Leonardo: “Tôi không còn hình ảnh một người đàn ông tử tế”

25/12/2011 06:20 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc gặp gỡ đặc biệt của đặc phái viên nguyệt san Guerin Sportivo (Italia) với người đã chia rẽ Milano khi làm huấn luyện viên Milan rồi sau đó lại chạy sang dẫn dắt Inter. Leonardo cũng bất ngờ rời bỏ Inter khi tất cả nghĩ rằng anh sẽ ở lại đây lâu dài. Giờ thì Leo đang làm giám đốc thể thao cho đội bóng Pháp PSG. Chân dung tự bạch của một con người luôn gây tranh cãi, một tài năng lớn trên sân cỏ, một nhà cầm quân mà tài năng của anh chưa thực sự được kiểm chứng nhiều, vì con đường của anh đột ngột bị cắt đứt với Inter.

Đấy là một con người của thời cuộc, của những cuộc mua sắm chuyển nhượng khi anh là người chịu trách nhiệm đưa về các đội bóng mà anh làm việc những tài năng lớn, và không chỉ có thế. Bóng đá đỉnh cao ở khắp thế giới đã chạy dưới anh và giờ anh đang điều phối một thứ bóng đá trong cuộc chơi ở tầm cao cùng với tiền bạc của những ông chủ Arab. Leonardo sinh ra ở Niteroi, Brazil, 42 năm trước, nhưng những khái niệm địa lí đối với anh là không có giới hạn. Bởi anh đã đặt chân đến mọi ngõ ngách trên thế giới và có thể nói tốt 5 thứ tiếng, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Italia, những ngôn ngữ thể hiện rõ ràng các nơi anh đã đặt chân đến với tư cách cầu thủ và bây giờ là quan chức bóng đá. Lịch lãm, có học và đa năng. Anh đã chơi bóng, đã làm huấn luyện viên, đã và đang làm quan chức. Anh nhảy từ đội này sang đội khác, thay đổi cả chính kiến, từ trung hữu bảo thủ với Berlusconi ở Milan và rồi sau đó sang Moratti ở Inter trung hữu.


Cái bắt tay giữa Nasser al-Khelaifi, ông chủ mới của PSG, và Leonardo - Ảnh Getty

Từ 5 tháng nay, Leonardo là Giám đốc thể thao của PSG, một đội bóng đang nhảy theo điệu vũ Arab “Made in Qatar”. Nhiệm vụ lớn lao của anh là phải xây dựng được một đội bóng mạnh và một môi trường bóng đá lành mạnh nhằm đưa bóng đá thủ đô nước Pháp trở lại bản đồ bóng đá châu Âu và thế giới. Anh được  cấp 85 triệu euro ngay trong năm đầu tiên để đưa về những tên tuổi và giúp PSG có tính cạnh tranh mạnh mẽ. Anh được trao quyền lực lớn trong việc quyết định các định hướng thị trường chuyển nhượng của đội. Rất nhiều cái tên đang được nói đến, từ Beckham cho đến Tevez, cùng với Ancelotti. Nhưng hãy chú ý một điều: người Pháp rất nhạy cảm. Làm thế nào mà họ lại chịu chấp nhận cảnh một người Brazil nhưng có quốc tịch Italia điều hành đội bóng đang do những ông chủ Arab làm chủ sở hữu? Người ta đồn rằng anh đang cảm thấy nhớ nước Italia và muốn trở về, rằng trong đội PSG đang xảy ra rất nhiều lục đục, rằng các ông chủ Arab không hài lòng với anh. Điều gì đang thực sự diễn ra?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, Leonardo sẽ nói hết những gì anh thấy có thể nói được. Lịch sự và tao nhã, nhưng cũng rất thẳng thắn. Đấy là Leonardo mà chúng ta đã từng biết.

* Thế nào Leo, anh sẽ trở về Italia chứ?

- Tôi phủ nhận điều này. Tôi đang cảm thấy rất hạnh phúc ở Paris. Tôi đã từng rất thích cuộc sống ở đây khi tôi chơi bóng tại Paris (Leonardo từng đá cho PSG trong những năm 1990, trước khi chuyển sang Milan), và bây giờ tôi vẫn thích Paris. Tại đây mọi người luôn tôn trọng tôi, không làm phiền mỗi khi tôi ra đường, nhất là khi bây giờ tôi đã có một cháu nhỏ. Tôi chọn thành phố này, chọn dự án lớn lao của đội bóng và tôi tiến về phía trước. Tại đây, bóng đá không phải là nỗi đam mê lớn của tất cả mọi người, không phải là một tình cảm lớn lao như đã thấy trên toàn cầu, không thấm vào máu của người dân. Ở Italia, bóng đá là tất cả. Ở đây bóng đá chỉ là một phần cuộc sống. Thách thức lớn đối với tôi là PSG phải trở thành một nguồn kinh doanh, phải tạo ra tính giải trí, phải trở nên hấp dẫn và phải hòa nhập vào nền tảng văn hóa của thành phố. Paris là một thành phố lớn và nó cần phải có một đội bóng lớn. Thử thách lớn lao là PSG không chỉ tạo ra những kết quả tốt mà còn là cơ hội cho những giao tiếp xã hội.

Leonardo đã đặt chân đến mọi ngõ ngách trên thế giới và có thể nói tốt 5 thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật, Pháp và Italia.

* Thế nên là ở đây, ở trang 1, đôi khi người ta lại đề cập đến bóng ném chứ không phải bóng đá...

- Người Pháp giỏi rất nhiều thứ. Đấy là sự thật. Các môn thể thao đồng đội của họ luôn có những kết quả tích cực, từ bóng rổ đến bóng bầu dục, từ bóng đá nữ đến bóng ném. Tôi tin rằng, đã luôn tồn tại một sự cân bằng, theo cách mà bóng đá không thể trở thành niềm đam mê choán hết tất cả. Trên thực tế, dường như người ta còn tìm cách hạn chế sự phát triển của bóng đá. Tôi cần phải tỏ ra ích kỉ trong việc đem đến cho bóng đá ở đây năng lượng và bản sắc.

* Anh đã làm cầu thủ, làm huấn luyện viên, làm quan chức. Anh thích vị trí nào nhất?

- Tôi luôn được người ta theo đuổi. Berlusconi đã yêu cầu tôi dẫn dắt Milan. Đấy là lần đầu tiên tôi làm huấn luyện viên. Rồi Moratti muốn tôi tới Inter. Cuối cùng thì ông chủ người Qatar muốn tôi điều hành PSG. Tất cả dường như là một sự tình cờ mà tôi không hề sắp đặt hay lên chương trình. Tôi không thể tự đổ lỗi cho mình về chuyện chuyển sang nơi này và bỏ nơi kia và tôi cũng không phải hỏi mình tại sao. Tôi có những cơ hội, tôi phải giành lấy nó và chính điều này đã giúp tôi làm giàu kiến thức của mình. Tôi có phải xin lỗi mọi người về những lời đề nghị cứ tới tấp đến với tôi? Khi tôi 24 tuổi, tất cả mọi người đều cho rằng tôi đã phát điên khi sang đá bóng ở Nhật Bản (lúc giải nhà nghề J-League mới ra đời vào năm 1993). Nhưng ở đấy tôi thấy rất thích. Tôi đến các trường đại học để quảng bá về bóng đá và nói cho họ biết rằng, trên đời này, ngoài sumo thì còn có những thứ khác nữa. Tôi thấy hạnh phúc, tôi cũng không cảm thấy mình bị lãng quên hay đang ở một chỗ hoàn toàn sai lầm. Tôi học và tôi cố gắng hiểu thế giới.

* Thế nhưng trong gia đình thì anh không được coi là một người học hành đến nơi đến chốn.

- Đúng thế. Tôi bỏ học trung cấp kĩ thuật để theo đuổi bóng đá. Gia đình tôi rất có học. Mẹ tôi làm việc trong khu vực tài chính, cha tôi là kế toán. Em trai tôi làm kĩ sư phân tích hệ thống, một em khác làm phân tích sản phẩm. Có lẽ chính thế mà tôi có vẻ hợp với việc điều hành và quản trị. Khi tôi được trao bằng tiến sĩ danh dự ở đại học Venezia về quản lí, tôi gọi điện cho mẹ tôi và nói với mẹ là tôi không còn là một con bò nữa (cười).


Leonardo thời còn khoác áo PSG trong những năm 1990 - Ảnh Internet

* Vậy anh không thích làm huấn luyện viên à?

- Không hề. Đấy không phải là ước mơ của tôi. Thế nên tôi phải nói lời cảm ơn đến thành phố Milano. Sau khi giải nghệ, các cầu thủ luôn phải đối diện với một hoàn cảnh hết sức éo le, khi bạn không còn là một ai đó quan trọng nữa. Milan đã giúp tôi phát triển. Galliani đã dạy tôi  một nghề. Nhưng bây giờ, nếu tôi có một vấn đề nào đó, tôi sẽ tự hỏi mình, ông ấy sẽ làm gì nhỉ? Chính nhờ nghề huấn luyện viên đã làm thay đổi tôi, dạy tôi biết cách nói “không”, phải trở nên cứng rắn hơn.

* Phải tỉnh táo hơn nữa chứ.

- Đúng thế. Khi là quan chức bóng đá, tôi đã từng là một phần của cỗ máy, phải biết nghe lời, theo những chỉ dẫn và chính sách. Cuộc đời của tôi toàn những chữ “vâng”. Thế nhưng khi bạn ngồi lên một băng ghế huấn luyện, tất cả thay đổi. Bạn cần phải đưa ra những quyết định và đó là lúc bắt đầu phải biết nói “không”.

* Anh đã nói “không” với Berlusconi.

- Tôi đã từng cãi nhau với ông ấy, đúng thế. Một khi không cùng chung quan điểm thì tôi không thể ở lại được. Nhưng quan hệ của tôi với Milan vẫn tốt và thỉnh thoảng tôi vẫn nói chuyện với Galliani. Tôi đã là một phần hữu cơ của đội bóng trong 14 năm ở đấy. Với tôi, Galliani là một người thầy lớn trên lĩnh vực điều hành.

* Anh đã từ đội bóng của thủ tướng đến đội bóng của một ông chủ giàu mỏ và giờ lại đến làm việc cùng các ông hoàng Arab.

 - Tôi đã từ Milan sang Inter, cùng thành phố, cùng bầu trời, cùng sân vận động, chỉ khác là hai đội bóng mang hình ảnh của hai vị chủ tịch khác nhau. Berlusconi đã mua và tái thiết Milan, Moratti thừa kế lại đội bóng như là một báu vật của gia đình và sự gắn bó này tất cả chúng ta đều nhận thấy. Vói Moratti, tôi có tình cảm với ông ấy. Tôi hiểu ông ấy và thường xuyên qua lại với Carlotta, con gái ông ấy, hiện làm cho Quỹ Inter.

 * Nhưng cuối cùng thì anh cũng nói “không” với Moratti.

 - Thực tế thì tôi đã từ chối đề nghị đầu tiên của các ông hoàng Arab. Tôi không muốn bị ai đó coi tôi là một kẻ phản bội. Thế rồi, sau đó, tôi nói chuyện một cách rõ ràng với Moratti và chỉ khi đó tôi mới nhận lời PSG. Tất cả mọi chuyện diễn ra rất nhanh và thậm chí còn khiến tôi choáng ngợp. Người ta vẫn luôn có những suy nghĩ sai lầm về các ông hoàng Arab. Họ không phải là những người ném tiền qua cửa sổ, mà là những người trẻ tuổi, luôn luôn sẵn sàng, hiểu biết về tài chính. Nasser Al-Khelaifi (một trong số những nhà đầu tư vào đội bóng từ Qatar) còn là chủ tịch của kênh Al Jazeera Sport.

* Beckham sẽ đến chứ, dù anh ấy đã 36 tuổi?

- Chúng tôi quan tâm đến anh ấy, nhưng chính anh ấy và nhất là gia đình anh phải đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi đã nói chuyện với Beckham. Anh ấy nói là anh đã luyện tập và sẵn sàng chơi bóng. Đấy là một ngôi sao ở cấp toàn cầu. Anh ấy không thiếu các danh hiệu, đã chiến thắng cả trên đất Mỹ và nhất là anh không thiếu tính chuyên nghiệp. Anh ấy là tấm gương lớn cho tất cả, vì khao khát có mặt trên sân. Anh không cần phải cố gắng nhiều đến thế nữa, vì thực ra bóng đá vẫn yêu thích anh. Anh không phải là một ngôi sao đỏng đảnh. Anh biết vị trí của mình trong đội.

* Nhưng chủ tịch UEFA Platini đã đưa ra Luật Công bằng tài chính...

- Chưa bao giờ bóng đá tiêu số tiền họ có được từ sản xuất, mà hơn thế. Nếu đội bóng của bạn chỉ ở một thành phố nhỏ, hãy làm như Udinese. Nhưng nếu đội bóng ở một thành phố lớn và tham gia vào rất nhiều giải đấu, bạn không thể thiếu các nhà vô địch. Bạn phải mua họ chứ. Tôi chưa từng biết một vị chủ tịch CLB bóng đá nào lại kiếm được lợi nhuận từ bóng đá. Đương nhiên là họ có những lợi thế, trở nên nổi tiếng, nhưng đấy lại là chuyện khác. Ngày trước từng có đội Cosmos ở Mỹ mua được cả Pele lẫn Cruyff. Thế rồi người Nhật và người Nga bắt đầu mua sắm ngôi sao. Giờ thì người Trung Quốc bắt đầu tấn công. Anelka đến đó khi mới chỉ 32 tuổi và lĩnh lương 230 nghìn euro/tuần.

* Anh mang bao nhiêu chất Italia đến PSG?

- Tôi cảm thấy mình là một người Brazil ở Rio 100%. Thần tượng của tôi là Zico, sau đó là Senna (tay đua xe Công thức 1), vì uy tín của họ. Từ năm 2008, tôi là công dân Italia. Tôi nói cả tiếng Italia lẫn tiếng Bồ Đào Nha. Tôi mới có một bé trai, Tiago. Anna, bạn gái tôi, nói chuyện với cháu bằng tiếng Italia, còn tôi nói với cháu bằng tiếng Bồ. Những gì tôi học được ở Italia không phải là cách điều hành, mà là cách tìm hiểu từng chi tiết nhỏ, coi đó như nền tảng của chiến thắng. Thành tích không tự dưng đến, cần phải bước vào sân bóng với sự cẩn thận và khôn ngoan. Cùng làm việc với tôi còn có Tổng giám đốc Blanc, người từng làm quản lí ở Juventus. Chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý. Tại Paris, chúng tôi chơi bóng trong một SVĐ cũ kĩ và không thích hợp, một nửa quyền sở hữu thuộc về chính quyền thành phố, nửa kia thuộc quân đội. Họ tổ chức các buổi hòa nhạc khiến cỏ hỏng hết cả. Không thể mãi thế được.

Họ nói về Leonardo...

Jose Mourinho: “Cậu ấy không phải là một Milanista, mà là một người rất chuyên nghiệp. Một người rất tuyệt vời. Với cậu ấy, đội bóng cảm thấy hạnh phúc và nếu có được hạnh phúc thì đã thành công một nửa rồi”.

Rino Gattuso: “Năm ngoái, với Leonardo làm huấn luyện viên, khi ai đó bị gạt khỏi đội hình, họ cảm thấy như trời sụp đến nơi rồi”.

Christian Abbiati: “Khi anh ấy nói anh không còn làm huấn luyện viên của chúng tôi nữa, nhiều cầu thủ đã cảm thấy rất buồn”.

* PSG đã bị đánh bật khỏi Europa League và cả Cúp Liên đoàn của Pháp, nhưng đang chơi tương đối tốt ở giải vô địch quốc gia...

- Tôi không hài lòng khi đội bị loại, kéo theo cả những thiệt hại kinh tế. Nhưng tôi không hề lo lắng vì sự sa sút của ngôi sao Pastore. Cậu ấy mới 22 tuổi và chưa quen với nhịp độ đá 3 ngày/trận. Cả đội còn rất mới. Họ còn phải chơi bên nhau một thời gian nữa để hiểu nhau hơn. Họ không thể vào sân rồi tự thỏa hiệp với chính mình.

 Anh có vẻ quá khắt khe rồi.

- Tôi đã thay đổi. Tôi đã bỏ đi hình ảnh của một người đàn ông tốt. Tôi không ngại đối mặt với những rắc rối. Tôi chỉ cần vài tiếng là ngủ ngon được rồi. Bóng đá không phải là một thế giới không tưởng và tôi không phải là ứng cử viên cho giải Nobel hòa bình. Tôi đã nói rồi, không thể đơn giản thất bại và rồi nói “đời là thế”.

* Đội Brazil của anh chưa hề giành được chức vô địch thế giới từ năm 2002 đến nay.

- Có những chu kì. Đã từng có một thế hệ các tài năng, từ Ronaldo đến Rivaldo. Những thế hệ đến sau đã được gắn mác là “hiện tượng” quá sớm. Có lẽ sự lạm dụng cơ bắp đã tạo ra tình trạng này. Nhưng tôi cảm thấy vui là vì xã hội Brazil đã trở nên tiến bộ hơn. Nền kinh tế Brazil cũng phát triển. Chúng tôi đã tạo ra một con đường. Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, chúng tôi vẫn có những giá trị để noi theo. Trở lại với bóng đá, ngay cả nền bóng đá Pháp cũng mắc sai lầm, khi họ tìm cách chơi mạnh mẽ hơn. Bởi vì truyền thống của họ là kĩ thuật, từ Platini, Tigana đến Zidane.

* Cuối cùng, lớn lên ở Rio, ở Tokyo, Milano hay Paris thích hơn?

- Tôi có 3 con từ cuộc hôn nhân trước: Lucas đã 16 tuổi, Julia 15 còn Joana thì 13. Chúng đã đi khắp thế giới cùng với tôi, có trong hành trang đời chúng những kinh nghiệm sống quốc tế, chúng cởi mở và luôn đến thăm tôi cùng bạn bè chúng. Bây giờ thì Tiago sinh ra ở Paris và được nghe cha nói với nó bằng tiếng Bồ, còn mẹ thì bằng tiếng Italia. Đấy là một biển kiến thức sống mà nó không được bỏ lỡ.

Thư Anh

   
                        
   

Leonardo, chiến thắng và tham vọng

Leonardo cầu thủ                       Chiến thắng quan trọng

1 chức vô địch thế giới                  1994, cùng Brazil

1 Coppa America                         1997, cùng Brazil

1 Confederations Cup                   1997, cùng Brazil

1 Cúp Liên lục địa                         1993, cùng Sao Paolo

1 Scudetto                                    1999, cùng Milan

1 Cúp Italia                                   2003, cùng Milan

2 chức vô địch Brazil                     1987, cùng Flamengo

                                                     1991, cùng Sao Paolo

1 chức vô địch Nhật Bản               1996, cùng Kashima Antlers

Leonardo huấn luyện viên          Thành tích

2009-2010                                     Milan, thứ 3 Serie A

2011                                               Inter, á quân Serie A, Cúp Italia 2011



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm