Hãy trả lại vị trí cho môn Lịch sử!

04/08/2011 10:34 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Tiếp tục câu chuyện điểm Sử kỳ thi ĐH năm nay, GS Đinh Xuân Lâm - một trong “tứ trụ” (Lâm - Lê - Tấn - Vượng) của ngành Lịch sử Việt Nam đương đại cùng PGS-TS Phạm Quốc Sử, nguyên giảng viên môn Lịch sử (ĐHSP HN) đã đưa ra góc nhìn riêng trong cuộc trao đổi với TT&VH.

GS Đinh Xuân Lâm cho biết, năm nào ông cũng tha thiết theo dõi kết quả điểm Sử của kỳ thi ĐH, để thấy sự phát triển của ngành mà ông gắn bó. Với kết quả điểm Sử năm nay, ông chia sẻ: “Tôi không thể hiểu được vì sao môn Sử lại có hàng ngàn điểm 0. Chấm điểm theo cách chấm hiện nay thì đề bài không chỉ có một câu mà nhiều câu, chia ra rất nhiều điểm. Ít nhất học sinh phải có được số điểm nào đó chứ không thể là điểm 0 được. Đây là một sự thảm bại và là tin buồn cho cả xã hội chứ không riêng gì cho các em, phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo hay những người trong cuộc như chúng tôi”.

Đề khó!

GS Đinh Xuân Lâm cho rằng đề thi Lịch sử năm nay là khó. Ông phân tích: “Câu 2, đề yêu cầu học sinh so sánh một vấn đề rất lớn của lịch sử là “Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939 - 1945?” nhưng lại không trích dẫn văn kiện đó vào đề để các em có nguồn so sánh. Học sinh lại phải nhớ thêm nội dung hai văn kiện nêu trên là vấn đề không đơn giản. Vế tiếp theo của câu hỏi không nằm trong tư duy liên hệ trực tiếp của học sinh. Vì vậy, khi gặp câu hỏi này, học sinh dễ bị rối trí trong việc lập luận để giải quyết các vấn đề đặt ra trong đề bài”.

GS Đinh Xuân Lâm (trái) và học trò - PGS-TS Phạm Quốc Sử

PGS-TS Phạm Quốc Sử cũng cho rằng đề thi có 5 câu thì có tới 4 câu khó. Ông nêu câu hỏi 3 để chứng minh cho quan điểm của mình: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), nhân dân VN đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mỹ cút bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam”.

Để giải được câu hỏi trên cần phải nhắc đến thắng lợi của quân và dân miền Nam trong năm 1972, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối 1972; và cuối cùng là kết quả thắng lợi của Hội nghị Paris về Việt Nam (1973). Nếu học sinh nào “trực giác” nghĩ ngay đến “đánh” thì chắc chắn em đó cũng chỉ nghĩ đến những chiến thắng của quân và dân miền Nam năm 1972 và chiến thắng Điện Biên Phủ trên không chứ không nghĩ đến kết quả Hội nghị Paris về Việt Nam. Bởi lẽ Hội nghị Paris về Việt Nam là hòa đàm chứ không phải “đánh” (như đề bài yêu cầu) nên học sinh rất dễ nhầm lẫn và ngồi... cắn bút, kể cả với học sinh khá giỏi chứ không nói gì đến học sinh trung bình”.

Trả lại vị trí cho môn Sử

Theo GS Đinh Xuân Lâm, môn Sử đang không được đặt đúng vị trí của nó vì nhiều người nghĩ, học Sử không phù hợp với “thời kinh tế thị trường” so với các ngành, nghề khác. Bên cạnh đó nhà trường cũng chưa đặt đúng vị trí môn Sử, vẫn chưa coi môn Sử là môn học quan trọng.

Ông nhấn mạnh: “Môn Sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục con người, tư cách đạo đức con người. Dạy Sử chung quy là dạy tinh thần yêu nước. Chúng ta chưa thật sự ứng xử với môn Lịch sử như là một môn khoa học mà chỉ xem nó như là một môn tuyên truyền, áp đặt về mặt tinh thần, tư tưởng để phục vụ cho từng giai đoạn”.

PGS-TS Phạm Quốc Sử thì cho rằng tình trạng bi đát về điểm Sử như hiện nay không thể đổ lên đầu các thầy cô giáo dạy Sử ở bậc phổ thông bởi lẽ họ đã phải chịu rất nhiều khó khăn.

Ông bày tỏ quan điểm: “Vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ nhận thức về lịch sử là rất cần thiết. Nếu có nhiều phương tiện để hỗ trợ cho việc giảng dạy môn Lịch sử, ví dụ như trình chiếu, nghe nhìn, trực quan cụ thể sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên nếu truyền thông không tốt, cứ dội vào học sinh một cách “xối xả” cũng sẽ gây nên “tác dụng phụ” khiến học sinh hoang mang, dễ lạc lối và dễ nhầm lẫn về sự thật lịch sử với cái hoang đường, hư cấu.

PGS-TS Phạm Quốc Sử nhấn mạnh: “Tôi không tin học sinh Việt Nam thuộc sử nước khác hơn là biết sử Việt Nam vì cần phải phân biệt những gì các em nói ra có thật là kiến thức lịch sử hay chỉ là những “tác phẩm hư cấu” từ sản phẩm truyền thông. Tức là kiến thức lịch sử khoa học với những kiến thức lịch sử đã mang tính dã sử, hư cấu là hai cái khác nhau... Nếu làm phim về lịch sử mà bỏ qua những quan điểm cố vấn của các nhà làm Sử để chiếu những bộ phim sai sự thật, không đúng với lịch sử thì chẳng khác gì chúng ta đang “đầu độc” học sinh, làm phương hại lịch sử.

Để giải quyết được vấn đề này, cần phải xem lại quan điểm giáo dục, mục tiêu giáo dục chứ không phải chỉ đi mổ xẻ SGK, phương pháp giảng dạy, hay truyền thông cho lịch sử. Bởi tất cả những cái đó, chúng ta đã làm rồi, nhưng không thành công thì phải nghĩ đến “tầng cao hơn”.

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm