Khi bóng đá thế giới phát ngấy Brazil

18/07/2008 21:00 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) - Nó gần như xảy ra một cách đồng loạt khi các CLB châu Âu không còn nhìn các cầu thủ Brazil như những mục tiêu chuyển nhượng hàng đầu và sẵn sàng chấp nhận những cái giá kỷ lục.

Không thể nói là các cầu thủ Brazil đã đánh mất kỹ năng chơi bóng thiên bẩm. Họ vẫn là bậc thầy trong các động tác rê rắt, xử lý tinh tế khi cần thiết và cả khi không cần thiết, mà những cầu thủ châu Âu như Cristiano Ronaldo đôi khi cũng không thể làm được, như Ronaldinho hay Robinho.

Cũng không thể nói là họ không hòa nhập được với các nền bóng đá có lối chơi đòi hỏi sự chặt chẽ và kỷ luật chiến thuật cao. Vì các cầu thủ Brazil vẫn được thừa nhận ở bất cứ giải đấu nào như La Liga (giàu tính kỹ chiến thuật) hay Serie A (nơi mỗi trận đấu là một cuộc chiến về chiến thuật), hoặc Bundesliga mạnh mẽ về thể lực, nhanh về tốc độ.

Tức là không có những vấn đề tương thích hay không tương thích, có tiềm năng hay đã suy giảm tiềm năng. Và dĩ nhiên, Brazil vẫn là nguồn xuất khẩu cầu thủ số 1 thế giới. Nhưng như đã nói ở trên, họ không thuộc diện mà các CLB hàng đầu phải săn lùng bằng được.

Ronaldinho chỉ đắt giá đối với một CLB tầm trung và nổi như bong bóng xà phòng Manchester City. Còn với Milan, một đội bóng có danh tiếng, cái giá mà người ta trả để có anh chỉ tương đương với một cầu thủ tấn công bình thường hay mới nổi, Luka Modric từ Dinamo Zagreb sang Tottenham (16,5 triệu bảng).

Adriano, một tiền đạo săn bàn đẳng cấp không thể bằng một Zarate chuyển từ Al Saad (Qatar) sang Lazio có giá gần 20 triệu bảng, hay Amauri từ Palermo sang Juventus cũng lên tới 18 triệu bảng. Thậm chí, Adriano chỉ được nhìn nhận như một cầu thủ được Inter đem đi các trong thương vụ mua Lampard từ Chelsea (đang thỏa thuận).
 
 Kaka, người cứu rỗi linh hồn Brazil ở châu Âu

Cũng có các cầu thủ Brazil vẫn nằm trong nhóm các vụ chuyển nhượng có giá trị lớn, như Jô với giá 19 triệu bảng, nhưng lại là đến Manchester City. Robinho được Real định giá khá cao, 48 triệu euro (38 triệu bảng), nhưng đó mới chỉ là định giá. Nên cho tới lúc này, chỉ có Daniel Alves vừa đến một CLB hàng đầu thế giới (Barca) vừa đạt một cái giá kỷ lục cho một hậu vệ phải (25,3 triệu bảng).

Vậy thì điều gì đang xảy với các cầu thủ Brazil, khi mà các CLB châu Âu còn được nhìn nhận như những đơn vị làm kinh tế bóng đá (phân tích tiềm năng, rủi ro, tính hiệu quả khi đầu tư) điển hình?

Khát vọng và ý chí

Nói các cầu thủ Brazil thiếu khát vọng hay bảo họ dễ dàng thỏa mãn với những thứ họ vươn tới đều được cả. Chính điều này khiến các cầu thủ Brazil chỉ đạt hiệu suất tối đa trong quãng thời gian trung bình là 3 năm với những bản hợp đồng có thời hạn 5 năm. Ronaldinho được thỏa mãn mọi thứ ở Barca cũng chỉ kéo dài quãng thời gian ”ham muốn chơi bóng” của anh ta trong quãng thời gian đó (từ 2003 đến 2006).

Gã béo Ronaldo từng trải qua 2 bản hợp đồng tương đối dài, tới 4 mùa bóng (với Inter và Real Madrid), nhưng khi đến Milan ở mùa bóng 2007-2008, cũng không tránh khỏi cái quy luật đó. Tình trạng chấn thương chỉ là một phần trong khi người ta nhận thấy rằng việc không còn khát vọng và ý chí chơi bóng mới chính là nguyên nhân chủ chốt.

Khi xét nó trên hiệu quả đầu tư, rõ ràng đó không phải là một dự án sinh lãi. Khi Real Madrid mua Ronaldo 39 euro (30 triệu bảng), họ chỉ có thể bán anh cho Milan với cái giá 7,5 triệu euro (6 triệu bảng). Và bản thân Milan, việc tốn 6 triệu bảng tiền chuyển nhượng cho 1 cầu thủ chỉ đá vài trận/mùa và không có tín hiệu cho thấy sẽ quay trở lại chơi bóng đỉnh cao trong tương lai, cũng không phải là một thương vụ thành công.

Các thương vụ mua bán tiền triệu này luôn gắn liên với những cơ hội kinh doanh kèm theo, kiểu như khai thác hình ảnh hay bán áo đấu chẳng hạn. Trong khi đó, việc suy giảm phong độ luôn kéo theo nguy cơ hình ảnh thương mại của cầu thủ đó bị hoen ố. Adriano là trường hợp điển hình của trường hợp này.

Còn khi xét nó trên góc độ thể thao và thành tích, việc mua 1 cầu thủ Brazil đã hoặc đang trên đỉnh cao vinh quang thường gặp vấn đề về thiếu tham vọng. Môi trường chơi bóng thường là yếu tố được lôi ra cho các cầu thủ Brazil lý giải, nhưng sự thực là họ lệ thuộc rất lớn vào cảm hứng chơi bóng. Mà đã gọi là cảm hứng, thì điều đó lại chỉ xuất hiện và tồn tại trong một quãng thời gian ngắn.

Các cầu thủ Brazil hàng đầu luôn sắm một vai trò cực kỳ quan trọng trong lối chơi, chiến thuật của các đội bóng Cho nên, khi một đội bóng gặp rắc rối với anh ta, thường đồng nghĩa với nguy cơ sẽ gặp rắc rối với cả đội bóng. Barca với Ronaldinho là một ví dụ rất tiêu biểu.

Lòng tham và lòng trung thành

Người ta ít thấy những đội bóng có cơ cấu lương chặt chẽ tiếp cận và chuyển nhượng (về) các ngôi sao lớn Brazil. Arsenal của Anh, Juventus của Italia, những đội bóng làm kinh tế giỏi nhất, có chính sách chuyển nhượng khôn ngoan nhất trong thế giới bóng đá hiện đại là những ví dụ điển hình.

Bóng đá ngày càng ghi nhận lòng trung thành chỉ là chuyện xa xỉ là một xu hướng khó tránh. Nhưng khi mà lòng tham vượt quá giới hạn, lấn át và chi phối thì nó đã bị đẩy tới tới mức độ nguy hiểm với cả đội bóng.

Và điều còn tồi tệ hơn nữa là khi đã được thỏa mãn về tài chính thì các cầu thủ loại này dễ dàng bị cuốn vào một nhu cầu cần được thỏa mãn khác: sex.

Adriano bị hủy hoại bởi sex. Sự nghiệp của Ronaldo bị tiêu tan ở tuổi 31 cũng vì sex. Ronaldinho đã ngấp nghé. Và Robinho từng để chân ngập đến đầu gối rồi mới rút ra kịp thời.

Mà cả thế giới bóng đá đều biết, rằng sex vô độ là kẻ thù số 1 của những ca chấn thương liên quan đến xương khớp, trong quá trình điều trị của các cầu thủ và là tác nhân rút ngắn tuổi nghề của họ.

Kaka, người cứu rỗi linh hồn Brazil

Cristiano Ronaldo nếu chuyển sang Real Madrid từ Man Utd sẽ phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng mọi thời đại. Mà không cần phải thương vụ này trở thành sự thật, thì các kỷ lục chuyển nhượng trong lịch sử bóng đá thế giới cũng không thuộc về các cầu thủ Brazil mà là của Zidane (45,6 triệu bảng, từ Juventus sang Real), Figo (37 triệu bảng, từ Barca sang Real), Crespo (35,5 triệu bảng, từ Parma sang Lazio). Brazil hiện thời chỉ có đúng một ngôi sao đủ tầm cỡ tấn công vào các kỷ lục chuyển nhượng kia, đó là Kaka. Ngôi sao đang khoác áo Milan là trường hợp ngoại lệ.

Kaka ngoại lệ từ vóc dáng cho tới ngoại lệ về tính cách và tính chuyên nghiệp. Nhìn Kaka, người ta dễ dàng coi anh là một cầu thủ châu Âu điển hình chứ không phải một cầu thủ Brazil của các lễ hội. Kaka cũng giấu những tính toán tiền bạc đằng sau vẻ mặt đẹp tựa như một thiên sứ, nhưng anh lại là người hiểu, rằng mức độ cống hiến bắt buộc phải tỉ lệ thuận với mức độ hưởng thụ. Và điều quan trọng, chính tình trạng không mất giá của Kaka ít nhiều chứng minh, các cầu thủ đồng hương của anh ta đã và đang tự hủy hoại họ.

Càng chín chắn càng rớt giá

Jô, một cầu thủ gần như vô danh với những người hâm mộ bình thường có giá khoảng 20 triệu bảng khi về Manchester City. Love, cầu thủ có chút tiếng tăm đang chơi cho CSKA Moskva cũng có cái giá tương tự nếu ai đó muốn có anh. Họ mới chỉ đôi mươi hoặc qua cái ngưỡng này một chút (Love 24 tuổi). Điều này cho thấy, các cầu thủ Brazil khi còn trẻ và chưa leo lên đỉnh vinh quang thường được đánh giá cao hơn các cầu thủ đã thành danh, kể cả là những người đang trong độ tuổi chín nhất của sự nghiệp. Robinho vẫn được định giá 48 triệu euro một phần vì nhờ điều đó. Daniel Alves trở thành hậu vệ cánh phải đắt nhất thế giới năm nay cũng mới chỉ 25 tuổi và những gì anh đạt được với Sevilla mới chạm tới vinh quang ở Cúp UEFA.

Trần Diệu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm