Michel Hazanavicius - "Gã vô danh" đưa phim câm lên đỉnh Oscar

28/02/2012 06:53 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Lễ trao giải Oscar lần thứ 84 đã khép lại đêm 26/2 và không nằm ngoài dự đoán, bộ phim câm đen trắng The Artist của nhà làm phim Pháp Michel Hazanavicius (44 tuổi) đã thắng đậm với 5 giải Oscar, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất. Như vậy, The Artist đã trở thành bộ phim câm đầu tiên giành chiến thắng trong lịch sử Oscar và cũng là bộ phim Pháp đầu tiên đoạt giải thưởng cao nhất của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ.

>> Chuyên đề Oscar lần thứ 84

Đêm trao giải Oscar lần thứ 84 đã có một chuyện chưa hề xảy ra trong lịch sử: giải Phim hay nhất đã thuộc về một bộ phim mà tác giả của nó, đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius, hoàn toàn vô danh đối với hầu hết các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Giải thưởng này là một sự đền đáp xứng đáng cho Hazanavicius, nhân vật đã dành nhiều tâm huyết để làm những bộ phim nói tiếng Anh mang phong cách Hollywood.  

Người tâm huyết với phim mang phong cách Hollywood

Hazanavicius sinh năm 1967 ở Paris trong một gia đình gốc Do Thái đến từ Lithuana. Ông là một gương mặt mới của Hollywood, nhưng Hollywood lại là một người bạn cũ của ông. 3 trong 4 bộ phim trước của ông đều thuộc thể loại phim gay cấn điệp viên mang phong cách Mỹ, trong đó có OSS 117: Cairo, Nest Of SpiesOSS 177: Lost In Rio.

Trước khi giành chiến thắng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 84, The Artist đã đoạt hơn 70 giải thưởng, trong đó có 3 giải Quả cầu Vàng, 7 giải Bafta (giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh và Nghệ thuật Truyền hình Anh), 6 giải Cesar (giải của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Công nghệ Pháp) và 4 giải Tinh thần Độc lập.

Đạo diễn Hazanavicius nói ông không làm phim để mô phỏng hiện thực mà muốn tạo nên một màn diễn. “Tôi không phải là một đạo diễn theo chủ nghĩa tự nhiên. Những gì mà tôi thích là tạo nên một màn diễn cho mọi người thưởng thức… Tôi quan tâm tới việc cách điệu hóa hiện thực. Và đó chính là nền tảng để tôi hình thành ý tưởng làm một bộ phim đen trắng có bối cảnh ở Hollywood, trong cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930” - Hazanavicius cho biết.

Hazanavicius thai nghén ý tưởng làm phim The Artist từ cách đây 7-8 năm và “mơ màng làm một bộ phim câm” vì theo ông “khi đối diện với những trách nhiệm của mình, người đạo diễn phải tìm cách kể câu chuyện theo cách thật đặc biệt. Với thể loại phim câm, mọi thứ chỉ có thể được biểu hiện bằng hình ảnh. "Bạn phải làm sao để đưa đến khán giả một bộ phim đầy cảm xúc. Đối với tôi, quá trình làm bộ phim này là một thách thức đầy ý nghĩa” - ông nói. 

Nhà làm phim Pháp M.Hazanavicius nhận giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất

Từng bị cười nhạo khi muốn làm phim câm

Ban đầu, đạo diễn Hazanavicius đã bị nhiều nhà sản xuất cười nhạo khi ông nói với họ ông muốn làm một bộ phim câm. Nhưng nhà sản xuất Thomas Langmann lại không có thái độ như vậy. “Langmann không chỉ nhìn nhận những lời nói của tôi là nghiêm túc, mà ông còn rất tin tưởng vào dự án này. Tôi đã nói với ông rằng sẽ trở lại gặp ông chừng nào tìm được câu chuyện thích hợp” -  Hazanavicius kể lại.

Hazanavicius đã có 2 chủ đề cho dự án phim câm của mình: hoặc đơn thuần giải trí, hoặc đề cập đến những vấn đề nghiêm túc hơn. “Một hôm, nhà biên kịch Jean-Claude Grumberg nói với tôi về câu chuyện của một diễn viên phim câm, người bị thất thế khi xuất hiện phim nói. Sau đó, chúng tôi đến gặp nhà sản xuất, kể cho ông nghe câu chuyện này và ông trả lời: Thật tuyệt. Grumberg viết rất nhanh và hoàn thành kịch bản trong 4 tháng. Trong quá trình viết kịch bản, trí tưởng tượng của ông đầy ắp những hình ảnh của các diễn viên phim câm nổi tiếng như F.W. Murnau và Frank Borzage. Bên cạnh đó, Grumberg còn bỏ công nghiên cứu nhiều về kỷ nguyên phim câm của Hollywood” - Hazanavicius cho biết.

Đối với đạo diễn Hazanavicius, Jean Dujardin và Berenice Bejo là những diễn viên lý tưởng cho các nhân vật trong câu chuyện này. Sự biểu cảm gương mặt của  Dujardin rất hiệu quả cho những hình ảnh cận cảnh, trong khi ngôn ngữ cơ thể của anh cũng nổi bật trong những cảnh quay toàn cảnh. Rất ít diễn viên có được cả 2 đặc điểm này. Chưa kể, Dujardin còn có gương mặt không nhuốm màu thời gian.

Berenice Bejo cũng có phẩm chất đó. Ở cô luôn toát ra vẻ tươi trẻ, quả quyết và tinh tế. “Dujardin và Bejo, hay nói cách khác là các nhân vật George Valentin và Peppy Miller, đã mê hoặc tôi” - Hazanavicius tự hào nói về các diễn viên chính của mình.

Meryl Streep đã trở thành Bà đầm Thép như thế nào?

Nữ minh tinh Meeryl Streep đã đoạt giải Oscar thứ 3 với chân dung cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong phim The Iron Lady (Bà đầm Thép). Rất nhiều người đã tự hỏi làm thế nào mà Streep, một trong những nữ diễn viên dễ nhận biết nhất thế giới lại có thể “biến hóa” được thành Margaret Thatcher, một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trong lịch sử chính trị Anh. 

Những nghệ sĩ phụ trách việc trang điểm cho Streep là Mark Coulier và J Roy Helland. Phim The Iron Lady mô tả bà Thatcher khi còn ở đỉnh cao sự nghiệp và ở tuổi ngoài 80, khi bà đang vật lộn với chứng mất trí.

Với gương mặt bà Thatcher khi còn trẻ, Coulier đã làm thay đổi sống mũi của Streep để qua đó làm gương mặt của Streep đầy đặn hơn vì đôi gò má của bà cao, trong khi Thatcher lại có gương mặt tròn trịa hơn.

Thách thức lớn nhất là phải “biến” Streep thành một bà già ngoài 80 tuổi. Để làm được việc này, Streep nhất thiết phải đắp mặt, nhưng các nhà trang điểm không muốn sử dụng mặt nạ hoàn toàn. Coulier đã đắp 6 miếng nhựa cao su lên đầu Streep và sau đó tiếp tục đắp vào mặt bà. Damian Jones, nhà sản xuất phim The Iron Lady, đã không thốt nên lời khi lần đầu tiên gương mặt của Streep đã được hóa trang. “Cứ như thể bà Margaret Thatcher đang đứng trước mặt chúng tôi vậy” - Jones kể.

Đạo diễn phim là Phyllida Lloyd khẳng định, trang điểm là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bộ phim.

Danh sách giải thưởng chính của Oscar 2012


- Phim hay nhất: The Artist.
- Đạo diễn xuất sắc: Michel Hazanavicius (phim The Artist).
- Nam diễn viên chính xuất sắc Jean Dujardin (phim The Artist).
- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Meryl Streep (phim The Iron Lady).
- Nam diễn viên phụ xuất sắc: Christopher Plummer (phim Beginners).
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Octavia Spencer (phim The Help).
- Kịch bản gốc xuất sắc: Midnight in Paris.
- Kịch bản chuyển thể xuất sắc: The Descendants.
- Quay phim đẹp nhất: Hugo.
- Phim hoạt hình xuất sắc: Rango.

- Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: A Separation.
- Thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Hugo.
- Nhạc phim xuất sắc: The Artist.
- Ca khúc trong phim hay nhất: Man Or Muppet (phim OST The Muppets).
- Dựng phim xuất sắc: The Girl With The Dragon Tattoo.
- Hóa trang xuất sắc: The Iron Lady.
- Thiết kế phục trang đẹp nhất: The Artist.
- Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc: Hugo.
- Hòa âm xuất sắc: Hugo.
- Biên tập âm thanh xuất sắc: Hugo.
- Phim tài liệu ngắn hay nhất: Saving Face.
- Phim truyện tài liệu hay nhất: Undefeated.
- Phim ngắn xuất sắc: The Shore.
- Phim hoạt hình ngắn xuất sắc: The Fantastic Flying Books Of Mr. Morris Lessmore.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm