Không lòng trắc ẩn, thầy thuốc nên nghỉ việc

07/03/2012 09:19 GMT+7 | Y tế


(TT&VH) - “Mặt trái của cơ chế thị trường tạo gánh nặng cho y tế, sự đối chọi giữa tính nhân đạo và lợi nhuận, sự can dự trực tiếp của đồng tiền vào các khâu trong quá trình chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Đó là một trong những thách thức lớn của nền y tế nước ta trong cơ chế kinh tế thị trường được GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Y đức và các thách thức trong thực hiện y đức hiện nay” được tổ chức vào ngày 6/3 tại BV Bạch Mai- Hà Nội.

Mức đãi ngộ thấp là thách thức với bác sĩ!

Từng là giám đốc của một bệnh viện được coi là “hạng đặc biệt”, BV Bạch Mai, GS. TS Trần Quỵ đã rất thẳng thắn khi cho rằng, hiện ngành y tế có những tiêu cực xảy ra và một số ít cán bộ y tế đã có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo GS Quỵ, một người thầy thuốc làm nhiệm vụ cứu người không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà cần phải có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Điều này đã không chỉ được thể hiện ở trong các lời răn dạy của ông tổ nghề y Hippocrates, Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, lương y Tuệ Tĩnh mà đã được thể hiện cụ thể trong 12 điều y đức của ngành y và mới đây nhất là trong quy tắc ứng xử của ngành y tế.


“Lương y như từ mẫu” luôn là điều các bệnh nhân mong mỏi từ bác sĩ

GS Quỵ nhấn mạnh, y đức không chỉ là giao tiếp lễ phép, thái độ hòa nhã với người bệnh mà người thầy thuốc có y đức cần phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khám chữa bệnh giỏi, chăm sóc người bệnh chu đáo, cấp cứu người bệnh kịp thời có trách nhiệm và… tôn trọng đồng nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định, ngành y tế luôn quan tâm đến việc nâng cao y đức, ngành đã ban hành 12 điều y đức, quy chế dân chủ trong bệnh viện, quy tắc ứng xử và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành y tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Xuyên cũng cho rằng hiện nay các chính sách đãi ngộ còn thấp so với những cống hiến của nhân viên y tế. Đây chính là một thách thức không nhỏ đối với ngành y tế trong việc nâng cao y đức, đặc biệt trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay…

Y đức trong nhà trường còn xa rời thực tế

Làm thế nào để có một thầy thuốc “vừa hồng vừa chuyên” là vấn đề không dễ gì tháo gỡ trong ngày một ngày hai. Hiến kế tại hội thảo, GS Trần Quỵ cho rằng, chúng ta cần cải cách hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng thực hiện tốt 3 mục tiêu dạy người, dạy nghề và dạy phương pháp, trong đó chú trọng dạy người.

Cũng về vấn đề đào tạo nhân lực ngành y và giảng dạy y đức thế nào cho hiệu quả, PGS. TS. Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã rất thẳng thắn khi cho rằng, nội dung giảng dạy về y đức tại các trường y hiện nay còn thiếu về phần trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm của người thầy thuốc; còn khoảng cách xa giữ lý thuyết với thực hành. Nhiều ý kiến cho thấy phần lớn giáo viên dạy bộ môn Y đức tại các trường hiện nay đều kiêm nhiệm, như vậy khó để triển khai chuyên sâu chương trình này. Thời lượng chương trình còn hạn hẹp, thời gian thực hành hạn chế.

Ý kiến này cũng đồng tâm sự với nhiều sinh viên đang theo học trường y vì theo họ sở dĩ nhiều sinh viên chưa mặn mà với môn y đức vì… toàn lý thuyết và cái mà họ cần học tập về y đức là những gương sáng về nghề để noi theo.

Chia sẻ những quan điểm về chương trình y đức dạy tại các trường hiện nay, cũng chính tư lệnh ngành y - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hầu hết chương trình mà các trường trình bày đều tập trung vào đối tượng là bác sĩ. Trong khi đó nhóm tiềm ẩn phát sinh “xung đột” nhiều nhất là đội ngũ điều dưỡng, hành chính… những người gần gũi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhất. Bộ trưởng cũng thừa nhận, nội dung giảng dạy về y đức hiện còn quá nặng về lý thuyết, xa rời thực tế.

BS Phạm Đức Thịnh, GĐ Bệnh viện Hồng Ngọc lại nêu vấn đề y đức trong y tế tư nhân: “Cái tâm cần phải được thực hiện ở mọi ngõ ngách công việc. Từ trung thực trong quảng cáo, mua sắm thiết bị, giải quyết khiếu kiện đến cẩn trọng khi khám bệnh, cho xét nghiệm, kê đơn… Dù làm ở đâu, một thầy thuốc cũng nên nghỉ việc nếu không còn lòng trắc ẩn, sự thấu cảm trước nỗi đau đồng loại”.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm