầu thủ của đội tuyển Argentina phải thường xuyên xếp hàng trước chiếc điện thoại bàn cổ lỗ sỹ để liên lạc với gia đình mình, phần lớn ở lại đất nước chứ không đi theo các cầu thủ như bây giờ.

Vì phải xếp hàng dài chờ đợi, trong nội bộ đội bóng đầy các “tù trưởng” này đã xảy ra những sự bất đồng nhất định. Đến mức, sau một trận giao hữu với Colombia và trước trận đấu ra mắt tại World Cup, trước Hàn Quốc, tại một căn phòng kín với những bức tường xây bằng gạch giản dị, đã xảy ra một cuộc họp nóng bỏng để phân định vai trò thủ lĩnh ở đội tuyển. Lúc đó, có hai ứng viên nặng ký nhất là Maradona và Passarella và cuối cùng trách nhiệm đội trưởng được giao cho người sau này trở thành “El Pibe de Oro” (Cậu bé Vàng). Và câu chuyện bắt đầu từ đây.  

World Cup của “Cậu bé Vàng”

Thực ra, khi đến World Cup, tình hình của tuyển Argentina không mấy ổn thỏa. Một số lãnh đạo ngành thể thao của xứ Tango đã có ý định cách chức HLV trưởng do đội tuyển bị chỉ trích nặng nề và thiếu sự ủng hộ của dân chúng...  Đã thế trong trận gặp Đức này 28/6/1986, có cảm giác đội bóng của Franz Beckenbauer được chơi trên sân nhà vì nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt của các CĐV Mexico.

Nhưng đã quen chơi trong nghịch cảnh, đội tuyển Argentina ghi được bàn thắng đầu tiên do công của Brown, một cầu thủ trước World Cup thường phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị nhưng tỏa sáng ở tầm cao trong giải đấu, và có bàn thắng thứ hai từ pha lập công của Valdano. Bilardo đã nhìn thấy điều ông mong muốn và cả điều không tưởng tượng nổi: 10 phút trước khi trận đấu kết thúc, từ hai quả sút phạt bóng chết ở trong vòng cấm địa, Rummenigge và Voeller đã đưa trận đấu vào thế cân bằng.

Thế nhưng, Maradona, vốn vật vờ trong 90 phút, sau cái bóng của Lothar Matthaeus, bỗng nhiên đột ngột xuất hiện, tìm được khoảng trống và tung ra một đường chuyền dọn cỗ cho Burruchaga, còn cầu thủ này đã thoát được sự đeo bám của Briegel lực lưỡng và cả cú lao ra chặn bóng của Schumacher để đem lại chiến thắng 3-2 cho Argentina và chức vô địch thế giới. Sơ đồ chiến thuật 5-3-2 xuất hiện từ vòng tứ kết, trước đội Anh, đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng và đi vào lịch sử, với những cái tên Pumpido, Giusti, Cucciuffo Brown, Ruggeri, Olarticoechea, Enrique, Basta, Burruchaga, Maradona, Valdano.

Bốn năm sau, tại Italia 1990, Argentina bị ghét cay ghét đắng

Bốn năm là một thời gian quá dài đối với một số cầu thủ và HLV Bilardo buộc phải nghĩ đến một sự thay đổi thế hệ tại Italia 1990 bằng việc đưa vào đội tuyển một số nhân tố mới trẻ trung… Sự kết hợp giữa hai thế hệ không đem lại một thứ bóng đá như mong muốn nhưng tốt về kết quả. “Xấu xí, bẩn thỉu và kém cỏi” là những từ khán giả dành cho đội áo trắng-xanh da trời sau trận hòa với Cameroon tại Milan. Thậm chí còn có lời đe dọa đánh bom chiếc máy bay chở đội tuyển vượt Đại Tây Dương về nhà nếu Argentina bị loại từ vòng đầu. Nhưng Argentina một lần nữa đi được tới trận thứ bảy nổi tiếng và cũng một lần nữa lại đụng đầu với “Cỗ xe tăng Đức”.

Bên cạnh một lối chơi “xấu xí và bẩn thỉu”, việc Argentina loại Italy tại bán kết càng khiến đội bóng xứ Tango bị ghét cay, ghét đắng. Khi quốc ca của đội bóng Nam Mỹ vang lên, trong trận chung kết  ngày 8/7/1990, khán giả trên sân Olimpico Roma, còn huýt sáo phản đối, bất chấp sự có mặt của Tổng thống Carlos Menem. Với “Pelusa” bị chấn thương nhưng vẫn cố gắng ra sân và sự vắng mặt của “Mũi tên Vàng” Caniggia, do bị phạt từ vòng bán kết, Argentina đã chơi một trận đầy máu lửa, trước hai đối thủ: Đội tuyển Đức và khán giả Italy. Dù kém về chất lượng và thế trận, Argentina chỉ chịu thua 1-0, mà lại từ chấm phạt đền, trước Đức, một lần nữa do Beckenbauer dẫn dắt.

Tỏa sáng rực rỡ ở Mexico 86, thực dụng ở Italia 90, và quật khởi ở cả hai giải đấu thế giới, đó là di sản mà Argentina kế thừa để đến với trận chung kết của Brazil 2014, dù lần này vắng mặt nữ Tổng thống Cristiano Kirchner. Argentina năm 2014, ít thủ đoạn hơn nhưng giàu giá trị hơn, có những phẩm chất của hai đội bóng tiền nhiệm, từ biết cách chung sống với một thiên tài, đến lựa chọn cho mình cái phù hợp nhất, bất chấp ai khác nghĩ như thế nào, để tạo ra một bản sắc mới.

Khang Chi (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm