'Gọi tháng Ba' của Hàm Anh - Đắm say từ những điều dung dị

14/03/2016 13:11 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tám năm sau Màu tự nhiên, nhà thơ Hàm Anh vừa cho ra mắt tập thơ thứ 2 mang tên Gọi tháng Ba. Tập thơ dung dị từ lời thơ tới cách trình bày, quảng bá; đi sâu vào lòng độc giả bởi sự chân thật trong cảm xúc.

Hàm Anh thuộc thế hệ văn nghệ sĩ cuối cùng được cử sang Liên Xô học tại Trường Viết văn Gorki. Làm việc trong ngành ngoại giao, chị có cơ hội đi đến nhiều nơi trên thế giới, có được những trải nghiệm ít người có được.

Thế nhưng, thơ Hàm Anh vẫn mang đậm chất Á Đông: tinh khôi, e ấp mà chan chứa nỗi lòng; nó giống như tháng Ba mà thi sĩ miêu tả rằng: “Mùa Xuân rất đẹp nhưng cũng có những ngày xám xịt. Mưa tháng Ba thì lạnh và ẩm. Tuy có thể khó chịu nhưng rồi mùa Xuân vẫn đến, vẫn yêu con người, vẫn sinh sôi nảy lộc…”.


Nhà thơ Hàm Anh trong buổi ra mắt sách. Ảnh: Thụy Oanh

 Nhà thơ Bằng Việt, khi đọc Gọi tháng Ba đã thốt lên rằng: “Bài thơ nào cũng có hương vị, màu sắc, cũng có gì rất riêng tư đáng quý. Hàm Anh viết chưa nhiều nhưng đã tạo cho mình một sắc thái riêng và nhất là có được bản lĩnh riêng trong thơ”.

Tập thơ nhỏ gọn bởi lời thơ tinh giản, đôi lúc tưởng chừng như đọc thơ haiku; nhưng chứa đựng rất nhiều chủ đề như tình yêu, cuộc sống, sự tiếc nuối, mối giao cảm với thiên nhiên.

Thơ gồm bản tiếng Việt do Hàm Anh viết tay, bản tiếng Anh do Trịnh Lữ dịch và giáo sư John Welfield hiệu đính. Sách khi tới tay độc giả rất đẹp và tinh tế. Tuy nhiên, quá trình sáng tác, in ấn, bày bán lại rất… sơ khai.

Hàm Anh nói rằng, ảnh hưởng của thời gian học tại Trường Viết văn Gorki mạnh đến nỗi khoảng 10 năm sau đó chị đã không viết gì. Cho tới một lần, chị nhận được cuộc điện thoại bất ngờ từ một nhà sư sống trên núi – người muốn xin bản quyền một số bài thơ của Hàm Anh mà ông tình cờ đọc được ở đâu đó, để phổ nhạc và có ý định ra đĩa CD. Câu chuyện này đã phần nào động viên và thức tỉnh Hàm Anh để chị tiếp tục thả hồn theo những vần thơ.

Tám năm sau Màu tự nhiên, khi viết thêm được khoảng 60, 70 bài, một người bạn đã giúp chị tìm nhà xuất bản. Hàm Anh cặm cụi viết tay các bài thơ, nhờ Trịnh Lữ thiết kế mỹ thuật rồi tới tận nhà in và chứng kiến đứa con tinh thần của mình ra đời. Cũng tự tay Hàm Anh mang thơ mình đến các nhà sách và hội thơ. Chị vẫn nhớ mãi bữa lẩu “cứu đói” của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hôm đi bán thơ...

 Nét đẹp trong thơ và sự chân chất trong lối sống đã mang tới cho đêm ra mắt thơ của chị bầu không khí ấm áp, trân trọng. Có những người dù mới biết chị, nhưng cảm mến qua thơ nên chỉ ít ngày sau khi Gọi tháng Ba ra mắt, đã phổ nhạc cho thơ chị.

Trong không khí se lạnh mưa phùn tháng Ba, nhà thơ Đinh Hoàng Anh cùng chồng và nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ đã thể hiện ngay các ca khúc mình sáng tác.

Không cần phô trương, nổi tiếng, thơ của Hàm Anh đến với độc giả đúng như chị nói: “Tôi trao cho bạn một con chữ/ Bạn hãy để nó rơi trong lòng/ Như viên xúc xắc sáu mặt biến hóa/ Có lần đổ ra là: cả một mùa xưa…”.

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm