Có những thầy chưa bao giờ nhận phong bì

20/11/2012 10:07 GMT+7 | Giáo dục

Trong khi nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn “đón” ngày 20.11 như một nhiệm vụ nặng nề với hoa và… phong bì tặng giáo viên, thì có những nhà giáo đi dạy hàng chục năm, nhưng ngày 20.11 chưa hề có một món quà.

Ở nơi không hoa, không quà, không cả… dạy thêm học thêm - nhưng họ vẫn có những niềm vui đặc biệt.

Chắp cánh cho “đại bàng”

Có lần đi công tác đến một trường miền núi ở tỉnh Thái Nguyên, tôi được các thầy cô ở đây cho biết một biệt hiệu để các thầy cô gọi học sinh nghèo: “Đại bàng núi”. Lời giải thích cho biệt hiệu đầy kiêu hãnh này là: Học sinh ở đây không chỉ nghèo mà bố mẹ còn ít quan tâm vì bận kiếm sống, nhiều em khi đến trường mặc áo chỉ còn 1- 2 cái cúc, thậm chí đứt  hết cúc. Khi các em chạy nhảy, tà áo bay bên phấp phới như đôi cánh. Thường xuyên, các cô phải gọi học sinh lên để khâu cúc áo cho các em.

Cô Lê Thị Thía - trường THPT Nguyên Bình (Nguyên Bình, Cao Bằng) - cho biết, trên 70% số học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số, năm học vừa qua trường có 150 học sinh thuộc hộ nghèo. Đa số các em này cơm chưa no, áo chưa đủ ấm, phải ra trọ học trong các túp lều dựng tạm quanh trường. “Những lần đi thăm khu trọ, chứng kiến bữa ăn rất đạm bạc của các em, món ăn chính là ngô bung, thức ăn là muối và canh rau cải. Trời mưa rét mà nhiều em không có áo ấm để mặc” – cô Thía xúc động.

Là một cô giáo, đồng thời là chủ tịch công đoàn nhà trường, cô Thía đã phối hợp với ban giám hiệu nhà trường phát động phong trào tương thân tương ái, kêu gọi quyên góp gạo, tiền và áo ấm hỗ trợ các học sinh nghèo. Tập thể cán bộ giáo viên ủng hộ mỗi tháng 15kg gạo và 120.000 đồng cho 2 em học sinh nghèo trong 3 năm học tại trường. Năm học 2011 - 2012, mỗi tháng nhà trường góp được trên 200kg gạo từ các học sinh có điều kiện thuận lợi hơn và thầy cô giáo, để ủng hộ cho 15 học sinh nghèo của 15 lớp. Nhờ những đóng góp đó mà nhiều học sinh nghèo của trường đã vươn lên trong học tập, thi đỗ vào các trường ĐH Luật, ĐH Sư phạm Hà Nội với số điểm cao.

Còn cô Nguyễn Tôn Kim Ngân - giáo viên Trường Tiểu học “A” Nhơn Hưng (Tịnh Biên, tỉnh An Giang), lại phải đối mặt với một khó khăn khác, địa bàn nơi cô Ngân công tác là 1 trong 4 xã thuộc huyện miền núi Tịnh Biên, địa bàn này đa phần là học sinh nghèo, sống bằng nghề cắt lúa mướn, làm thuê. Các em thường nghỉ học theo cha mẹ đi cắt lúa mướn đến hết mùa vụ mới về. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình của học sinh, khi các em quay trở lại học, cô Ngân đã tăng cường phụ đạo ngoài giờ, thay đổi hình thức tổ chức và phương pháp dạy học để cho các em theo kịp bạn bè.

Ngày 20.11 chỉ có hoa rừng

Vất vả quanh năm trong việc dạy dỗ học trò, nhưng cô Đàm Thị Nhạc - giáo viên Trường Tiểu học Đại Tiến, huyện Hòa An (Cao Bằng) vui vẻ cho biết: “Đi dạy được 13 năm mà chưa bao giờ tôi nhận được một món quà nào của học sinh. Ngày 20.11, các em chỉ có hoa rừng tặng thầy cô”. Với cô Ksor H’Nga - Trường PTDT nội trú huyện Ia Grai (Gia Lai) thì: “Trước ngày 20.11, trường thường tổ chức lễ kỷ niệm ngay tại trường. Ngày 20.11, học sinh đến thăm nhà thầy, cô chỉ hát chúc mừng. Thầy cô nào “được” nhiều hơn thì có thiếp chúc mừng do các em tự làm”.

Suốt 23 năm gắn bó với Phú Quốc, cô Dương Thị Mỹ Hằng - giáo viên Trường Tiểu học Dương Đông 3 huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) - cho biết, ngày 20.11 với cô có nhiều kỷ niệm về... bánh xà phòng thơm, cuốn sổ hay tấm thiệp mà đám học trò miền biển nghèo khó thường tặng. Những ngày vui nhất của cô không phải là ngày 20.11, mà là những ngày học trò cũ - đã đỗ đại học, ra trường, đi làm - mỗi khi có dịp về quê đều đến thăm và chúc sức khỏe.

Cô Nguyễn Thị Hương - Trường Tiểu học thị trấn Thất Khê (Tràng Định, Lạng Sơn) - khẳng định “làm thầy tức là làm một tấm gương”. Cô Hương cho rằng, để đạt được điều đó còn tùy thuộc hoàn toàn vào sự phấn đấu không mệt mỏi của chính mình. Những “kỹ sư tâm hồn” dù đang công tác ở đâu, nơi thuận lợi hay khó khăn, cũng hãy trân trọng những gì mà bản thân đã làm và cống hiến cho xã hội.

Theo Ngân Anh
Báo Lao Động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm