Đọc sách: Những vách mỏng của tim

23/09/2012 15:00 GMT+7 | Đọc - Xem


Chân dung nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan

(TT&VH) - Đọc Em làm ơn im đi được không?, tập truyện ngắn, Raymond Carver, người dịch Lâm Vũ Thao, Nhã Nam & NXB Văn học, 2012. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan giới thiệu.

Khác với những truyện rất ngắn đầy khoảng trống hàm ngụ giữa các câu và các đoạn văn trong tập Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình mà Nhã Nam & NXB Văn hóa Sài Gòn đã xuất bản vài năm trước; tập truyện này của Raymond Carver không gợi ấn tượng cái được gọi như phong cách “chủ nghĩa tối giản”, nhưng tính sắc bén và chính xác của lời kể vẫn còn nguyên đó.


Với một sự tận tụy chăm chú trong việc mô tả những biểu hiện bề mặt của đời sống mà người quan sát thông thường hay lướt qua bởi chúng thông thường…, những biểu hiện mà Raymond Carver tái tạo tính chất dấu hiệu và thông báo nhạy cảm của chúng - một diện mạo, một loạt cử chỉ hay dáng điệu, những lời đối thoại và các tư thế của con người nói chung - và nhà văn này sẽ khiến ta chú mục ở những biểu hiện đó. Bởi cách ông phân lập chúng hết sức khúc chiết mà vẫn hoàn toàn sống động. Ông phân lập chúng như lối “điểm họa” trong nghệ thuật, khiến ta chợt kinh ngạc khi sau mỗi đoạn văn tưởng như chỉ tường thuật (hay thậm chí, hoạt kê) một vài tình huống tầm thường mà nhân vật trong truyện đã biến đổi sâu xa về trạng thái, cảm giác bất trắc hay nỗi lo sợ một sự thất vọng sẽ đến rất gần và không báo trước, hoặc cảm giác rõ rệt một tai họa lửng lơ, trực chờ, nhưng hình dạng mơ hồ bởi  chính tâm trí người ta cố tình lảng tránh.

Bìa cuốn sách "Em làm ơn im đi được không?"

Và có lẽ đó là cái hiệu ứng sẽ khiến ta nhiều lần phải đọc đi đọc lại, với một sự sốt ruột tò mò thú vị hầu như khó bao giờ được thỏa mãn và gần như chắc chắn sẽ đưa ta vào một mê cung có đánh dấu đường ra.

Thoạt trông thì giản đơn, giữa các dòng chữ ấy, đưa dẫn ta tự khám phá điều gì đó rất gần với kinh nghiệm của chính mình, rất gần với cái gì đó ta đã từng biết nhưng không biết rõ mà bây giờ với câu chuyện này đây hình như ta lại có cơ hội ... Và, có thể là một trong những đặc tính quan trọng nhất với ta, những truyện này, những cái mê cung sáng rõ của các thứ dấu hiệu này, luôn luôn chỉ vạch đường bên trong cái xưa nay vẫn được gọi là trái tim người, mà việc mô tả khách quan tới hạn ở đây gợi ý rất rõ rằng ta hầu như chẳng biết gì - vì chẳng bao giờ hình như có đủ thời gian phân lập rồi tích hợp những nhấp nháy phập phồng thường nhật nhưng đa dạng vô tận biểu hiện trên bề mặt ấy.

Để có thể nghe ra được hay thậm chí nhìn được thấu qua những vách ngăn rất mỏng của nó, nhận ra tính duy nhất hệ trọng hay hiểm nghèo của những cửa van mà qua đó sự sống tuôn đi hay ngập ngừng trì trệ, có thể tiếp tục hay bị bóp nghẹt chỉ bởi một cuộc say rượu đi ra ngoài ban đêm với ông bạn của chồng mình, chỉ bởi một lá thư đợi mãi rồi khi thư đến bị một gã chào hàng lấy mất ngay trước mắt, hay chỉ bởi một cú xoay lưng vô tình hờ hững trên giường ... 

Raymond Carver tái tạo cái thế giới cá nhân mà ta tưởng rằng ta đã biết.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm