Khai quật điện Kính Thiên: 'Giải mã' được 30% kiến trúc gốc

15/12/2015 06:36 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Đợt khai quật năm 2015 tại khu vực thành cổ Hà Nội đã làm phát lộ thêm nhiều kiến trúc liên quan tới điện Kính Thiên, công trình quan trọng nhất của cụm di sản Hoàng thành Thăng Long.

1. “Một lần nữa, đợt khai quật này lại khiến giới nghiên cứu bất ngờ về những lớp văn hóa phong phú tại Hoàng thành”  – GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, nhận xét trong buổi hội thảo đánh giá kết quả sáng 14/12.

Trong 5 năm qua, các đợt khai quật tại Hoàng thành Thăng Long (HTTL) vẫn được Viện khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai đều đặn, với diện tích khoảng 1000 m2/lần.


Điện Kính Thiên năm 1873 (tranh tu lieu cua nguoi Phap)

Đợt khai quật năm 2015 này diễn ra ở phía Bắc cổng Đoan Môn, thuộc khu vực được cho là không gian cũ của điện Kính Thiên thời Lê (và cũng là các điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, Trần). Tầng di tích phát lộ có độ dày khoảng 5m, với nhiều lớp văn hóa nối tiếp nhau, trải dài theo niên đại từ các thời Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho tới đầu thế kỷ XX

 Đặc biệt trong số này, lớp văn hóa thời Lý – Trần đã cho thấy nhiều vết kiến trúc độc đáo, bao gồm 6 móng cột gia cố bằng sành, 3 “bồn hoa” thuộc kiến trúc vườn, các dải gạch hoa chanh, dấu vết kéo dài của đường nước từng được phát hiện năm 2013…

Còn lại, ở tầng văn hóa thời Lê (giai đoạn tồn tại điện Kính Thiên), giới nghiên cứu tiếp tục tìm thấy các dấu vết về sân Đan Trì, cũng như hệ thống hành lang và tường vây thuộc khu vực góc Tây Nam của điện.

Thêm một số giả thiết quan trọng về số phận điện Kính Thiên trong lịch sử đã được đưa ra tại Hội thảo. Theo đó, chỉ riêng trong thời Trần, kiến trúc này đã trải qua 2 lần xây dựng sửa chữa lớn vào đầu thế kỷ XIII (khi vương triều Trần bắt đầu) và thế kỷ XIV (sau khi các kiến trúc cung đình cũ bị giặc Nguyên phá hủy khá nhiều). Hoặc, khi bước sang thời Lê Trung Hưng vào thế kỷ XVI, điện Kính Thiên cũng được xây dựng về cơ bản so với thời Lê mạt trước đó.


PGS Tống Trung Tín, GS Phan Huy Lê và các chuyên gia tại hố khai quật mới được mở vào năm 2015

2. “Từ kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua, chúng ta có thể… đoán được 30% về mặt bằng kiến trúc của điện Kính Thiên trong lịch sử” – PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ VN, chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam). Cơ bản, đó là những thông tin về trục chính điện thời Lê kéo dài từ  khu vực Cột Cờ qua Đoan Môn tới Hậu Lâu, hoặc thông tin về sân Đoan Trì trước chính điện cùng hệ thống hành lang bao quanh…

Về lý thuyết, 70%  thông tin còn lại của điện Kính Thiên – đặc biệt là những thông tin về kiến trúc của cụm chính điện - sẽ  phụ thuộc vào kết quả của những đợt khai quật trong thời gian tới.

Xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc mới ở Chính điện Kính Thiên

Xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc mới ở Chính điện Kính Thiên

Đây là thông tin được công bố tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2015 tại Hoàng thành Thăng Long, do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức.


Cần nhắc lại, việc khai quật, khảo sát tại khu vực HTTL đã được tiến hành một số đợt kể từ năm 2002- trước khi được tổ chức thường niên từ năm 2010. 30% thông tin được thu về sau ngần ấy năm có thể là chậm so với sự mong đợi của dư luận, nhưng cũng là hợp lý nếu xét tới việc cố đô Nara (Nhật Bản) cũng đã từng trải qua gần 50 năm khảo sát và khai quật trước khi bắt đầu phục dựng.

Được biết,  giới khảo cổ cũng nhiều lần đề xuất mở rộng diện tích khai quật, thám sát tại HTTL (cụ thể là khu vực thành cổ Hà Nội) trong vài năm qua. Bởi, với tổng diện tích gần 130.000m2, việc chỉ có 1.000 m2 được khảo sát hàng năm bị coi là… quá ít.

“Đề xuất này cũng có những điểm hợp lý. Tuy nhiên, nếu được triển khai, chúng ta nên nghĩ tới việc hợp tác, kêu gọi các chuyên gia quốc tế cùng tham gia để công việc đạt hiệu quả cao nhất” – GS Phan Huy Lê nhận xét trong cuộc hội thảo sáng 14/12.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm