Hà Giang-mùa tình nguyện nơi địa đầu Tổ quốc

01/04/2009 16:26 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - 15 ngày, đây có lẽ được coi là chuyến đi dài nhất đối với tôi cho tới thời điểm này. Khi đã là một sinh viên sắp ra trường thì cảm xúc về những ngày tháng đi tình nguyện ở vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc lại ùa về trong tôi…

Có ai đó đã từng nói rằng, đi nhiều khiến Trái đất trở nên nhỏ lại và kiến thức của ta lại mở rộng ra. Bản thân tôi cũng đã từng đi qua những miền đất khác nhau của đất nước nhưng chuyến đi tình nguyện ở Hà Giang có lẽ sẽ là chuyến đi nhớ nhất trong cuộc đời tôi.

Sinh viên tình nguyện chúng tôi đến Hà Giang không mong muốn sẽ thay đổi được điều gì quá lớn ở mảnh đất mà mọi phong tục tập quán đã ăn sâu bao đời, càng không có hi vọng khiến đời sống người dân trở nên khá hơn, mà chúng tôi chỉ muốn thổi một luồng không khí mới vào bản làng, vào những đứa trẻ thơ ngây, ánh mắt sáng long lanh và nụ cười trong trẻo, hồn nhiên.

Khó có thể hình dung được sự khó khăn của đoàn sinh viên tình nguyện chúng tôi khi sống 15 ngày ở một vùng đất mới, đặc biệt lại ở một nơi mà thiếu đủ thứ từ những thứ được coi là tối thiểu nhất. Vừa đến đây là mọi người biết ngay mình sẽ bị “ cô lập” trong nửa tháng tới: đài, TV chẳng có, và tất nhiên điện thoại bây giờ chẳng khác gì “cục gạch”, nếu khả quan hơn có thể coi nó như một cái đồng hồ để xem giờ. Không nước tắm, không quạt điện giữa cái nóng 37 độ C của tháng 7. Đêm đến, nỗi sợ hãi nhất lại là muỗi, muỗi rừng đốt độc hơn muỗi ở xuôi, bởi thế mà sáng ra, bàn chân nõn nà thường ngày của đứa nào cũng đầy vết thâm tím. Nhưng có lẽ, chính những khó khăn ấy lại trở thành những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời sinh viên chúng tôi. Sóng điện thoại yếu hoặc thậm chí không có, nhiều đứa nhớ người yêu quá còn trèo lên cây “hớt” sóng, vừa ôm cây, vừa “alô”; Không có nước tắm, chúng tôi phải rủ nhau ra tắm ở một con suối cách đó không xa, cả lũ đùa nhau vùng vẫy dưới suối, mặt trời chiếu những tia nắng yếu ớt cuối cùng đang khuất dần sau dãy núi, mặt nước lấp loáng, tiếng suối róc rách khiến chúng tôi cảm thấy như thực sự được hoà mình với thiên nhiên hoang dã. Nhưng sự thật bao giờ cũng phũ phàng, chỉ ngay hôm sau, chúng tôi bị ghẻ và phải bôi thuốc. Sau đó, chúng tôi được biết, dòng suối này là nơi mà những con trâu thường đầm mình nên không được sạch như nhìn thấy!!!

Có lẽ, vui nhất đối với chúng tôi trong những ngày ở Hà Giang là những buổi tối đi biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con trong các thôn. Thôn bản tối om, không ánh điện, chỉ có ánh đèn dầu phát ra từ những lán ọp ẹp lẩn khuất dưới chân núi. Nhà văn hoá thôn tối om, bụi bẩn như thể đã lâu lắm người ta không đặt chân đến đây vậy. Một sân khấu dựng vội với ánh đèn mờ ảo, từng ấy cũng đã đủ để chúng tôi tổ chức nên một buổi biểu diễn thật hoành tráng. Bà con kéo đến mỗi lúc một đông, mẹ dắt con, cháu dắt bà, chị dắt em… Tôi nhận thấy trong mắt họ ánh lên niềm hạnh phúc, sự hi vọng. Nó làm tôi nhớ ngày xưa khi mà lũ trẻ con ở quê chúng tôi cũng kéo nhau đi xem xiếc, chèo…. khi có một đoàn nào đó về biểu diễn.

Những người khiến chúng tôi không muốn rời xa mảnh đất này nhất lại là các em nhỏ. Chúng tôi tập hợp bọn trẻ lại, tổ chức thành các lớp học nhỏ theo độ tuổi. Chúng tôi dạy chúng hát những bài hát thiếu nhi, kể những câu chuyện cố tích, và đặc biệt, cách phát âm tiếng Anh của chúng khiến chúng tôi không nhịn được cười… Những ánh mắt tròn xoe nhìn chúng tôi đầy nghi vấn, những giọng nói lơ lớ tiếng Kinh, những tiếng đọc O, A…vv… tất cả vẫn in sâu trong kí ức tôi….

Có lẽ, kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi khi sống trong những ngày tháng tình nguyện, đó là buổi tối ngày thứ 14-trước ngày chúng tôi chuẩn bị về Hà Nội. Trời mưa tầm tã, tôi bỗng nhận được một cây phong lan của em Chửng tặng… Nước mắt trào dâng, tôi thấy tiếc sao ngày về đến nhanh quá!

Kết thúc bài viết về chuyến đi tình nguyện Hà Giang này, tôi xin kể lại một câu chuyện mà bất kỳ sinh viên tình nguyện nào cũng đã từng nghe qua: “Sau một đêm mưa bão, các con cá bị mắc kẹt lại trên bãi cát, một cậu bé đi lượm lại tất cả nhưng con cá đó và thả chúng trở về biển, một ông già thấy vậy ngạc nhiên nói: “nhiều cá như vậy bao giờ cậu mới thả được hết chúng? hơn nữa chẳng ai ghi nhận hành động đó của cậu cả”---“Không ai biết nhưng những con cá sẽ biết ông ạ”!- Vâng, sinh viên đi tình nguyện cũng chỉ mong muốn mang đến một điều gì đó mới mẻ cho những mảnh đất mình từng đi qua hay những con người mà mình từng tiếp xúc.

Khi kể lại câu chuyện này, trong lòng tôi lại dạt dào cảm xúc và trỗi dậy lên ngọn lửa tình nguyện, ngọn lửa của tình yêu thương!

Khổng Thị Mai Lan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm