Đất thiêng Côn Đảo chiều nay…

18/03/2009 17:39 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Tôi thật không ngờ, lại có ngày như trong mơ, được cùng các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử đăt chân lên sân bay Cỏ Ống – Côn Đảo…

Mảnh đất thiêng, giữa muôn trùng sóng gió, chỉ hiển hiện qua trang sách và lời kể, đã nuôi dưỡng trong tôi, từ thuở cắp sách tới trường, biết bao suy cảm và thi hứng. Huống chi hôm nay lần đầu tiên, khi tóc đã bạc lại được tự tay thắp hương trước bàn thờ chị Võ Thị Sáu, đi dọc nghĩa địa Hàng Dương, dừng chân bên cầu Ma Thiên Lãnh…

Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”, chúng tôi đã được học thuộc lòng ngày nào, nay trang trọng khắc in ở ngay “công trường” – nơi cụ Phan Châu Trinh từng “xách búa đánh tan năm bảy đống – Ra tay đập vỡ mấy trăm hòn”. Chúng tôi bồi hồi đứng trước xà lim số 3, số 13 và số 4 nơi biệt giam các đồng chí Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng. Khám số 7 chính là nơi các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh và biết bao chiến sỹ Cách Mạng tiền bối bị đày ải. Từ năm 1967, tôi đã được đọc và đôi ba lần đã đi giới thiệu tác phẩm ‘Bất khuất” của đồng chí Nguyễn Đức Thuận do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Và phải đến hôm nay, mới tận mắt chứng kiến thấy chuồng cọp Côn Đảo, đỉnh cao của sự tàn bạo, dùng mọi cực hình sâu độc, thâm hiểm, tinh vi hành hạ người tù kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần, rã rời về ý chí.

Rời khu xà lim, hầm đá, chuồng cọp, chuồng bò, lò vôi…chúng tôi được Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bà Riạ - Vũng Tàu Phạm Chí Thân cho đến thăm ngay cồn Hải Đăng. Ở đây từ năm 1999, các nhà khảo cổ đã thám sát và phát hiện ra một khu mộ vò cổ. Tôi thành kình ngả mũ, thắp nén hương thơm trước gần 100 vò mộ và các đồ tuỳ táng bằng gốm và bằng đá từng hiện diện nơi đây khoảng trên 2000 năm trước. Từ các di vật cổ dấu vết tầng văn hoá, hầu như toàn bộ dải cồn cát từ hồ Quang Trung đến chân núi Thánh Giá là một làng cổ, một địa điểm cư trú lớn nhất được phát hiện ở Côn Đảo…
 
(Ảnh Internet)
 
Thật lãng mạn, trong khuôn viên nhà “Chúa Đảo”, dưới ánh trăng mờ ảo, chúng tôi được nghe Tiến sỹ Nguyễn Trung Chiến và nhà khảo cổ Đào Quý Cảnh giảng giải về quá trình hình thành Côn Đảo. Chúng tôi theo các anh ngược về những thế kỷ sau công nguyên, đắm mình trong một vùng địa sinh thái nhân văn lý tưởng, có nguồn nước ngọt dồi dào, giàu sản vật rừng và biển, nằm trên trục đường biển Bắc – Nam, Đông – Tây của biển Đông và biển Tây Nam (Vịnh Thái Lan), từng là điểm dừng chân nhộn nhịp của các thương thuyền chở gốm sứ, hương liệu và tơ lụa trên biển. Ngay sáng hôm sau, ngoài sự mong đợi chúng tôi lại được đáp ca nô đến thăm trạm Hải Đăng Bẩy Cạnh, cách Côn Đảo 7 km về phía Đông Nam. Tôi cùng trưởng trạm Hoàng Anh Tuấn trèo lên tháp Hải Đăng, không khỏi ngạc nhiên, đọc tấm biển đồng ghi thời gian xây dựng ừ 1883 đến 1885 do kỹ sư Fousnel thiết kế, mang hiệu BBT 96697 – 96696 cùng thời với nhà bác học Lê Quý Đôn của ta.

120 năm trước, chính những người tù khổ sai ở Sở Củi và Sở Chỉ Tồn đã bị vắt kiệt sức, ngâm mình dưới sóng biển, phá san hô ở vịnh Côn Đảo, nung vôi, chở ra Bẩy Cạnh, mở đường lên mỏm núi phía Đông, xây dựng trạm Hải Đăng. Đó thực sự là con đường máu và nước mắt. Ngày 27/8/1983, 150 người tù khổ sai ở Bẩy Cạnh đã nhất tề nổi dậy giết chết tên sỹ quan chỉ huy Gaston Cabilic, chiếm tàu cá mập và ca nô chạy về phía biển Bình Thuận…Sự kiện trên đã làm rung chuyển Bộ Hải quân và thuộc địa Pháp. Báo chí Pháp đã phải thốt lên: “Đây là cuộc Cách Mạng ở Côn Đảo”.

Miếu thổ thần, chúng tôi mới thắp hương ban sáng, chính là để tưởng niệm hương hồn những tù nhân Côn Đảo đã đổ mồ hôi và máu, làm đường và dựng tháp Hải Đăng trên đỉnh núi, cao 220 m so với mặt nước biển. Gắn với số phận đau thương oai hùng và thiêng liêng của Côn Đảo, Hải Đăng Bẩy Cạnh có một vị trí đặc biệt xứng đáng là một di tích lịch sử cần sớm được xếp hạng và phải trở thành một công trình văn hoá đích thực, mãi mãi toả sáng trên trục đường biển Bắc – Nam, Đông – Tây của biển Đông và biênt Tây Nam, vịnh Thái Lan. Và những người gác đèn biển chốt giữ ở đây càng xứng đáng được hưởng sự yêu thương, tin cậy và chăm sóc của đất liền cả vật chất lẫn tinh thần như tình cảm của chúng ta từng dành cho các chiến sỹ đảo Trường Sa.

Có một Côn Đảo, suốt 113 năm (1862 – 1975) thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến thành địa ngục trần gian và chính những chiến sỹ Cách Mạng đã biến thành chiến trường và trường học Cách Mạng - một vườn ươm của Cách Mạng Việt Nam.

Nhưng cũng từng có một Côn Đảo, ngay từ những thế kỷ sau Công nguyên đã là cảng thị quan trọng trên hải trình ổn định của “con đường tơ lụa trên biển”, con đường văn hoá của nhân loại.

Cơn gió nào đã đưa tôi đến đây để được đứng bên ngọn Hải Đăng Bẩy Cạnh. Có lẽ phải đến đây để cảm nhận tận hồn vị thế của Côn Đảo như lời bình của sách Đại Nam Nhất Thống Chí “Nguy nga đứng trấn giữa biển Đông”

Đúng là, tôi không mơ ở dưới chân núi, sóng thuỷ triều đã ào ạt vỗ vào vách đá. Tiếng còi ca nô đang rúc lên gọi khách. Nếu trong đời người, có những phút ngẫu hứng thăng hoa thì với tôi chính giây phút này đây. Tôi không hề nghĩ, mình sẽ viết lại những gì sau chuyến đi này nhưng lạ thay, từ trong sâu thẳm tâm hồn, những câu thơ cứ tự nhiên hiện ra, như lời tự nhủ chính mình:

Đã qua nửa đời mong cập bến

Những chân, thiện, mỹ ẩn trong mơ

Đất thiêng Côn Đảo, chiều nay đến

Mới hiểu thuyền thơ vẫn cách bờ.

Côn Đảo, đêm hè…

Đào Ngọc Chung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm