Giáo làng

18/11/2010 15:20 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Thuở vỡ lòng, tôi học ông giáo Nhâm, người làng.

Giáo làng là người dạy chữ cho đám trẻ mũi thò lò. Lúc ấy, giáo làng chưa được gọi là thầy. Dân tình chỉ gọi là “ông giáo” nhưng cũng không vì thế mà giảm sự kính trọng với người khai tâm chữ nghĩa cho con cái họ.


Đó là lớp học hình thành do mấy nhà có con cùng lứa. Lớp học ở ngay nhà ông giáo. Nhà ông rộng rãi, chỉ có một mình nên không có trẻ con đùa nghịch. Nghĩ cũng hay cho giáo dục thời ấy. Ông Nhâm làm thầy giáo chẳng lệ thuộc vào ai, giống như trong xóm đổi công giúp việc cho nhau. Thầy giáo làng thời đó trên không đe, dưới không búa. Có ông thì lớp 1 mới có học sinh, vì lớp 1 chỉ tiếp nhận học sinh biết mặt chữ. Hệ thống giáo dục thời kháng chiến không có vỡ lòng.


Minh họa của Đỗ Đức

Lớp của ông giáo Nhâm rất giống bức tranh Thầy đồ cóc. Ông giảng ê a, trò đồng thanh đọc theo cái thước trên tay thầy chỉ từng chữ và gõ cái cạch trên bảng. Có đứa ngủ gật mặt chúi xuống bàn, mắt nhắm nghiền mà vẫn ngoác mồm gào to.

Giám sát và thực thi kỷ luật lớp là chiếc roi mây gài trên vách sau chỗ ông giáo ngồi. Ông ít đánh trò nhưng cái roi với chúng tôi vẫn là hung thần phải coi chừng. Thời ấy các cụ dạy bảo theo cách nghĩ “già đòn, non nhẽ”. Mấy đứa cùng lớp đã có lần bị quất roi cảnh cáo thôi mà lưng nổi con chạch vài ngày. Cả lớp nhìn cái roi sợ đến xanh mắt. Bố mẹ chẳng ai phản đối cái roi, vì để trị lười học và học dốt chỉ có mỗi cách ấy.

Không có ngày 20 tháng 11 cho các thầy thời ấy.

Ngày Tết, lễ thầy chai rượu cuốc lủi hoặc bánh thuốc lào Vĩnh Bảo quấn bằng lá chuối khô là sang trọng rồi. Vậy mà nhiều nhà không có nổi. Nhưng ông giáo cũng không bảo sao. Ông dạy học lấy công bằng thóc sau vụ gặt, đó là cách trả lương thầy ở nông thôn.

Có lần bố bảo tôi đem quà Tết sang cho ông giáo Nhâm, tôi lễ mễ ôm chai rượu, tay kẹp theo bánh thuốc lào, thấy tôi ông nhìn nhìn rồi mủm mỉm cầm roi chỉ chỉ bảo: biếu thầy cả cái này à. Tôi giật mình mới biết mình chỉ mặc áo mà không mặc quần. Trẻ con thời ấy chỉ cần cái áo ấm ngực, còn cởi truồng là chuyện thường. Miền núi bây giờ nhiều nơi trẻ con cũng không có quần dù là mùa rét.

Một lớp học như thế tồn tại mãi đến hòa bình lập lại ở miền Bắc.

Bây giờ giáo dục đã thay đổi rất nhiều, gấp cả trăm lần cái sơ sài ấu trĩ thời ấy. Tuy vậy, bây giờ sự dạy học vẫn còn có cái gì giống Tôn Ngộ Không, biến gì thì biến, nhưng cái đuôi khỉ thì không giấu được. Đó là vẫn còn đầy dấu vết cách mà ông giáo Nhâm mở lòng cho lớp chúng tôi. Bây giờ việc ê a đọc chép vẫn còn tồn tại ngay cả ở phổ thông trung học. Lại nghe bảo đại học cũng còn thế...

Đông Ngàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm