Giao hữu quốc tế: Chiến thắng cho trường phái Latin

14/02/2009 09:05 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) -  Brazil đánh bại Italia ở Emirates, Argentina thắng Pháp ngay tại Marseille và TBN kết thúc chuỗi bất bại của Anh, những đội bóng có lối chơi phóng khoáng, giàu chất kỹ thuật và cống hiến đã đánh bại các đối thủ châu Âu cứng nhắc và quá chú tới chiến thuật trong một loạt trận giao hữu có nhiều sự kiện đáng nhớ.

Tại Marseille, Lionel Messi đã ghi một bàn thắng tuyệt đẹp trong hiệp 2 để khẳng định chiến thắng của ĐT Argentina, tiếp tục khởi đầu hoàn hảo cho HLV Diego Maradona trên cương vị mới. 4 phút trước giờ nghỉ, tiền vệ đang khoác áo Newcastle Jonas Gutierrez đón một quả tạt của Sergio Aguero từ cánh phải và đưa bóng qua tay thủ thành Steve Mandanda để đưa đội khách lên dẫn trước.

Đây là chiến thắng thứ hai của Maradona kể từ khi ông dẫn dắt Argentina tháng 11/2008. “Đây là một trận đấu rất tích cực”, huyền thoại một thời của bóng đá xứ Tango nói với sự vui mừng không giấu giếm sau trận đấu, bởi lẽ đối thủ Pháp rõ ràng được đánh giá cao hơn rất nhiều so với Scotland mà ông đã đánh bại 1-0 trong màn ra mắt ĐTQG, “Sau 20 phút, các cầu thủ của tôi nắm quyền kiểm soát bóng, và khi đó chúng tôi không cần phải phòng ngự. Tôi có một đội hình tuyệt vời với các cầu thủ hoàn toàn tuân thủ kỷ luật chiến thuật”.
 
Lionel Messi giúp Argentina thắng Pháp ngay trên sân khách

Thật ra thì đội khách đã khởi đầu khá thận trọng nhưng pha làm bàn của Gutierrez đã mang về sự tự tin giúp Argentina hoàn tất chiến thắng. Đội chủ nhà đã chơi với áp lực khá lớn lên phần sân Argentina trong hiệp 1 với hai tiền vệ cánh Franck Ribery và Yoann Gourcuff hoạt động không mệt mỏi. Trong 15 phút đầu tiên, bộ đôi tiền vệ trung tâm Lassana Diarra và Jeremy Toulalan đã không cho Messi một khoảng trống nào, nhưng khi bắt đầu bắt được nhịp, Argentina đã phát huy được những phẩm chất của họ.

Sau khi bị dẫn trước trong hiệp 1, HLV Raymond Domenech thay Anelka bằng Karim Benzema ở phút 65 nhưng khi Gourcuff và Ribery bị Fernando Gago và Javier Mascherano đeo bám sát sao, các tiền đạo của Pháp không còn có mấy cơ hội. Thất bại ngay trên sân nhà là một nỗi thất vọng với các cầu thủ Pháp bởi lẽ họ sẽ phải chuẩn bị cho trận đấu với Litva ở Kaunas tháng tới ở vòng loại World Cup 2010 trong bối cảnh đang xếp thứ 3 ở bảng 7, kém Litva và Serbia tới 5 điểm, dù còn 1 trận chưa đấu.
 
Một ngày trước đó, bên kia eo biển Manche, trong trận đấu được gọi là “giao hữu siêu kinh điển”, láng giềng và kình địch của Argentina, Brazil, cũng đã giành được chiến thắng 2-0 thuyết phục trước đội ĐKVĐ thế giới Italia trong một trận đấu mà hàng phòng ngự nổi tiếng của HLV Marcello Lippi đã không hoàn thành nhiệm vụ khi phạm sai lầm khá sơ đẳng trong cả hai bàn thua, mà Elano và Robinho đã tận dụng được cho đội bóng Nam Mỹ.

Trong khi London trở thành sân khấu cho hai nhà VĐTG trình diễn, ĐT Anh lại phải lặn lội sang Seville để rồi ra về trong thất bại trước đội ĐKVĐ châu Âu TBN. Trận đấu tại Seville được coi là cơ hội để HLV Fabio Capello xem xét việc ĐT Anh đã tiến được bao xa kể từ khi ông lên năm quyền vào cuối năm 2007 và hàng tiền vệ đội khách đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong 30 phút đầu tiên. Tuy nhiên, một đường chuyền bất cẩn của Phil Jagielka cùng sự bất lực của các hậu vệ Anh trước David Villa khiến thủ thành David James đã phải vào lưới nhặt bóng. Đây là trận thứ 6 liên tiếp chân sút của Valencia ghi bàn cho ĐTQG.

Hiệp 2 đánh dấu một kỷ lục với bóng đá Anh khi David Beckham được tung vào sân, trận thứ 108 của anh cho ĐTQG, ngang bằng với kỷ lục của đội trưởng ĐT Anh VĐ World Cup 1966 Bobby Moore. Nhưng sự xuất hiện của Beckham, cùng 4 cầu thủ mới khác mà Capello thay vào sân ở Sanchez Pizjuan, không giúp gì cho đội khách khi TBN tiếp tục kiểm soát thế trận trước một đối thủ gần như không thể đe dọa họ. Vào sân từ băng ghế dự bị Fernando Llorente nhân đôi cách biệt khi bật cao hơn các trung vệ Anh đánh đầu tung lưới Robert Green chỉ 10 phút trước khi hết giờ.

Hiện cả hai đội đầu đang dẫn đầu bảng đấu của họ ở vòng loại World Cup 2010 với 4 trận toàn thắng. Trận tiếp theo của TBN ở vòng loại là gặp TNK ngày 28/3 tại Madrid trong khi Anh tiếp Ukraina ngày 1/4 ở Wembley.

Một chút an ủi cho các CĐV Anh là cũng trong tối thứ Tư, kình địch đáng ghét của họ, ĐT Đức, cũng thua trận, ngay trên sân nhà trước một đối thủ bị đánh giá thấp hơn, Na Uy. Đội bóng Bắc Âu đã không mất nhiều sức lực để đánh bại một đối thủ tỏ ra thiếu động lực và nặng nề với bàn thắng duy nhất của Christian Grindheim trong hiệp 2 ở Dusseldorf.

Đội chủ nhà thiếu sự sáng tạo và khả năng gây đột biến dù họ ra quân với đội hình mạnh nhất khi đội trưởng Michael Ballack và tiền vệ trung tâm Torsten Frings đã trở lại. Mario Gomez tiếp tục tỏ ra vô duyên khi anh bỏ lỡ cơ hội khá ngon ăn vào đầu trận, cũng là cơ hội đáng kể duy nhất của ĐT Đức trong hiệp 1. HLV Joachim Loew và các học trò đã may mắn khi không thua đậm hơn với việc trọng tài đã bỏ qua quả phạt đền ở phút 21 khi Heiko Westerman phạm một lỗi khá thô thiển với Daniel Braaten trong vòng cấm.

Dù không ép sân, nhưng Na Uy luôn tỏ ra chủ động và họ đã có bàn ấn định chiến thắng xứng đáng ở phút 63 khi đám đông các hậu vệ Đức, vốn đã lỏng lẻo suốt từ đầu trận, không ngăn nổi một quả tạt của Morten Gamst Pedersen cho Grindheim. Loew đã đưa ra một số thay đổi, bao gồm việc đưa tài năng trẻ Mesut Ozil vào sân trong trận đầu tiên cho ĐT Đức. Ozil đã gây ra tranh cãi dữ dội giữa Đức và TNK trước khi anh lựa chọn nơi sinh sống, chứ không phải quê hương, để phục vụ. Tuy nhiên, thất bại này cũng không phải là một tai họa khi ĐT Đức vẫn đang vững bước trên đường tới Nam Phi với 4 điểm nhiều hơn đội xếp thứ hai Nga ở bảng 4. Lịch thi đấu tiếp theo của họ sẽ là gặp Liechtenstein ngày 28/3 và Wales ngày 1/4.

Láng giềng của Na Uy, Phần Lan, cũng đã có một trận đấu tốt ở BĐN, nhưng không gặp may và cuối cùng đành thúc thủ 0-1 trước đội chủ nhà với quả penalty trong hiệp 2 được Cristiano Ronaldo thực hiện thành công. Vấn đề lớn nhất với đội bóng của HLV Carlos Queiroz mà ông kế thừa từ người tiền nhiệm, sự bất lực của hàng công, vẫn chưa có lời giải, và BĐN cần sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề trước khi quá muộn.

Trong một số trận giao hữu đáng chú ý khác, Hà Lan bị Tunisia cầm chân 1-1 còn Croatia đánh bại Romania 2-1, trận đấu đánh dấu sự trở lại của tiền đạo sinh ở Brazil hiện đang khoác áo Arsenal với đường chuyền kiến tạo để Niko Kranjcar ấn định chiến thắng cho Croatia. Eduardo đã vắng mặt suốt 1 năm qua kể từ sau chấn thương chân nghiêm trọng khi chơi bóng ở Anh.

Kết quả giao hữu

Slovakia – Ukraina 2-3

Brazil – Italia 2-0

Serbia – Ukraina 0-1

Ba Lan – Wales 1-0

Ai Cập – Ghana 2-2

Nam Phi – Chile 0-2

TNK – Bờ Biển Ngà 1-1

Romania – Croatia 1-2

Maroc – CH Czech 0-0

Hy Lạp – Đan Mạch 1-1

Áo – Thụy Điển 0-2

Đức – Na Uy 0-1

Tunisia – Hà Lan 1-1

Pháp – Argentina 2-0

BĐN – Phần Lan 1-0

TBN – Anh 2-0
 
Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm