Dịch giả quốc tế “săn tìm” văn trẻ Việt Nam

07/01/2010 10:33 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Theo lời nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, mối quan tâm lớn nhất và tập trung hơn cả trong các tham luận của các đại biểu cũng như NXB nước ngoài là nhu cầu tìm hiểu văn học đương đại Việt Nam cũng như gặp gỡ, giao lưu, “tìm kiếm” tác phẩm của các nhà văn trẻ... Thế nhưng trong ngày thảo luận nhóm chuyên đề Gặp gỡ các nhà văn trẻ (ngày 6/1 tại Khách sạn Tây Hồ, Hà Nội), nhiều đại biểu gặp khó khăn khi tìm kiếm sự có mặt của những nhà văn (thực sự) trẻ.

Tìm nhà văn trẻ VN để giới thiệu, làm tuyển tập

“Tôi quan tâm đến các nhà văn trẻ cũng như văn học hiện đại Việt Nam. Tôi muốn biết cuộc sống hiện đại của Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học được thể hiện như thế nào”, ông S. Dashtsevel Giáo sư S. Dashtsevel - Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ -Việt Nam, nói.


Hội thảo chuyên đề Gặp gỡ nhà văn trẻ
Dịch giả Xia Lu (Hạ Lộ) - chuyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam tại trường ĐH Bắc Kinh - đang tổng hợp một tuyển tập truyện văn học đương đại Việt Nam (từ đầu Đổi mới đến nay), sau đó dịch sang tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, công việc đó hoàn toàn không đơn giản và một mình chị chẳng thể làm được. Chị nói: “Văn học đương đại Việt Nam khi nhìn vào như một biển lớn vậy. Thông qua hội nghị này, tôi hi vọng tìm được bạn đồng hành là các nhà văn, dịch giả, nhà phê bình, nhà Việt Nam học, để họ chỉ đường cho tôi cũng như giới thiệu các tác phẩm văn học của các nhà văn trẻ.

Với dịch giả Tian Xiao Hua (Điền Hiểu Hoa) đến từ Viện KHXH Trung Quốc, chị đã được NXB Thiên Tân ủy nhiệm cho việc tổng hợp tập Truyện ngắn Việt Nam với 30 tác phẩm của 30 tác giả Việt Nam. Tiền tài trợ (của Viện KHXH Trung Quốc) cho tập truyện đã có mặc dầu không nhiều. Dự kiến tập truyện ngắn này sẽ hoàn thành trong hai năm tới. Thông qua cuộc Gặp gỡ các nhà văn trẻ, chị mong muốn tìm hiểu các tác phẩm văn học mới của các tác giả trẻ.

Giáo sư Catherine Cole (nghiên cứu giảng dạy văn học Việt Nam tại đại học RMIT, Melbourne, Australia) đến với hội nghị, tham gia Gặp gỡ các nhà văn trẻ cũng với mong muốn làm dài danh sách các tác giả Việt Nam đã được chị giới thiệu và giảng dạy về tác phẩm của họ như: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Huyền Thư...


Dịch giả Trung Quốc Điền Hiểu Hoa
Đến văn trẻ để gặp... văn già

Trên thực tế, văn học cổ đại Việt Nam, văn học về chiến tranh Việt Nam cũng như thời hậu chiến đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được người nước ngoài tìm đọc. Thế nhưng trong khoảng thời gian cách đây 20-30 năm, việc “xuất khẩu” văn học Việt Nam hết sức hạn chế, và các tác phẩm đương đại lại càng nhỏ giọt. Do đó, nhiều đại biểu đến với hội nghị đều chung một nhu cầu là tìm hiểu, sưu tầm, chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Cũng bởi lý do đó, trong 4 hội thảo chuyên đề, thì Gặp gỡ các nhà văn trẻ thu hút số lượng đại biểu đến dự đông nhất.

Cả hội trường lớn của khách sạn Tây Hồ chật kín chỗ, thế nhưng vào buổi sáng, sau khi hội thảo mới đi qua 1/3 tham luận, nhiều đại biểu đã ra ngoài, “tự họp mặt” với nhau ở ngoài sảnh.

Khi nhìn vào đại biểu Việt Nam tham gia Gặp gỡ các nhà văn trẻ, nhiều người không khỏi bỡ ngỡ khi đa phần tóc đã bạc hoặc... điểm hoa râm như dịch giả Trịnh Lữ, dịch giả Trần Thiện Đạo, nhà văn Võ Thị Hảo, nhà văn Y Ban, nhà thơ Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý...

Việc đọc, trình bày tham luận của các nhà văn Việt Nam “dồn” vào một buổi tạo nên không khí khá căng thẳng. Các nhà văn nói đến tình trạng tại sao việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài còn quá ít, tham luận mang tính chung chung, không đặt ra vấn đề cụ thể nào, cũng không giải quyết vấn đề cụ thể nào. “Điểm sáng” của buổi thảo luận (theo lời nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên) là việc nhà thơ người dân tộc Mường-  Bùi Tuyết Mai đến từ Hòa Bình, không đọc tham luận mà trực tiếp giới thiệu bản thân, thơ và “tiếp thị” thơ của mình với các đại biểu nước ngoài.

“Vì thời gian để gặp gỡ các nhà văn trẻ quá ít nên mặc dầu tôi đã cố gắng gặp vài người để tìm hiểu các tác phẩm văn học nhưng không trò chuyện được nhiều”, dịch giả Hoàng Tiểu Hoa nói. “Tôi hi vọng sau hội nghị này, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức các buổi giao lưu (với bất cứ hình thức nào) để chúng tôi và các nhà văn trẻ Việt Nam gặp gỡ được nhiều hơn”.

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm